Xử lý hình sự doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội kéo dài
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Bài liên quan
Tuyên truyền Bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình
Đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu tháng thì được hưởng chế độ thai sản?
Mua bảo hiểm y tế hộ gia đình không cùng lúc vẫn được giảm trừ
Nhân viên phục vụ nhà hàng có phải đóng bảo hiểm xã hội?
Anh Lê Văn Thái (Công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) hỏi: Theo tôi được biết, hiện nay tại Hà Nội có hàng nghìn doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của công nhân lao động. Vậy đối với những trường hợp doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài, sẽ bị xử lý như nào?
Liên quan đến thắc mắc của anh Lê Văn Thái, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội giải đáp như sau: Đối với các trường hợp doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn đóng bảo hiểm xã hội của người lao động thì biện pháp mạnh nhất chính là xử lý hình sự các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội.
Điều 216 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc đóng hông đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, bị xử phạt hành chính về hành vi này; nếu còn vi phạm, phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm.
Các hành vi vi phạm, phạm tội được nêu làm căn cứ áp dụng chế tài trên gồm: trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên...
Theo bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 9/2019, tổng số nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi trên địa bàn thành phố là 1.989,4 tỷ đồng, chỉ tính riêng tổng số nợ bảo hiểm xã hội lớn của 500 đơn vị sử dụng lao động từ 6 - 24 tháng đã lên tới gần 280 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội lớn như: Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garmant (Khu công nghiệp Quang Minh) nợ trên 21,09 tỷ đồng - 18 tháng; Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghiệp cao Minh Quân (Nhà hàng O2 - KĐT Văn Khê) nợ 16,4 tỷ đồng - 19 tháng; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 4 (Tòa nhà ICON 4 - 243A Đê La Thành) nợ 6,8 tỷ đồng...
Trước những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như trên, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đồng thời, Bảo hiểm xã hội thành phố cũng chỉ đạo bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu nợ... với quyết tâm giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội xuống còn dưới 2% so với số phải thu trong năm 2019, qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.