Vui Tết Aza Koonh giữa đại ngàn Trường Sơn
Một trong những cung đường lên A Lưới quanh co với những con đèo |
Tiếng khèn, điệu múa trên dãy Trường Sơn
Chia tay với dòng sông Hương thơ mộng, với những lăng tẩm, cung điện cổ kính, khung cảnh trầm mặc của thành Huế, mất khoảng 2 giờ đồng hồ nếu chạy bằng xe máy từ TP Huế một “phượt thủ” mới lên đến thị trấn A Lưới. Sau đó tiếp tục xuyên qua những con đèo quanh co, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, cây rừng rậm rạp để đến với xã Hồng Vân nằm trên dãy Trường Sơn. Địa danh này được ví như một Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam.
Ở nơi có độ cao trung bình 600-800m so với mặt nước biển, khí hậu mát mẻ, trong lành, thôn A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới người dân đang rộn ràng chuẩn bị cho Tết Aza, tạ ơn trời đất, thần linh. Nếu đến A Lưới vào thời gian cuối năm mà không dự Tết Aza Koonh, thì xem như chưa tận hưởng được những nét văn hóa đặc sắc của bà con người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Từ sáng sớm ngày 30/12, con đường rẽ vào Nhà văn hóa truyền thống thôn A Năm, xã Hồng Vân đã đông đúc người dân trong làng đến chuẩn bị lễ hội. Mỗi người đều lựa chọn cho mình bộ trang phục truyền thống đẹp nhất.
Có mặt từ sớm, già làng Quỳnh Quyền (thôn A Năm, xã Hồng Vân) cho biết: “Tết Aza Koonh còn gọi với nhiều tên khác như Tết Aza, Tết cơm mới, lễ hội tri ân cây lúa. Đây là lễ hội truyền thống, Tết cổ truyền của dân tộc Pa Cô nói chung và một số dân tộc thiểu số nói riêng, đánh dấu thời điểm kết thúc một năm làm việc cũ và mở ra một năm làm việc mới”.
Lễ hội Aza có 2 loại Aza Kăn và Aza Koonh. Aza Kăn được bà con tổ chức từng năm với quy mô hộ gia đình. Còn lễ hội Aza Koonh được tổ chức quy mô của làng, thường từ 3 đến 5 năm một lần, khi được mùa hoặc cuộc sống của bà con ấm no, đủ đầy.
Không khí chuẩn bị Tết Aza đang rộn ràng khắp nơi, đàn ông vào rừng đi săn, bắt cá, phụ nữ xay gạo làm bánh A Quát, dệt những tấm Zèng đẹp mắt dâng lên Giàng (thần linh). Trước khi diễn ra lễ cúng Giàng chính thức của làng, các gia đình, dòng họ tổ chức cúng tại nhà riêng.
Những lễ vật để cúng Giàng như: Chuột rừng, thịt lợn, cá suối, gà trống luộc, bánh Aquat, cơm nếp được nướng trong ống tre, rượu đoác... đặc biệt không thể thiếu vải Zèng.
Nhiều lễ vật khác nhau được người dân chuẩn bị cho lễ hội |
Theo thông lệ Tết Aza được bắt đầu từ ngày 6/11 Âm lịch và kéo dài đến hết ngày 24 tháng Chạp. Người Pa cô quan niệm, đây là thời điểm mặt trăng đẹp nhất. Lễ hội Aza với người đồng bào Pa Cô rất quan trọng và được xem như là Tết truyền thống.
Có 13 bước trong nghi lễ của Aza Koonh gồm: Lễ tẩy rửa, lễ chuẩn bị, lễ mời mẹ lúa, lễ cúng các vị giống cây trồng, lễ cúng cho Giàng xứ (Giàng sông, suối, gió, mây, núi, lửa, đất, đường sá…), lễ cúng những người đã khuất, cúng vị thần che chở khi đi buôn bán, lễ cúng Giàng A Zel, lễ cúng các vị thần ban tặng con người, lễ ăn cơm mới, lễ giao mâm cỗ và cuối cùng là nghi lễ tiễn khách.
Trong khuôn viên nhà văn hóa làng A Năm, đại diện của các họ tộc trong làng cùng dâng mâm cỗ và đi vòng quanh cây nêu để cúng Giàng. Sau đó, lễ vật được sắp đặt ở gian chính của nhà cộng đồng, theo thứ tự họ tộc nào sinh sống sớm sẽ đặt cỗ trước.
Với người dân tộc Pa cô, Cơ tu và Tà ôi, thì lễ Aza là dịp dân làng cùng quây quần bên nhau, ăn mừng cho vụ mùa của năm. Lễ hội với mong muốn trời đất mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe dồi dào… trong vụ nông mới.
Các nghi lễ được già làng tái hiện tại lễ hội |
Nhiều năm gần đây, thực hiện nếp sống mới, lược bỏ hủ tục lạc hậu không phù hợp với đời sống, Lễ Aza Koonh không còn tục đâm trâu, thay vào đó đồng bào dâng lễ vật con dê. Vào ngày Tết Aza Koonh, các chàng trai cùng các cô gái của bản mặc những bộ trang phục đẹp nhất hòa trong điệu múa, điệu nhảy, gắn kết tình anh em, cầu mong một mùa cơm mới no ấm, bản làng yên vui.
“Để cầu cho một năm mới mùa màng bội thu, người dân thường phóng loại hoa tre lên trần nhà, mái nhà hay lên những tấm zèng. Nếu hoa tre không rơi xuống có nghĩa là những mong ước cho một năm mới sung túc đã được các thần linh, các Giàng chấp nhận”, già làng Quỳnh Quyền cho biết thêm.
Nét văn hóa độc đáo cần được bảo tồn
A Lưới là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài các lễ hội truyền thống thì ẩm thực nơi đây rất phong phú, nhiều món ăn được liệt vào dạng đặc sản, mang dấu ấn đặc trưng văn hóa của những cộng đồng dân cư sống trên dãy Trường Sơn.
Vào những ngày đông tiết trời đêm lạnh, bập bềnh bên bếp lửa nhà sàn ngồi nhâm nhi đôi chén rượu sim với ếch gác bếp, thịt nướng thì không gì có thể tuyệt vời hơn.
Quy trình ủ rượu sim của người dân A Lưới rất tỉ mẩn, cẩn thận |
Đối với bà con dân tộc thiểu số ở A Lưới, rượu là thức uống có vai trò quan trọng trong đời sống ẩm thực. Các loại rượu của người Tà ôi, Cơ tu và Pa cô rất đa dạng như Ariêu Tà vạc (rượu Tà vạc) , Ariêu Par đin (rượu Tà đin), Bhua/a riêu thăn (rượu sắn), Avíeet (rượu mía), Adương (rượu mây), Ariêu Chĩa (rượu dứa)... Các loại rượu này có sự khác nhau về nồng độ, chất lượng, mùi vị nhưng đều góp mặt trong bữa ăn thường ngày ở các gia đình cũng như các lễ hội lớn của làng bản.
Màn đêm buông xuống cũng là lúc những mái nhà thấp thoáng san sát ẩn hiện hòa cùng chút hư ảo của sương. Giữa căn nhà sàn là bếp lửa cháy bập bùng, sau khi lâng lâng chén rượu sim, còn gì thú vị hơn khi được ngả mình trên tấm thảm thổ cẩm êm ái, gối đầu trên chiếc gối bên trong là các vị thuốc lá khô thơm tho và đắp lên mình tấm chăn thổ cẩm ấm áp.
Với những nét văn hóa đặc sắc được bảo tồn gần như nguyên vẹn, năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội truyền thống Aza Koonh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây chính là động lực cho các thế hệ đồng bào người Pa Cô tiếp tục gìn giữ, duy trì nét văn hóa độc đáo cho các thế hệ mai sau.