Xây dựng nông thôn trở thành những miền quê đáng sống
Diện mạo thay đổi nhờ xây dựng NTM
Xây dựng NTM là việc làm thường xuyên, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Nắm được quan điểm chỉ đạo đó nên những năm qua, các địa phương không ngừng nỗ lực triển khai thực hiện công tác xây dựng NTM, nhờ đó diện mạo những vùng quê ngày càng đổi thay, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Một trong những địa phương có nhiều đổi thay rõ rệt sau khi triển khai chương trình xây dựng NTM chính là xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Những ngày này, về vùng quê Tân Cương, đi trên các ngả đường liên xóm rộng rãi, sạch đẹp, rẽ vào nhiều nương chè là đường bê tông với những căn biệt thự xinh xắn của người dân, hẳn ít ai trong số họ biết rằng, để có được một Tân Cương xinh đẹp hôm nay, người Tân Cương đã phải tự đấu tranh với chính mình để đi đến quyết định hiến đất, đóng góp vật chất, ngày công… nhựa hóa đường trục xã, cứng hóa đường trục xóm, liên xóm rộng 5m cho ô tô đi lại thuận lợi.
Nhờ có chương trình xây dựng NTM, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao (Trong ảnh: Mô hình trồng nấm hương ở thôn Phiêng Khít, Thượng Ân, Ngân Sơn, Bắc Kạn) |
Không chỉ hiến đất, ngày công và tiền của để đầu tư cho giao thông, hệ thống kênh mương nội đồng cũng được cứng hóa. Đồng thời, tất cả 12 xóm đều có điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao. Toàn xã không còn nhà dột nát, chỉ còn duy nhất một hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội. Nhờ cơ sở vật chất được bảo đảm, tạo đà cho sản xuất phát triển, thu nhập bình quân tính theo đầu người tại Tân Cương đã đạt gần 50 triệu đồng/người/năm.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Cương Phạm Tiến Sỹ vui mừng chia sẻ: "Trở thành xã NTM nâng cao, người dân đã chủ động tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, đổi mới sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa... Với khí thế này, cấp ủy, chính quyền địa phương phấn đấu trong vài năm tới đưa Tân Cương trở thành xã NTM kiểu mẫu".
Cùng với Thái Nguyên, trong suốt 10 năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã huy động tối đa nguồn lực, dồn sức cho chương trình xây dựng NTM. Tổng nguồn lực từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, vốn doanh nghiệp, vốn huy động từ người dân và cộng đồng... đạt khoảng 2.041 tỷ đồng.
Người dân chăm sóc cây lê giống tại thôn Quan Làng, xã Đức Vân, Ngân Sơn, Bắc Kạn) |
Công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng nhằm thay đổi nhận thức của Nhân dân, xác định vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào thi đua trọng tâm của địa phương. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng nông thôn, các thiết chế văn hóa từng bước xây dựng, hoàn thiện, giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn. Một số huyện như Ngân Sơn, Bạch Thông, Na Rì, Chợ Đồn, thành phố Bắc Kạn có xã đạt chuẩn NTM và bình quân tiêu chí/xã đạt khá cao.
Đến nay, toàn tỉnh có 15 xã đạt chuẩn NTM (đạt 13,6%); Có 2 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 43 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 50 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí; Không còn xã dưới 5 tiêu chí (giảm 93 xã so với năm 2010). Bình quân cả tỉnh đạt 10,83 tiêu chí/xã, tăng 7,89 tiêu chí so với năm 2010, đạt 98,3% mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 30,5 triệu đồng/người/năm. Những kết quả quan trọng này là tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu của các năm tiếp theo.
Xây dựng hình ảnh "di sản nông thôn" của mỗi địa phương
Kết quả xây dựng NTM mặc dù có những chuyển biến tích cực nhưng nhiều địa phương, nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn, xã thuộc huyện nghèo việc triển khai NTM còn hạn chế, có sự chênh lệch khá lớn. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng NTM của các địa phương là rất lớn, đặc biệt là xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, khả năng huy động nguồn lực còn hạn chế, ngân sách của các địa phương còn hạn hẹp chủ yếu trông chờ từ Trung ương nên cũng ảnh hưởng phần nào đến việc hoàn thành mục tiêu xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Nhờ chương trình xây dựng NTM, đường liên thôn, xóm tại Ngân Sơn, Bắc Kạn được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất và kinh doanh |
Nhấn mạnh về vai trò của chương trình NTM trong việc thay đổi diện mạo các vùng quê, nâng cao đời sống của người dân, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Văn phòng điều phối NTM Trung ương cho biết: Trên hành trình về với những miền quê đáng sống, chứng kiến những đổi thay tích cực của nông thôn Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi cũng cảm nhận rõ hơn quyết tâm không "mặc đồng phục" cho các làng quê. Giai đoạn vừa qua, rất nhiều địa phương đã hoàn thành trước thời hạn nhờ huy động được các nguồn lực ngoài ngân sách từ doanh nghiệp và sự tham gia của người dân.
Hình ảnh NTM dựa trên các giá trị truyền thống địa phương, tính đặc thù mỗi vùng, miền nhằm đa dạng về ý tưởng quy hoạch, kiến trúc cảnh quan nông thôn, từng bước được hình thành và tạo nên những khác biệt giữa các miền quê đáng sống đang dần hiện hữu. Đó là thành quả từ quyết tâm dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo và người dân.
Mô hình chăn nuôi gà thả đồi ở thôn Đèo Gió, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân |
Không chỉ làm thay đổi diện mạo các vùng quê, chương trình xây dựng NTM còn góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đã giảm mạnh từ. Khảo sát gần đây cho thấy Chương trình xây dựng NTM đã có đóng góp tích cực đối với thúc đẩy liên kết sản xuất ở nông thôn.
Hiện đã xuất hiện nhiều mô hình đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển kinh tế hợp tác, liên kết chuỗi giá trị. Một trong những nét đặc sắc của Chương trình xây dựng NTM là việc triển khai đề án OCOP, tập trung phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc phát triển các sản phẩm địa phương, chỉ dẫn địa lý giúp quảng bá thương hiệu các mặt hàng nông sản địa phương…
Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Văn phòng điều phối NTM Trung ương |
Theo ông Ngô Trường Sơn, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất gấp 1,5 lần so với năm 2020.
“Vì vậy, trong xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo, các địa phương cần chú ý đan xen giữa công trình và mảng xanh, tạo ra những không gian sinh hoạt cho cộng đồng, sự giao lưu, kết nối của cư dân nông thôn và mở ra cách tiếp cận với khu vực đô thị. Mong rằng, các địa phương sẽ có nhiều sáng kiến để sau khi kết thúc Chương trình có thể tự hào giới thiệu cho cả nước, thậm chí là cả thế giới, hình ảnh "di sản nông thôn" của địa phương mình”, ông Ngô Trường Sơn nhấn mạnh.