Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung cần liên kết chặt chẽ để cùng phát triển
Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viện KHXH vùng Trung bộ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, VCCI Đà Nẵng (Ảnh Đ.Minh) |
Ngày 22/7, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Vùng KTTĐ miền Trung: Liên kết tạo động lực phát triển”, thu hút sự quan tâm và nhiều ý kiến tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Mục đích của hội thảo lần này nhằm góp phần tạo cơ sở, luận cứ đánh giá thực trạng liên kết phát triển Vùng KTTĐ miền Trung thời gian qua, đồng thời đề xuất giải pháp tăng cường liên kết phát triển vùng KTTĐ miền Trung trong thời gian tới phù hợp bối cảnh mới.
Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Hoàng Hồng Hiệp, quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho hay, doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo được đánh giá là hai yếu tố quan trọng đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững.
"Vai trò của doanh nghiệp được thể hiện thông qua khả năng tạo việc làm, điều khiển sự phát triển kinh tế, đổi mới sáng tạo, phát triển các điều kiện xã hội và xác định, giải quyết các thách thức xã hội - môi trường.
Trong khi đó, lĩnh vực đổi mới sáng tạo luôn được xem là yếu tố quan trọng nhất để đạt được cả tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng năng suất lao động. Việc đổi mới sáng tạo kết hợp với công nghiệp hóa bao trùm và bền vững có thể giải phóng các lực lượng kinh tế năng động và cạnh tranh để tạo ra việc làm và tăng thu nhập”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc chi nhánh VCCI Đà Nẵng chủ trì hội thảo (Ảnh Đ.Minh) |
Nhiều ý kiến tại hội thảo của các chuyên gia cho rằng, các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đều có cảng biển, nhưng hạ tầng giao thông còn manh mún và thiếu đồng bộ, do đó Vùng KTTĐ miền Trung cần liên kết chặt chẽ và đồng bộ để “dắt nhau” phát triển.
Nhìn nhận về liên kết vùng trong thời gian qua, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, phát triển du lịch không thể không liên kết, nếu địa phương không liên kết, thì doanh nghiệp cũng chủ động liên kết. Bởi du lịch sẽ mang lại giá trị tối ưu nếu hình thành chuỗi, và chuỗi sản phẩm là xuất phát từ nhu cầu tất yếu của du khách.
“Sự hiện diện của chính quyền các địa phương trong việc liên kết phát triển du lịch sẽ tốt hơn rất nhiều, giúp định vị được giá trị địa phương trên hệ thống chuỗi sản phẩm du lịch thông qua việc thống nhất quy hoạch, phát triển những sản phẩm mang tính truyền thống của mỗi địa phương, điều này giúp du khách cảm thấy không bị nhàm chán khi sản phẩm bị lặp đi lặp lại”, ông Dũng nhìn nhận.
Các tỉnh/ thành Vùng KTTĐ miền Trung cần liên kết chặt chẽ và đồng bộ để “dắt nhau” phát triển (Ảnh Đ.Minh) |
Tiến sĩ Phan Thị Sông Thương nêu ý kiến tại hội thảo, hiện nay vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có lợi thế với 5 cảng biển lớn. Theo Quy hoạch chung 2021-2030, tầm nhìn 2050, toàn vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sẽ có 11 khu bến cảng, trong đó cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) đảm nhận vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung. Tuy nhiên, hàng hóa qua cảng biển tại vùng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chỉ tăng bình quân khoảng 8,54%/năm giai đoạn 2015-2019, thấp hơn so với cả nước (15,65%/năm).
Theo đó, Tiến sĩ Phan Thị Sông Thương cho rằng, trong dài hạn các địa phương nội vùng cần xác định phát triển nguồn nhân lực và khoa học - công nghệ là nền tảng để phát triển bền vững vùng. Trước mắt tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ du lịch, dịch vụ vận tải và sản xuất công nghiệp, nhằm tái khởi động và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, chú trọng hơn trong cả liên kết cứng (hệ thống hạ tầng, nguồn nhân lực) và liên kết mềm (thể chế, chính sách, chương trình xúc tiến đầu tư.