Xây dựng quản trị minh bạch vaccine giúp doanh nghiệp vượt qua mùa dịch Covid-19
9 tỷ phú nổi lên nhờ vắc xin Covid-19 Kích hoạt mức phòng, chống dịch cao nhất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất Diễn tập 4 kịch bản bầu cử trong điều kiện phát sinh tình các huống dịch Covid-19 |
Không thể tách rời giữa kinh doanh và chống dịch
Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung bộc lộ nhiều khó khăn. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn... bị ảnh hưởng rõ rệt.
Nhiều doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc bị tạm ngừng hoạt động, dẫn đến việc làm, an sinh của người lao động khó có thể duy trì... cùng với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, TP Hà Nội, sự nỗ lực của chính cộng đồng DN đã góp phần nâng chỉ số PCI của Thủ đô, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của Hà Nội nói riêng, đất nước nói chung...
Vấn đề đặt ra là chúng ta phải tìm ra giải pháp hữu hiệu, căn cơ và lâu dài cho bối cảnh Việt Nam chúng ta. Thành công của phòng, chống dịch sẽ tạo ra cơ hội cho các DN phát triển.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc phát biểu tại tọa đàm |
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam đã kiên cường vượt qua năm 2020 với rất nhiều khó khăn. Với DN, sự sụt giảm doanh thu do thị trường tiêu thụ, thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào, thiếu vốn… DN gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2020, 65% DN bị giảm doanh thu nhưng số DN đến cuối tháng 4 vẫn đạt mực kỷ lục so với năm 2020.
Bây giờ đứng trước đợt bùng phát Covid-19 mới, phục hồi kinh tế sẽ khó khăn hơn. Chỉ số quản trị mua hàng tăng 3 tháng liên tiếp nhưng đến tháng 5, 6 chưa biết thế nào khi dịch diễn biến phức tạp. Năm ngoái, Chính phủ đã triển khai rất nhiều giải pháp và Chính phủ đang tiếp tục hỗ trợ. Tuy nhiên quá trình thực hiện chính sách còn hạn chế. Cần có các giải pháp để DN được thụ hưởng tốt hơn.
"Bối cảnh hiện nay phải có hệ thống chính sách hỗ trợ thiết thực, thực tế, giúp DN thực thi CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu) cần phải tổ chức nhuần nhuyễn hơn. Bên cạnh đó là hỗ trợ về thị trường, hỗ trợ về tài khoá tiền tệ (chính sách thuế, tiếp cận vay vốn).
Với các DN, có 2 vaccine cần thiết cho DN Việt Nam: Quản trị DN phải xây dựng quản trị minh bạch, có khả năng chống chịu trong bối cảnh dịch bệnh, phải kiên cường để chống đỡ được. Vắc xin thứ 2 là vaccine y tế. Thủ tướng đã giao cơ quan chức năng thúc đẩy vaccine hạn chế lây lan dịch bệnh trong thời gian tới. Hiệp hội DN cần tăng cường sự liên kết, tăng cường sự đối thoại cùng DN", ông Lộc nhấn mạnh.
Phải có hệ thống chính sách hỗ trợ thiết thực, thực tế
Dự báo về tác động của dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, hiện nay chúng ta không thể tách rời giữa kinh doanh và chống dịch. Bên cạnh duy trì những giải pháp tích cực như tạm hoãn, chậm nộp thuế, với các gói mới chúng ta phải tính đến một cách bài bản hơn.
Chúng ta phải chủ động xây dựng các gói hỗ trợ, Chính phủ cần đi trước trong xây dựng các kịch bản; Tiếp đó phải tiếp cận theo nhóm đối tượng. Nếu không chú ý đến khía cạnh này, có thể dẫn đến tình trạng bị trục lợi chính sách. Ví dụ, có những DN, ngay cả khi chúng ta có hỗ trợ thì họ vẫn không thể tồn tại được, vẫn rút lui khỏi thị trường. Do vậy, nguồn lực của Chính phủ sẽ bị lãng phí. Chúng ta phải ưu tiên hỗ trợ những DN có khả năng phục hồi. Do đó phải phân loại đối tượng theo quy mô, theo ngành nghề, theo khả năng chống dịch...
