Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thành lập thành phố Từ Sơn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét miễn giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp khẩn cấp: Bốn quy định khác luật sẽ được áp dụng để phòng, chống Covid-19 |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp |
Sáng 13/9, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này sẽ xem xét 5 nhóm vấn đề chính.
Thứ nhất, trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét lần đầu đối với 6 dự án luật gồm: Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hình sự.
Đây là 6/7 dự án luật sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tới, còn Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được cho ý kiến tại phiên họp thứ 2. Các dự án luật này có ý nghĩa quan trọng trong hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta, bảo đảm sự đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thi hành các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong các hoạt động quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, xây dựng lực lượng CSCĐ vững mạnh và tinh nhuệ, dự án Luật CSCĐ được nâng cấp từ Pháp lệnh CSCĐ.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, công tác chuẩn bị thẩm tra các dự án luật đã được chuẩn bị từ rất sớm, rất xa, đến nay đã xem xét qua mấy vòng. Thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội đã vào cuộc từ rất sớm. Để đảm bảo hoàn chỉnh, kỹ lưỡng hơn nữa chất lượng các dự án luật, đạt được kết quả đồng thuận cao, khắc phục tình trạng "luật ống, luật khung", tuổi thọ của luật ngắn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thảo luận sâu hơn nữa, tập trung phân tích, đánh giá tác động đầy đủ, xem xét các chính sách mới đã đảm bảo hợp lý, chặt chẽ, tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành và đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới hay chưa.
Nhóm vấn đề thứ hai, Ủy ban Thường vụ thực hiện công tác giám sát thông qua Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; Các báo cáo công tác năm 2021 của TAND Tối cao, VKSND Tối cao; Các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021…
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây hầu hết là báo cáo thường niên. Để nâng cao hiệu quả giám sát cũng như bảo đảm chất lượng các báo cáo trình Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về các hồ sơ, tài liệu đã tuân thủ đúng theo yêu cầu pháp luật hay chưa, đánh giá mức độ rõ ràng, hợp lý, tính cụ thể, thống nhất của các số liệu có liên quan, vấn đề gì cần sửa đổi, bổ sung, đâu là kết quả mới, trọng tâm cần lưu ý.
Bên cạnh đó, Quốc hội xem các nội dung của báo cáo đã đánh giá rõ về tình hình thi hành pháp luật, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và tham nhũng; Kết quả điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án hình sự, dân sự...
Nhóm vấn đề thứ ba là một số vấn đề quan trọng khác như: Cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước.
Thứ tư, xem xét, quyết định ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19; Xem xét, quyết định việc thành lập thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; Xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Cho ý kiến về việc ký điều ước quốc tế có nội dung Việt Nam cung cấp văn phòng làm trụ sở làm việc cho Tòa trọng tài thường trực (PCA).
Nhóm vấn đề thứ năm, tiếp tục cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Tại phiên họp này, UBTVQH sẽ thảo luận kỹ hơn về 3 phương án tổ chức kỳ họp đã được Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị cũng như chưa trình nội dung cụ thể để đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, phù hợp tình hình thực tế diễn biến công tác phòng, chống dịch.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, tổng khối lượng công việc cần giải quyết cho phiên họp tháng 9 này rất lớn, tập trung nhiều nội dung cần trình Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên cần làm việc tập trung, chủ động sắp xếp lịch dự họp đầy đủ, đúng thành phần, cố gắng cao nhất hoàn thành chương trình theo dự kiến, đảm bảo các nội dung trình Quốc hội đạt chất lượng cao.