Vụn Art: Biến vải vụn thành "vàng"
Anh Lê Việt Cường, người sáng lập Vụn Art đào tạo nghề cho học viên |
Khởi nghiệp từ vải vụn
Sinh ra khỏe mạnh bình thường nhưng đến năm 1 tuổi anh Cường phải chịu di chứng của bệnh bại liệt. Không đầu hàng số phận anh nỗ lực, học tập vươn lên và có một công việc ổn định tại một doanh nghiệp tư nhân.
Quá trình đi làm anh nhận ra, có năng lực thì người ta mới trả công mình xứng đáng. Muốn giải quyết việc làm cho người khuyết tật, thì sản phẩm phải cạnh tranh được trên thị trường.
Từ suy nghĩ ấy, năm 2013, anh Cường cùng 5 người bạn thành lập công ty làm thú nhồi bông và tuyển những người khuyết tật vào làm. Mục tiêu anh và những người bạn đưa ra là “Người khuyết tật sản phẩm không khuyết tật”. 7 năm hoạt động, nhờ sự định hướng đúng của ông Lê Quốc Vinh (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Le Bros) về sản phẩm, truyền thông “Bán câu chuyện sản phẩm”; hỗ trợ của chính quyền quận Hà Đông, giúp đỡ của cộng đồng, công ty đã mang đến thương hiệu có uy tín và tạo công ăn việc làm ổn định cho một số người khuyết tật.
Tuy nhiên, có một thực tế mà anh Cường phải đối mặt là sản phẩm khó làm và cạnh tranh gay gắt. “Không thể mở rộng hoạt động nên tôi suy nghĩ cần tạo lập một mô hình khác nhằm thu hút được nhiều người khuyết tật vào làm hơn. Cơ duyên đến khi ngày 8/3/2017, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông xuống thăm, làm việc với Hội và xưởng thú nhồi bông do tôi điều hành. Kết thúc buổi làm việc, đồng chí đề nghị: “Hội cần phải sáng tạo thêm nghề, tạo sinh kế bền vững cho người khuyết tật cũng như tạo ra nguồn thu từ hoạt động này để Hội có kinh phí hoạt động lâu dài”, anh Cường kể.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông cũng gợi ý trước mắt sẽ tổ chức đào tạo nghề tranh ghép vải cho người khuyết tật trên địa bàn quận. Ông trực tiếp đào tạo vào các buổi chiều sau giờ làm việc. Từ ý tưởng đó, Vụn Art được hình thành.
Đây sẽ là nơi giúp người khuyết tật có công việc ổn định, tự tin hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, từ mong muốn đến hiện thực là cả một chặng đường dài mà người khởi xướng Vụn Art phải kiên trì thực hiện.
Vụn Art trở thành ngôi nhà chung giúp nhiều người khuyết tật có việc làm ổn định |
Những ngày đầu, anh Cường đến tận nhà từng người khuyết tật để vận động họ tham gia dự án của mình. Mặc dù Vụn Art chưa có đầu ra, anh vẫn cố gắng đảm bảo chỗ ăn, chỗ nghỉ cho những người ở xa, tạo điều kiện cho họ yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, anh tìm đến các họa sĩ chuyên nghiệp để học hỏi kỹ thuật làm tranh, tạo hình mỹ thuật…về hướng dẫn lại cho các thành viên Hợp tác xã.
"Dạy nghề cho người bình thường đã khó, với người khuyết tật còn khó hơn gấp bội, nhất là khi họ còn chưa hiểu về kỹ thuật ghép, màu sắc, bố cục tranh. Nếu chúng ta không thấu hiểu, kiên trì thì rất dễ phải bỏ dở giữa chừng" - anh Cường nhớ lại.
Khó nhưng không nản
Anh Cường cùng các thành viên của Vụn Art tìm tòi, chia từng công đoạn làm tranh để dạy cho từng người như: Tạo mẫu tranh, làm bìa, vẽ mẫu, ép vải, tạo hình, cắt dán... Những mảnh vải lụa vụn vô tri vô giác, tưởng như không còn giá trị sử dụng, dưới bàn tay khéo léo, cần cù, sáng tạo của những người thợ lại tạo nên những bức tranh độc đáo, đầy màu sắc và mang đậm tính nghệ thuật.
