Vietnam Airlines muốn “đặc cách” cổ phiếu: Không nên để xảy ra tiền lệ xấu
Cổ đông Nhà nước rót gần 7.000 tỷ đồng mua cổ phiếu Vietnam Airlines Nguy cơ phá sản, cổ phiếu Vietnam Airlines vẫn “bay cao” Các chỉ số tài chính rất bi đát của Vietnam Airlines |
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị ngày 26/9 cho phép xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) dù âm vốn chủ sở hữu.
Theo quy định hiện hành tại Khoản 1, Điều 120, Nghị định 155/2020, cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc nếu có kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục; tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp; vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Thực tế, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, sức khỏe tài chính của Vietnam Airlines đang gặp "nguy hiểm".
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần Vietnam Airlines giảm gần 44%, chỉ đạt gần 14.000 tỷ đồng; lỗ sau thuế 8.585 tỷ đồng, tăng lỗ 63% so với mức lỗ 5.262 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, cộng thêm khoản lỗ 8.585 tỷ đồng đã nâng tổng mức lỗ lũy kế đến cuối tháng 6/2021 của Vietnam Airlines ở mức 17.771 tỷ đồng.
Máy bay Vietnam Airlines |
Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Vietnam Airlines ở mức 61.255 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định.
Đặc biệt, nợ phải trả của Vietnam Airlines ở mức 64.005 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 56.489 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Như vậy, nợ phải trả đã vượt tổng tài sản lên tới hàng nghìn tỷ đồng; đáng chú ý vốn chủ sở hữu của hãng bay lần đầu bị âm với mức âm tới 2.750 tỷ đồng.
Mới đây, Vietnam Airlines đã tiến hành tăng vốn lên 22.182 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng nhằm cải thiện cảng cân đối kế toán, giúp hãng bay quốc gia có thể giải quyết vấn đề âm vốn chủ trước mắt.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại hàng không Việt Nam vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ tư hết sức nặng nề, điều này có thể khiến các chỉ số tài chính của Vietnam Airlines tiếp tục gặp bất lợi.
Liên quan đến việc này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Vietnam Airlines là doanh nghiệp với phần lớn là vốn Nhà nước, sẽ khó có chuyện bị phá sản dù số lỗ lũy kế lớn hơn vốn chủ sở hữu nên vẫn có thể xem xét kiến nghị đặc cách; tuy nhiên phải thận trọng vì đây có thể là tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp khác.
Trong khi đó, luật sư Phan Thị Lam Hồng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, không nên có một đặc biệt nào dù cho đó là doanh nghiệp Nhà nước, vì nếu Vietnam Airlines được đặc cách thì sẽ xảy ra tiền lệ xấu trên thị trường chứng khoán.
"Nếu Vietnam Airlines được đặc cách thì có thể gây tâm lý không tốt cho các nhà đầu tư, bởi họ sẽ nghĩ có sự can thiệp, ưu ái vì là doanh nghiệp Nhà nước. Hơn nữa, các doanh nghiệp khác cũng lấy đó làm tiền lệ, bởi ông kia được tại sao tôi lại không được", luật sư Hồng phân tích.
Theo vị luật sư, quy định đã có, nếu chỉ số tài chính tiêu cực thì cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết bắt buộc, chuyển sang UPCoM và sau đó nếu doanh nghiệp có lãi trở lại, các chỉ số tài chính tươi sáng hơn thì lại chuyển sang HOSE là bình thường.
"Tôi cho rằng, nếu đã là quy định thì nên để bình thường, doanh nghiệp nào cũng vậy không có trường hợp đặc biệt để thị trường chứng khoán được bình đẳng, minh bạch. Quan trọng nhất là không để ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà đầu tư", luật sư Hồng nhận định.