“Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy trong Kỷ nguyên Số”
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2019
Bài liên quan
Toyota Việt Nam chung tay bảo vệ môi trường
Nâng cao kỹ năng ứng phó với rủi ro thiên tai
Phụ nữ hiện đại hưởng thụ cuộc sống bằng cách tiêu dùng thông minh
Ứng dụng có hiệu quả khoa học công nghệ trong thích ứng với biến đổi khí hậu
Việt Nam đang trong dòng chảy của nền kinh tế toàn cầu
Được tổ chức lần đầu tiên trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam đã trở thành một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất trong năm của Việt Nam liên quan đến doanh nghiệp.
VBS 2019 vinh dự được đón Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tới dự và phát biểu tại Hội nghị, cùng các diễn giả khác là các lãnh đạo của bộ ngành, tổ chức quốc tế, học giả và các doanh nghiệp lớn, uy tín. Tham dự Hội nghị có hơn 800 đại biểu, trong đó có hơn 300 CEO của các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Châu Á lần thứ 10 và đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Với chủ đề “Việt Nam - Đối tác Kinh doanh Tin cậy trong Kỷ nguyên Số”, Hội nghị năm nay tập trung thảo luận về những đổi mới khoa học công nghệ, các chính sách giúp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp tại Việt Nam; các xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới và khả năng thích ứng của Việt Nam; cũng như những thành công của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, start-up Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Hội nghị cũng thảo luận về việc chuyển dịch nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, những định hướng thị trường lao động Việt Nam trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng lao động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và các giải pháp của chính phủ để nâng cao chất lượng lực lượng lao động.
Tại Hội nghị các diễn giả đã đối thoại với các lãnh đạo doanh nghiệp về các cách thức tối ưu cơ hội kinh doanh tại Việt Nam trong kỷ nguyên số trong các lĩnh vực: tài chính, nông nghiệp và sản xuất.
Cụ thể là: các ứng dụng giải pháp đổi mới công nghệ và chuyển dịch lao động trong ngành tài chính, trong nông nghiệp hoặc các ngành dịch vụ truyền thống của Việt Nam.
Các chuyên gia kinh tế, các diễn giả cũng như các doanh nghiệp đã thảo luận về vai trò của Việt Nam trong sự phát triển của nền kinh tế khu vực. Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong suốt 30 năm qua với mức độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt gần 7%/năm.
Có được kết quả đó là nhờ môi trường kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Việt Nam coi phát triển công nghệ và nguồn nhân lực phù hợp là yếu tố tiên quyết để tăng trưởng dài hạn. từ đó Việt Nam sẽ phấn đấu để trở thành đối tác tin cậy trong khu vực và thế giới.
Việt Nam nỗ lực trở thành điểm đến an toàn và đối tác kinh doanh tin cậy của cả thế giới
Ở Việt Nam công cuộc đổi mới, mở cửa đang diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam đang là quán quân về mở cửa thị trường trong các nước đang phát triển khi đang sở hữu tới 16 Hiệp định thương mại tự do kết nối với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có những Hiệp định thương mại đỉnh cao như CPTPP/ EVFTA…
Việt Nam cũng là quán quân bứt phá trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019, khi tăng 3,5 điểm và vượt 10 bậc về thứ hạng. Đó là những nỗ lực vượt bậc của Việt Nam để trở thành điểm đến an lành và đối tác kinh doanh tin cậy của cả thế giới.
Toàn cảnh hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2019 |
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: Phát triển bền vững và 4.0 là 2 đường ray để đoàn tàu kinh tế Việt Nam tiến lên phía trước và là đôi cánh để nền kinh tế Việt Nam có thể bay lên. Các kế hoạch phát triển kinh tế và các tầm nhìn định hướng chiến lược phát triển doanh nghiệp đang đều được thiết kế theo 2 trục phát triển chính này.
Các Hiệp đinh thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới này cũng thấm đẫm tinh thần của phát triển bền vững và cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển bền vững và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng trong nhận thức và hành động của Việt Nam.
Nói riêng về cuộc cách mạng 4.0 và cơ hội đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong kỷ nguyên số, Vũ Tiến Lộc đề cập một vài số liệu, cụ thể: “Chúng ta đều biết Việt Nam là nền kinh tế có điểm xuất phát thấp nhưng có rất nhiều dư địa để thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0. Với gần 98 triệu dân (sẽ vượt ngưỡng100 triệu dân trong thời gian tới) trong đó có hơn 64 triệu người đang sử dụng internet, cao hơn mức trung bình của thế giới.
Chỉ số đổi mới năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng 12 bậc nên vị trí số 47 trong kinh tế toàn cầu theo xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Chỉ số Chính phủ điện tử tăng lên 10 bậc.
Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế giới (mới công bố tuần trước) thì Việt Nam đã tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu và đóng góp vào sự thăng hạng đó có sự đóng góp rất quan trọng của chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin đã tăng 54 bậc trong năm 2019”.
Theo kế hoạch, năm 2020 Việt Nam bắt đầu triển khai công nghệ 5G. Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam phát triển công nghệ 4.0. Nhiều công ty công nghệ lớn của Việt Nam như Viettel, FPT, VNPT… đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ cho nền kinh tế số, không chỉ trong nước mà cả trên phạm vi quốc tế.
Chưa bao giờ các kế hoạch xây dựng thành phố thông minh lại phát triển rầm rộ như hiện nay. Tuần trước một dự án xây dựng thành phố thông minh tại Hà Nội trị giá hơn 4 tỷ USD được khởi công. Nhiều thành phố thông minh khác cũng đang được triển khai. Thành phố thông minh đang là trung tâm lan tỏa của cách mạng 4.0.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến theo tinh thần của 4.0, trên nền tảng của 4.0 trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… Các công cụ điện toán đám mây, trí tuệ nhận tạo, chuỗi khối, Dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, robot tự động hoá… cũng đã bước đầu thâm nhập vào một số lĩnh vực như ô tô máy tính và điện tử …
Trong cuộc cách mạng mới, thì doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt, con người ở vị trí trung tâm chính vì vậy hệ thống đào tạo không thể phát triển nếu không có vai trò của doanh nghiệp. Doanh nghiêp phải là người định hướng cho nền giáo dục, giáo dục phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế.
“Chúng ta định hướng giao dịch theo nhu cầu của thị trường. Doanh nghiệp là nhà đầu tư vào giáo dục, đào tạo. Các doanh nhân, kỹ sư phải trở thành giảng viên, phải gắn học với hành, gắn xưởng với trường”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.