Xây dựng kịch bản phát triển kinh tế thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19
Xây dựng lộ trình phục hồi và phát triển kinh tế
Theo đó, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Thành phố bảo đảm ổn định kinh tế, cân đối ngân sách; Nuôi dưỡng và củng cố nguồn thu cho ngân sách nhà nước; Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Thành phố cũng tập trung đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trở lại trạng thái hoạt động bình thường trong thời gian ngắn nhất.
Đồng thời, thành phố thúc đẩy các ngành, lĩnh vực còn dư địa phát triển; Đẩy nhanh khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số nhằm thiết lập nền tảng phát triển bền vững; Phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng 7,5-8%.
Thành phố Hà Nội tập trung đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch trở lại trạng thái hoạt động bình thường |
Đáng chú ý, kế hoạch nêu rõ các kịch bản tăng trưởng kinh tế. Trong đó, kịch bản tăng trưởng cơ sở điều hành quý IV/2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,09-7,37%. Năm 2021, GRDP tăng từ 2,35-3%. Kịch bản tăng trưởng cơ sở phấn đấu, GRDP quý IV-2021 tăng trên 7,37%; Năm 2021 tăng trên 3%. Kịch bản tăng trưởng cơ sở rủi ro, GRDP quý IV-2021 tăng thấp hơn 5,09%, cả năm 2021 tăng thấp hơn 2,35%.
Đối với kịch bản cơ sở điều hành năm 2022 và 2023: GRDP năm 2022 tăng 7-7,5%; GRDP năm 2023 tăng 7,5-8%. Nếu năm 2024, 2025, GRDP duy trì tăng 7,5-8,5% thì GRDP trung bình 5 năm (2021-2025) tăng 6,5-7%.
Kịch bản cơ sở phấn đấu, GRDP năm 2022 tăng trên 7,5% và năm 2023 tăng trên 8%; Nếu duy trì 2 năm (2024-2025) tăng 8,5% thì trung bình 5 năm (2021-2025) đạt trên 7,5%.
Kịch bản cơ sở rủi ro, GRDP năm 2022 tăng thấp hơn 7% và năm 2023 tăng thấp hơn 7,5%. Nếu 2 năm (2024-2025) tăng thấp hơn 7,5% thì trung bình 5 năm (2021-2025) sẽ thấp hơn 6,5%.
Nỗ lực hoàn thành các mục tiêu
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, cùng với triển khai 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đồng thời giao các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện kế hoạch trên, Chủ tịch UBND thành phố kêu gọi: Các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô phát huy bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng vươn lên, phát huy tinh thần tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, thách thức; Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững, đoàn kết, chung tay, chung sức, đồng hành cùng các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô chiến thắng dịch bệnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, đưa Thủ đô ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại.
Về giải pháp cụ thể, thành phố sẽ kiểm soát dịch Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế; Chủ động xây dựng, triển khai các kịch bản phòng, chống tương ứng với các cấp độ dịch; Thường xuyên đánh giá, cập nhật để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân chuyển đổi trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Hà Nội cũng xây dựng các tiêu chí thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động phát triển kinh tế |
Hà Nội duy trì sự ổn định kinh tế, đảm bảo cân đối ngân sách bằng việc thực hiện các giải pháp thu ngân sách, chống thất thu và phấn đấu hoàn thành dự toán NSNN hàng năm. Quản lý sử dụng, khai thác hiệu quả tài sản công, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đảm bảo nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, bức xúc, dự án trọng điểm.
Về phục hồi ngành dịch vụ thương mại, xây dựng các tiêu chí thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động dịch vụ thương mại; Phục hồi các chuỗi cung ứng, nguồn nguyên liệu, kênh phân phối; Thúc đẩy phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt…
Về du lịch, thành phố xây dựng các tiêu chí thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; Nhanh chóng phục hồi, phát triển hoạt động của các sự kiện văn hóa, thể thao, hội chợ, triển lãm, vui chơi giải trí, chiếu phim…; Chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế đến Hà Nội khi Chính phủ cho phép mở cửa các hoạt động du lịch quốc tế.
Về vận tải, thành phố tạo điều kiện tối đa cho hoạt động lưu thông hang hóa đảm bảo thông suốt, an toàn; Phối hợp với các tỉnh, thành phố trong việc quản lý và thống nhất phân luồng, phân tuyến phương tiện vận chuyển, phương án di chuyển của người lao động đi qua Hà Nội cũng như các địa phương, không gây ách tắc lưu thông…
Về thông tin và truyền thông, thành phố phối hợp với các bộ ngành Trung ương để triển khai nền tảng thống nhất từ tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo y tế, cấp luồng xanh, chứng chỉ xanh đến việc hỗ trợ kiểm soát các hoạt động lưu thông hang hóa; Tăng cường quản lý thông tin trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông trên internet.
Về ngành công nghiệp, bên cạnh xây dựng các tiêu chí an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, TP phục hồi nhanh hoạt động sản xuất của các DN trong các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề…; Tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng và đầu tư sản xuất kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp.
Thành phố cũng khởi động, đẩy mạnh hoạt động xây dựng các công trình, dự án giao thông, công nghiệp, dân dụng, thủy lợi trên địa bàn; Kiểm soát tốt giá cả của thị trường nguyên liệu, vật liệu xây dựng.