"Về vaccine, chúng ta có 2 nguồn, Chính phủ đang làm rất tốt trong khả năng của mình. Nhưng phải mở ra một kênh nữa là vaccine DN. Hiện nay, theo phản ánh, chi phí xét nghiệm, truy vết Covid-19 cao hơn rất nhiều so với tiêm vaccine. DN nên được quyền chủ động tiêm vaccine từ nguồn DN tự chi trả. Nhà nước kiểm soát về mặt an toàn, ở 2 khía cạnh là quy trình tiêm và danh mục vaccine. Tuy vậy, những quyết định của Chính phủ về vaccine DN cần phải rất nhanh.
Nếu chúng ta trì hoãn 2, 3 tháng nữa, câu chuyện này có khi lại không còn ý nghĩa nữa. Theo tôi, đây là "liều thuốc" nên được ưu tiên số 1 hiện nay. Về lâu dài, tôi rất mong muốn ngoài các biện pháp trực diện để phục hồi nền kinh tế, kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ cần có những cải cách mạnh mẽ về môi trường kinh doanh", ông Hiếu nói.
Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương trao đổi tại buổi tọa đàm |
Đồng quan điểm, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme cho rằng, để khắc phục hậu quả từ dịch Covid-19, hỗ trợ DN, Chính phủ đã có các chính sách tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội… Tuy nhiên, các chính sách ban hành để đáp ứng với trạng thái khẩn cấp nhưng đã bộc lộ những bất cập và cần phải điều chỉnh đề phù hợp với “trạng thái bình thường mới”.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse cho rằng, nhiều nước trên thế giới hỗ trợ dựa trên đóng góp của DN - đóng thuế bao nhiêu, số lượng công nhân. Như vậy họ có trước dữ liệu về doanh nghiệp để căn cứ trên số lượng lao động đóng bảo hiểm, số thuế DN để có hỗ trợ nhanh chóng khi dịch bệnh bùng phát. Điều này cũng khuyến khích DN minh bạch và đóng thuế đủ.
Nghịch lý là ở Việt Nam, chúng ta lại chỉ tập trung vào nhóm DN khó khăn, như thế là khuyến khích cho người ta khó khăn, thậm chí đẩy họ vào gian dối, trong khi có những đơn vị đóng thuế đủ lại bị đóng cửa. Nhiều DN nhỏ và vừa rất khổ sở vì chỉ làm một lĩnh vực, một cửa hàng, khi dịch nổ ra bị đóng cửa ngay lập tức.
"Theo tôi cần chia 2 nhóm quỹ hỗ trợ, thứ nhất là bản thân các DN trong những khu vực bị phong tỏa cần được hỗ trợ ngay theo đóng góp của họ vào ngân sách, còn thứ hai là hỗ trợ các đối tượng khó khăn. Chúng ta nên chia nhóm doanh nghiệp để xây dựng các gói hỗ trợ. Nhóm DN lớn chiếm 80% nguồn thu ngân sách thì lại cần hỗ trợ kiểu khác như mở cửa thị trường, hỗ trợ họ đón các đoàn chuyên gia nước ngoài trong bối cảnh dịch hay các điều kiện để mở rộng sản xuất.
500 DN đứng đầu cả nước nếu nhận được chính sách hỗ trợ hiệu quả thậm chí còn tạo hiệu ứng lan tỏa cho những doanh nghiệp vệ tinh. Nhóm DN vừa - đa phần là vệ tinh DN lớn lại cần những chính sách khác. Nhóm cuối là những nhóm siêu nhỏ - họ chỉ có một con đường sống - khi mà giãn cách xã hội khoanh vùng cần có hỗ trợ ngay dựa trên đóng góp của họ. Còn nhóm những DN không may thì dùng quỹ kêu gọi xã hội", ông Phú chia sẻ.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ Nhà nước, để "sống sót" và phát triển trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bản thân các DN cần tự chủ động cứu mình, chuẩn bị cho mọi kịch bản ở nhiều cấp độ và cụ thể để có giải pháp hiệu quả trước dịch.