Hà Nội: Cần áp dụng hệ thống quản lý để gia nhập chuỗi sản xuất toàn cầu
Thị xã Sơn Tây: Tổng giá trị sản xuất năm 2022 đạt khoảng 12.500 tỷ đồng Festival sản phẩm nông nghiệp, làng nghề thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp Thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu dùng |
30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi toàn cầu
Theo số liệu mới nhất từ Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), đến nay, cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tham gia sản xuất cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày. Tuy nhiên, mới có khoảng 30% doanh nghiệp CNHT đã tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Phạm Minh Thắng, Giám đốc Công ty P&Q Solutions cho rằng, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều vấn đề cần giải quyết để gia nhập chuỗi sản xuất toàn cầu.
Theo ông Thắng, thị trường các sản phẩm công nghiệp ngày càng “phẳng” về công nghệ và nguồn cung nên “báo giá cao” và “hệ thống chất lượng kém tin cậy” là hai nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, nhất là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa không tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Nhiều chính sách, cơ chế tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ |
Mặt khác, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều thách thức khi chu trình vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn lại; Chủng loại sản phẩm ngày càng đa dạng nhưng số lượng mỗi loại lại ít đi; Nhu cầu thị trường cũng nhanh chóng thay đổi… điều này dẫn đến chi phí vốn của các doanh nghiệp cao trong khi áp lực sinh lời lớn hơn.
Trong bối cảnh sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thiếu các đòn bẩy, ông Phạm Minh Thắng cho rằng, để cạnh tranh mạnh mẽ và phát triển bền vững, doanh nghiệp cần phải giải quyết vấn đề hiệu quả trong sản xuất và tránh lãng phí. Cùng với đó, các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng, giao hàng kịp thời, linh hoạt thích ứng và thỏa mãn toàn diện yêu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay, ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp CNHT TP Hà Nội - HANSIBA cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đều đã ban hành nhiều hướng dẫn nhằm hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Trong đó, đáng chú ý, Bộ Công thương đã ban hành quy định về trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. Nhưng theo ông Nguyễn Vân, sau hơn 6 năm chính sách được ban hành, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết đến và chưa tiếp cận được cơ chế chính sách.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn lúng túng khi áp dụng
Ông Nguyễn Vân cho biết thêm: Việc áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là nội dung quan trọng mà hầu hết các doanh nghiệp CNHT tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung còn đang lúng túng để đáp ứng chuỗi sản xuất toàn cầu cũng như tiếp cận những gói ưu đãi. Do đó việc trang bị kiến thức, kinh nghiệm cho lãnh đạo và cán bộ quản lý các doanh nghiệp là rất cần thiết.
Liên quan đến việc áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu chuỗi sản xuất toàn cầu, ông Phạm Minh Thắng - Giám đốc P&Q Solutions chỉ ra bối cảnh của chuỗi cung ứng và xu hướng toàn cầu liên quan đến chuỗi cung ứng sản phẩm, những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải.
Ông Thắng đưa đưa ra một số tiêu chuẩn phổ biến cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ như ISO 9001; ISO 14001; ISO 45001; IATF 16949 để áp dụng cho các doanh nghiệp với những mục đích khác nhau.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng chỉ ra những vấn đề thường gặp trong triển khai các hệ thống quản lý chất lượng ISO, trong đó có việc không thích hợp với tổ chức, thiếu sự tham gia đầy đủ của toàn tổ chức, thiếu khả năng duy trì và cải tiến sau chứng nhận, thiếu sự tích hợp với các lĩnh vực khác và không giúp cải tiến hoạt động.
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, tuy nhiên, nổi bật nhất trong đó có thể kể đến là do những chính sách ưu đãi, chương trình hỗ trợ dành cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mới được triển khai trong vài năm trở lại đây; Các hoạt động tuyên truyền về chính sách, chương trình vẫn còn nhiều yếu kém dẫn đến các doanh nghiệp vẫn chưa nắm được thông tin hoặc chưa biết đến những chương trình, chính sách này.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương khi nói về vấn đề này đã đưa ra 3 đề xuất để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ nhất, thay vì cách tiếp cận theo chuỗi cung ứng như hiện nay dẫn đến các chương trình ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước không đến được với các hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao cho doanh nghiệp thì cần có cách tiếp cận công nghiệp hỗ trợ theo chuỗi giá trị, mở rộng phạm vi của công nghiệp hỗ trợ bao gồm các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu,.
Thứ hai, để các doanh nghiệp có thông tin và tiếp cận dễ dàng hơn với các chương trình ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, từ đó, dần dần thay đổi nhận thức và đồng hành cùng các mục tiêu chung của đất nước. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp cần thiết đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đó là phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhằm nâng cao hiệu quả các dịch vụ công.
Thứ ba, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý và thể chế hóa các biện pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để có thể nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững. Song song với các hoạt động đó, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp mang tính cốt lõi về hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý, kết nối kinh doanh, thông tin thị trường, phát triển thị trường, phát triển nguồn nhân lực...
Nhằm hướng đến các mục tiêu phát triển dài hạn và bền vững, tất cả những giải pháp trên cần được triển khai đồng bộ với công tác truyền thông, thay đổi và nâng cao nhận thức của các bên liên quan và cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Thông qua đó, giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thực sự chuyển mình, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể phát triển, vươn ra thế giới.