Việt Nam mới có 21% DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược và thương hiệu cạnh tranh
Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, hiện nay, Việt Nam mới chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó con số này ở Thái Lan là hơn 30%, Malaysia là 46%. Do vậy, doanh nghiệp Việt ít được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI qua chuyển giao công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý.
Phân tích về những hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược và thương hiệu cạnh tranh, cho biết: Một trong những yếu kém nổi bật là chuỗi cung ứng hàng hóa chưa hình thành một cách đầy đủ, đồng bộ, còn phát triển rời rạc, lạc hậu, còn mang nhiều dáng dấp của kiểu cung ứng thời bao cấp hoặc của nền sản xuất nhỏ lẻ. Chính vì vậy, khi chúng ta nhập hội nhập kinh tế toàn cầu thì thị trường cung ứng này đã không đáp ứng được yêu cầu khiến sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu kém.
Qua những báo cáo tổng kết, phân tích chỉ ra rằng, chi phí logistics tại Việt Nam cao gấp đôi, gấp ba so với các nước có hoàn cảnh tương đồng. PGS, TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh: Chúng ta cần hình thành được một chuỗi cung ứng hàng hóa không chỉ làm tốt việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa ở trong nước mà còn phục vụ tốt cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới; làm sao để chúng ta có thể hiện đại hóa chuỗi cung ứng đặc biệt trong giai đoạn hiện nay áp dụng công nghệ 4.0 và cần phải hình thành chuỗi cung ứng hiện đại hóa, tối ưu hóa nhằm giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế.
Trong xu hướng toàn cầu hóa, dòng chảy thương mại, đầu tư ngày càng thuận lợi gắn với lợi thế cạnh tranh và dịch vụ kết nối đã tạo ra những mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc một sản phẩm có thể mang thương hiệu một quốc gia, sản xuất tại một quốc gia khác và được bán ở đâu đó là chuyện bình thường. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ về hành trình mà sản phẩm đó đã trải qua để đến được tay khách hàng hay người tiêu dùng. Hành trình của sản phẩm là sự phối hợp của rất nhiều khâu, từ nhà cung cấp nguyên phụ liệu, các nhà máy gia công trên khắp thế giới, các đơn vị vận chuyển đến các trung tâm phân phối, các cửa hiệu bán sỉ, bán lẻ…
Làm cách nào để sự phối hợp này được tiến hành suôn sẻ, vừa tiết kiệm tối đa chi phí vừa đem lại nhiều lợi ích nhất cho các bên liên quan? Đây là bài toán mà các doanh nghiệp luôn trăn trở. Song cái mới là việc đặt bài toán đó trong bối cảnh mới hiện nay, đặc biệt với đặc trưng nổi bật của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là số hoá, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh.