Vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm mùa nắng nóng: Nỗi lo đến hẹn lại lên!
Thực phẩm được bày bán tại chợ Kim Giang (quận Hoàng Mai, Hà Nội)
Bài liên quan
Các quy tắc an toàn thực phẩm trong dịch Covid-19
Nhếch nhác tình trạng giết mổ gia cầm ở chợ cóc, chợ tạm
Thực phẩm sống bày giữa trời nắng
Không có mái che mưa nắng, thực phẩm tươi sống bày bán trên những chiếc bàn cũ tồn tại nhiều năm nơi góc chợ, xung quanh nước thải lênh láng. Từ quầy bán thịt tươi sống tới quầy bán rau, bún, đậu hũ… người bán hàng tay không đeo găng, vừa lau mồ hôi vừa bốc trực tiếp sản phẩm cho khách hàng. Đó là thực trạng đang xảy ra tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Là chợ cóc được hình thành từ nhiều năm nay, chợ ngõ 89 đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, Hà Nội) phục vụ một lượng lớn người dân sinh sống quanh khu vực. Ghi nhận tại chợ lúc 16h ngày 1/7, các quầy thủy hải sản đầu chợ chủ yếu bán đồ ướp lạnh, được bày trực tiếp lên hộp, thùng, chậu… không được người bán che chắn.
Những con tôm buổi sáng còn tươi ngon thì nay cũng đã cứng đờ, được ướp đông lạnh, rao bán hạ giá chỉ còn khoảng 70 - 80 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, nếu mua vào buổi sáng sớm thì khách hàng phải trả khoảng 120 nghìn đồng cho một cân tôm như vậy.
Ở các quầy thịt gà và lợn, hầu hết sản phẩm còn lại từ buổi sáng có màu khác biệt hoàn toàn so với thịt mới. Màu thịt thâm lại, thậm chí có mùi ôi thiu vẫn được các tiểu thương bày bán.
Thêm vào đó, vẫn còn nhiều quầy thịt gà, lợn sử dụng giấy cát-tông hoặc để bày bán trực tiếp sản phẩm lên bàn sắt. Các tiểu thương buôn bán thịt trong chợ hầu như không sử dụng bao tay nilon hay bất kỳ một dụng cụ bảo đảm an toàn vệ sinh nào mà cầm trực tiếp vào sản phẩm bán cho khách.
Mua hàng trong chợ Nguyễn Xiển, chị Nguyễn Thị Hằng, cho biết: “Nhà ở ngõ cạnh chợ nên tôi ra đây mua thực phẩm hằng ngày cho đỡ mất thời gian. Tuy nhiên mùa hè nóng nực như vậy, tôi phải ra chợ sớm, vì muộn một chút là vớ phải đồ ôi, nhất là các loại thịt làm sẵn và thủy hải sản rã đông”.
Một quầy bán cá tại chợ có ngõ 89 Nguyễn Xiển |
Chị Hằng cũng cho biết thêm, do đây là chợ tự phát, xung quanh lại không có chợ nào nên nhiều người tiện đi lại mua thực phẩm tại đây. Đặc biệt nhiều người còn mua đồ đã chế biến sẵn trong chợ về sử dụng. Cũng như nhiều chợ cóc khác, thức ăn sẵn được bày trong những hộp nhựa và xếp trên chiếc xe kéo hoặc bàn nhựa, không được che đậy. Có khi lại được bày ngay cạnh điểm bán và giết mổ gia cầm sống.
Tương tự, tại chợ dân sinh Kim Giang (cuối ngõ 282 Kim Giang, quận Hoàng Mai, Hà Nội), các cửa hàng kinh doanh thịt, cá, trái cây nằm gần nhau. Một số hộ kinh doanh không trang bị giá kệ mà sử dụng các vỏ thùng xốp, nhựa, bao tải để tạo khoảng cách với nền chợ.
Với thời tiết nắng nóng, người bán hàng phải liên tục tưới nước để đảm bảo rau, quả luôn tươi ngon, khiến nước thải tràn lênh láng ra lề đường. Chưa kể, rau củ quả đã hỏng không được các hộ kinh doanh thu gom vương vãi trên vỉa hè, dẫn đến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, các sản phẩm càng dễ hư hỏng hơn.
Cũng như chợ Nguyễn Xiển, tại chợ Kim Giang, hầu hết các quầy hàng không có mái kiên cố mà chủ yếu sử dụng bạt che đen kịt, cũ mèm để chắn nắng, mưa.
Chị Trần Huyền (ở Kim Giang, Hà Nội) chia sẻ: “Trời nắng nên các hộ kinh doanh phải dựng bạt tạm lên lấy chỗ râm mát bán hàng. Tuy vậy, nhiều khu vực bị thủng không đảm bảo che chắn, ánh nắng vẫn chiếu trực tiếp vào sản phẩm. Khu này, đường chưa đổ hết bê tông, trời nắng nên rất bụi bặm nhưng cũng chẳng thấy các hộ kinh doanh che chắn gì để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Nhiều khu chợ dân sinh chật chội, các gian hàng tươi sống và thực phẩm chín xen kẽ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm |
Kiểm soát từ chợ đầu mối
Để chủ động triển khai công tác an toàn thực phẩm trong mùa hè, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường giám sát các cơ sở trên địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, các đơn vị chức năng chú trọng kiểm tra các mặt hàng thực phẩm ăn ngay, thức ăn chế biến sẵn, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, nước đá...
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay khoảng 90% sản phẩm nông sản ở chợ đầu mối được trung chuyển, tiêu thụ tại các chợ dân sinh. Bởi vậy, để kiểm soát được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ dân sinh trong mùa nắng nóng này, nhiều chuyên gia cho rằng cần quản lý nghiêm ngặt hơn nguồn gốc nông sản, thực phẩm bán tại các chợ đầu mối lớn tại Hà Nội như Long Biên, chợ đầu mối phía Nam...
Trong cuộc họp về vệ sinh an toàn thực phẩm 6 tháng cuối năm 2020, Ban Chỉ đạo quốc qua đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin, báo cáo, xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm; Từng bước hoàn thiện quy trình quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo mức độ rủi ro như các mô hình tiên tiến trên thế giới và theo quy định của Luật An toàn thực phẩm.
Ban Chỉ đạo quốc gia yêu cầu tăng cường các giải pháp quản lý, thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm có tính răn đe, quyết liệt hơn nữa. Các cơ quan chức năng cần chú trọng công tác thanh tra đột xuất theo báo cáo, thông tin từ người tiêu dùng và các nguồn tin khác.
Bên cạnh việc phát huy vai trò của các cơ quan chức năng, việc người dân thay đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm trong mùa hè rất quan trọng. Người tiêu dùng không nên tham rẻ, thích tiện lợi mà mua hàng đã qua chế biến không đảm bảo. Cùng với đó, người dân cần liên hệ đến cơ quan chức năng nếu phát hiện các cơ sở buôn bán thực phẩm không đảm bảo vệ sinh chất lượng.
Vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ dân sinh sẽ chưa có hồi kết nếu như việc xử lý vi phạm cũng như công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền, ban quản lý các chợ cũng như người dân phải có sự phối hợp chặt chẽ.