Xây dựng chính quyền điện tử, Hải Phòng tạo đột phá cải cách hành chính
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân kiểm tra công tác CCHC tại bộ phận Một cửa quận Hồng Bàng |
100% dịch vụ công đủ điều kiện lên mức độ 4 trong năm 2021
Trước xu thế bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trở thành nhu cầu thiết yếu và có tính quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Để xây dựng chính quyền điện tử, thành phố Hải Phòng đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CCHC.
Kết quả xếp hạng chỉ số CCHC năm 2012 – 2013, Hải Phòng xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; Năm 2014 - 2016 xếp thứ 2/63; năm 2017 – 2018 xếp thứ 5/63; năm 2019 xếp thứ 4/63. Đặc biệt năm 2020, Chỉ số CCHC của thành phố xếp thứ 2 cả nước và là 1 trong 2 địa phương được xếp vào Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số CCHC từ 90% trở lên, cao hơn mức trung bình của các tỉnh, thành phố là 6,78%. Chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) của thành phố đạt 93,57%, xếp thứ 2. Để luôn duy trì được thứ hạng tốp đầu về CCHC trong nhiều năm qua, Hải Phòng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử.
Hạ tầng CNTT của thành phố được chú trọng đầu tư, được xây dựng hiện đại, dung lượng và tốc độ lớn, góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng kết nối số. Qua đó tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp (DN) tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến của thành phố. Hiện 100% cơ quan nhà nước có mạng lan, kết nối internet, 100% cán bộ công chức được trang bị máy tính để làm việc.
Giờ làm việc tại bộ phận Một cửa quận Ngô Quyền, Hải Phòng |
Đặc biệt, đến nay, 100% khu vực dân cư của thành phố Hải Phòng đã được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ của các tổ chức và người dân.
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP) được triển khai và đưa vào vận hành từ năm 2019, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP). Thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP), đã thực hiện kết nối, liên thông với các hệ thống của Bộ, ngành Trung ương; tích hợp, cung cấp 433 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên cổng dịch vụ công quốc gia.
Thành phố đã cụ thể hóa các chủ trương, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong CCHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, xây dựng chính quyền điện tử để các tổ chức, DN và công dân tiếp cận, thực hiện.
Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị bao gồm 20/20 sở, ban, ngành; 15/15 UBND quận, huyện; 217/217 xã, phường, thị trấn đã có bộ phận “một cửa”. Một số mô hình sáng tạo mới đang được triển khai có hiệu quả như mô hình “một cửa thân thiện”; “một cửa điện tử liên thông”…
Hệ thống cung cấp 871 dịch vụ công trực tuyến, gồm: 641 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và 230 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 179/KH-UBND ngày 30/7/2021, theo đó thành phố sẽ có 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên mức độ 4 trong năm 2021.
100% quận, huyện triển khai hội nghị trực tuyến đến các xã, phường
Theo ghi nhận trên hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến thành phố, tổng số hồ sơ tiếp nhận được cập nhật trên hệ thống từ ngày 1/1/2021 đến ngày 29/8/2021 là 444.593 hồ sơ trực tiếp và trực tuyến.
Hệ thống hội nghị trực tuyến đã triển khai tại 15 điểm cầu quận, huyện. Hiện 100% quận, huyện đã triển khai giải pháp hội nghị truyền hình trực tuyến đến các xã, phường, thị trấn. Từ đầu năm 2021 đến 15/8/2021, thành phố họp 80 phiên, chủ yếu là các cuộc họp trực tuyến phòng, chống Covid 19. Các đơn vị ứng dụng các hệ thống MS Team, Zoom, Nhóm chat trên Zalo, Viber v..phục vụ họp trực tuyến.
Khu đô thị Ngã Năm sân bay Cát Bi, Hải Phòng |
Hệ thống quản lý văn bản chỉ đạo điều hành được triển khai đến 100% các cơ quan nhà nước từ thành phố tới cấp xã. Tích hợp chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cho các cá nhân lãnh đạo các đơn vị để thực hiện ký số văn bản điện tử, 90% văn bản được gửi trên môi trường mạng (trừ các văn bản mật). 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp hộp thư điện tử công vụ để trao đổi thông tin.
Toàn thành phố đã có 889 chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cho tổ chức, hơn 2.045 chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cho cá nhân, hơn 80 chứng thư số tích hợp trên SIM PKI phục vụ các giao dịch điện tử và gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống HCNN.
Ngoài ra, Trung tâm điều hành thông minh (IOC) đi vào hoạt động cho phép giám sát các chỉ tiêu về KT-XH. Qua đó đánh giá mức độ hiệu quả hoạt động của chính quyền, giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường, giao thông. Cung cấp nhanh chóng, đầy đủ, chính xác, khoa học số liệu tổng hợp về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cấp chính quyền. Số liệu chính xác giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị kịp thời, hiệu lực, hiệu quả hơn. Từ đó đưa ra các hoạch định chính sách, cơ cấu phát triển ngành, địa phương một cách sát với thực tế.
Chuyển từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ
Công tác đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) mạng trong các cơ quan nhà nước được thành phố quan tâm, chú trọng. Mục tiêu đảm bảo ATTT mạng cho các hệ thống thông tin thuộc chính quyền điện tử, từ đó có biện pháp xử lý, ứng cứu kịp thời nguy cơ mất ATTT mạng trong thời gian nhanh nhất.
Những thành công trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử đã dần thay đổi lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức từ phương thức làm việc thủ công sang làm việc trên môi trường ứng dụng CNTT; Từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ.
Quận Ngô Quyền, Lê Chân và Hồng Bàng là 3 địa phương luôn duy trì kết quả CCHC trong top đầu các quận, huyện của thành phố. Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến, kết nối và thực hiện chứng thực điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tăng lên rõ rệt.
Theo ông Đinh Minh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền cho biết: “Trong 9 tháng đầu năm 2021, chúng tôi đã thực hiện tiếp nhận 30.954 hồ sơ, trong đó có 3.120 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Chúng tôi tăng cường ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND quận. Trang bị cơ sở vật chất và hoàn thành việc tạo lập tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia cho cán bộ, công chức tham gia vào quy trình chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Tích cực tuyên truyền vận động cán bộ, công chức và người dân sử dụng dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính đối với những tài liệu, hồ sơ nộp trực tuyến.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Hoàng Văn Đức kiểm tra công tác CCHC tại quận Hải An |
UBND quận đã ban hành Quyết định số 1636/QĐ-UBND ngày 6/8/2021 về việc công bố Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Tiếp tục áp dụng, duy trì cập nhật, định kỳ đánh giá Hệ thống Quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 đối với 100% thủ tục hành chính thuộc UBND quận…”
Phương châm xây dựng chính quyền điện tử tại Hải Phòng là lấy người dân, DN làm trung tâm, sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo. Chính quyền điện tử tại Hải Phòng góp phần thực hiện tốt công tác CCHC. Từ đó tiết kiệm được ngân sách nhà nước, tiết kiệm thời gian, công sức của cán bộ, công chức và nhân dân trong giải quyết công việc.
Bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Sở Nội vụ Hải Phòng, cho biết: “Để công tác cải cách hành chính đạt được hiệu quả thực chất, trong thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho UBND thành phố tập trung thực hiện các giải pháp: Tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan HCNN.
Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp và xã hội để mọi cán bộ, công chức và người dân nhận thức đúng, đồng thuận, chấp hành các chủ trương, chính sách, nội dung CCHC của Đảng, Nhà nước; Bố trí đủ nguồn tài chính và nhân lực cho CCHC; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với tạo động lực cải cách trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Đổi mới phương pháp theo dõi, đánh giá định kỳ kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC…”
Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, sự đồng lòng của tổ chức, người dân, thành công trong xây dựng chính quyền điện tử đã tạo bước đột phá trong thực hiện CCHC. Đó là điều kiện quan trọng thực hiện chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trở thành động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, tạo khả năng đi tắt, đón đầu, đẩy mạnh phát triển KT-XH nhanh và bền vững, xây dựng Hải Phòng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Nguyễn Hiền – Phương Thanh