Việc tận dụng vải vụn, nên mỗi bức tranh lại có một màu sắc khác nhau. Những miếng vải bình thường bỏ đi khi ghép vào tranh lại có hồn, mang đậm hồn quê nét Việt, không cái nào giống cái nào, tạo sự bất ngờ cho chính người làm tranh.
Mặc dù vậy, đầu ra sản phẩm vẫn là bài toán khó nhất đối với anh Cường và Vụn Art. Giai đoạn đầu, thị trường tiêu thụ các sản phẩm của Vụn Art chỉ gói gọn trong phạm vi làng lụa Vạn Phúc. Anh Cường đã phải mang tranh đi "chào hàng" trực tiếp ở nhiều cơ sở kinh doanh, nhà sách... quảng bá gắn với hoạt động du lịch của làng nghề. Dần dần, những sản phẩm này mới được biết đến nhiều hơn. Những người làm bắt đầu có thu nhập ổn định hơn.
Hoạt động của Vụn Art khiến nhiều du khách thích thú |
Song song với dòng tranh nghệ thuật dân gian, người thợ của Vụn Art sáng tạo thêm những sản phẩm mới mang tính ứng dụng đời sống như làm túi vải, bộ trò chơi tranh ghép, bưu thiếp vải… để đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt, Vụn Art còn hoạt động với mô hình không gian sáng tạo, phát triển tour trải nghiệm văn hóa, thu hút học sinh, các bạn trẻ và khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu và thực hành làm tranh vải ghép. Những khách du lịch đến đây, nhất là du khách quốc tế tỏ ra rất hứng thú với sản phẩm và phương thức sản xuất này, họ đánh giá cao một mô hình doanh nghiệp xã hội của Vụn Art - giải quyết được vấn đề việc làm cho người khuyết tật trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam.
Sau 2 năm, Vun Art đã dạy nghề tranh ghép vải cho 35 người khuyết tật, 16 người khuyết tật thành nghề, được tạo việc làm tại chỗ (trong đó có 4 bạn thiểu năng trí tuệ, 3 bạn điếc, 2 bại não, 1 trầm cảm, 6 khuyết tật vận động) với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
“Chúng tôi đóng bảo hiểm xã hội, thuê nhà ở cho người khuyết tật ở các huyện ngoại thành xa trung tâm Hà Nội. Ngoài ra, các hoạt động của Hội Người khuyết tật quận Hà Đông đều được lấy từ nguồn thu của Vụn Art”, anh Cường chia sẻ.
Cũng theo anh Cường, việc đào tạo nguồn nhân lực không chỉ là dạy nghề mà thông qua đó còn là một liệu pháp giúp người khuyết tật phục hồi thương tổn đặc biệt là những chấn thương tinh thần. Giờ đây họ tự tin, lạc quan hơn và có thể chủ động trong từng hành vi, cử chỉ, không còn nhút nhát mặc cảm nữa, có em còn bộc lộ năng khiếu của mình.
Anh Cường và các thành viên khác coi đó mới chính là thành tựu thật sự của Vụn Art (sản phẩm của con người), thành tựu nhân văn (hướng đến con người). Như vậy, nhờ có sức mạnh cộng đồng mà người khuyết tật ý thức hơn về giá trị cuộc sống, biến nỗi đau thành niềm tự hào của cha mẹ. Anh và các thành viên của Vụn Art vẫn đang kiên trì theo đuổi giá trị nhân văn này.
Để đưa giá trị đó thành hiện thực, anh Cường đang nỗ lực phát triển Vụn Art lớn mạnh hơn. Trong đó, anh định hướng phát triển Vụn Art gắn với chương trình OCOP qua việc: Hoàn thiện khâu đóng gói và nghiên cứu phát triển sản phẩm trên các chất liệu mới như cói, đay, linen… Anh hi vọng, con đường đi này sẽ giúp thêm nhiều người khuyết tật có việc làm, tự tin hòa nhập cộng đồng.
* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |