Tuổi trẻ Hoàn Kiếm tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng
Bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Cương khám bệnh cho người dân
Bài liên quan
Tuổi trẻ Hoàn Kiếm xung kích thực hiện nhiều công trình, phần việc thiết thực
Tuổi trẻ Hoàn Kiếm nhận cờ đơn vị xuất sắc dẫn đầu năm 2018
Tuổi trẻ Hoàn Kiếm tình nguyện ở Hương Nê
Nhiều hoạt động của tuổi trẻ Hoàn Kiếm kỉ niệm 125 năm Ngày sinh nhật Bác
Thiết thực và ý nghĩa
20 tuổi chàng trai Tạ Chí Thiện (phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã lên đường đi bộ đội. Năm 1972, khi đang chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, ông bị thương dẫn đến chấn thương cột sống. Càng về già vết thương càng khiến cơ thể ông Thiện đau nhức nhưng lại không có điều kiện đi thăm khám thường xuyên. Vì thế, hoạt động khám bệnh tình nguyện của Đoàn rất có ý nghĩa với ông.
"Tại chương trình, tôi được y, bác sĩ trẻ khám và nhiệt tình tư vấn cách phòng, tránh bệnh và giữ gìn sức khỏe. Điều này không chỉ thể hiện tấm lòng tri ân của thế hệ trẻ mà còn động viên chúng tôi tiếp tục sống tốt hơn, làm gương cho con cháu" - ông Tạ Chí Thiện chia sẻ.
Ông Đoàn Văn Tiến (74 tuổi, cựu thanh niên xung phong, phường Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng có ấn tượng rất tốt với chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí của Đoàn ngay từ lần đầu tham gia. Ông Tiến kể: "Cách đây hai năm khi đến chương trình khám bệnh tình nguyện do Đoàn Thanh niên quận tổ chức, tôi đã được y bác sĩ phát hiện sớm và hướng dẫn đến cơ sở uy tín để chữa đục thủy tinh thể. Nhờ đó tôi được can thiệp y tế kịp thời để sống khỏe mạnh hơn".
Y, bác sĩ trẻ quận Hoàn Kiếm khám bệnh cho người dân tại chương trình |
Một điểm thú vị khác với ông Tiến khi tham gia chương trình là có thể thoải mái hỏi và trao đổi với y, bác sĩ về tình trạng sức khỏe và những căn bệnh đang mắc phải. Điều này ông khó có cơ hội làm được ở những trung tâm y tế hay bệnh viện bởi những nơi này số lượng bệnh nhân rất lớn.
"Khi hiểu rõ nguyên nhân và tình trạng bệnh, chúng tôi sẽ biết cách chăm sóc bản thân. Từ đó, chúng tôi lựa chọn được hoạt động phù hợp nâng cao sức khỏe và không làm ảnh hưởng tới con cháu" – ông Tiến cho biết.
Học hỏi và trưởng thành
Chương trình "Ngày khám bệnh tình nguyện" không chỉ thiết thực với hội viên Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong mà có ý nghĩa với y, bác sĩ trẻ. Tham gia hoạt động khám bệnh tình nguyện từ khi là còn là sinh viên trường Đại học Y Hà Nội, đến nay bác sĩ trẻ Phạm Văn Hoàn (Bệnh viện K) không nhớ nổi đã có bao chuyến đi. Anh chỉ nhớ từng khoác ba lô lên vùng núi cao, vào nam ra bắc để đến với những người dân có hoàn cảnh khó khăn trong các hoạt động tình nguyện.
Mỗi chuyến đi đều để lại cho anh những kỉ niệm khó quên. “Mình nhớ nhất lần chúng mình đến khám bệnh tình nguyện cho bà con nhân dân ở Yên Minh (Hà Giang). Chuyến đi được tổ chức đúng vào đợt sau khi lũ rút, để đến được điểm khám, cả đoàn di chuyển một quãng đường ngắn mà mất gần 10 tiếng đồng hồ. Con đường lầy lội bùn đất khiến xe ô tô không di chuyển được. Các thành viên trong đoàn phải phân công nhau, người vác đồ, người đẩy xe… thực sự rất vất vả. Tuy nhiên, chính điều đó lại khiến chúng mình thương người dân vùng lũ hơn và thêm quyết tâm thực hiện thành công chương trình tình nguyện đó” – bác sĩ Hoàn chia sẻ.
Hoạt động tình nguyện giúp y, bác sĩ trẻ trưởng thành hơn |
Với bác sĩ Hoàn các chuyến đi còn có ý rất lớn khi anh được tiếp cận với nhiều tầng lớp nhân dân. Vì thế, anh rèn được kỹ năng giao tiếp, trách nhiệm và cả tâm huyết với nghề. Đặc biệt, qua những hoạt động đó, anh cảm thấy gần gũi, hiểu người dân hơn.
Bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Cương mới về Bệnh viện K công tác được 4 năm nhưng số lần anh tham gia chương trình khám bệnh tình nguyện gấp nhiều lần. Ngay từ khi còn là sinh viên, Cương đã là hạt nhân năng nổ trong phong trào tình nguyện bởi với anh đây là cơ hội để đi và học hỏi.
“Có lần Đoàn Thanh niên Bệnh viện tổ chức chương trình nguyện ỏ Mường Nhé (Điện Biên) mình bận việc nên xuất phát muộn. May mắn mình đã bắt kịp hoạt động của đoàn. Chuyến đi đó mình được gặp anh Nguyễn Văn Hiếu, một trong những bác sĩ đầu tiên thuộc dự án “Đưa bác sĩ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn” của Bộ Y tế. Mình thực sự khâm phục, khi quãng đường từ bệnh viện huyện đến các làng bản rất xa nhưng một ngày anh có thể đi 2-3 tuyến chữa bệnh cho người dân. Sự cống hiến, hết lòng vì cộng đồng của anh khiến những người trẻ như mình phải học hỏi. Nó cũng là động lực để mình nỗ lực hơn nữa trong các hoạt động vì cộng đồng” – bác sĩ Cương cho biết.
Theo anh Đồng Chí Kiên, Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện K, phong trào tình nguyện là môi trường tốt để đoàn viên, thanh niên rèn luyện và trưởng thành. Vì vậy, bên cạnh sự phối hợp với Quận đoàn Hoàn Kiếm, Đoàn Thanh niên Bệnh viện K cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tình nguyện để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Thủ đô nói riêng, người dân cả nước nói chung.
Ngày 7/12, Đoàn Thanh niên - Hội LHTN Việt Nam quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức “Ngày khám bệnh tình nguyện thanh niên” năm 2019.
Tại chương trình, các y, bác sĩ trẻ đã khám bệnh, phát thuốc miễn phí tới 300 hội viên Hội Cựu chiến binh và Hội Cựu thanh niên xung phong của 18 phường trên địa bàn.
Theo chị Trần Kim Huyền, Phó Bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam quận Hoàn Kiếm cho biết: Ngoài chương trình “Ngày khám bệnh tình nguyện”, bám sát chủ đề công tác năm “Thanh niên tình nguyện”, Đoàn Thanh niên - Hội LHTN quận đã tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng hướng tới cơ sở, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ như: Ngày hội hiến máu tình nguyện (từ quận tới cơ sở) thu được 1172 đơn vị máu an toàn; trao kinh phí 10 triệu đồng trợ cấp đột xuất tới thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 20 triệu đồng hỗ trợ sửa chữa “Nhà nhân ái”…
Bên cạnh đó, Quận đoàn còn tổ chức chương trình “Tết ấm yêu thương” tặng 36 suất quà tới trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 18 phường; trao kinh phí hỗ trợ học nghề tới 3 thanh niên là bộ đội xuất ngũ với tổng số tiền 15 triệu đồng.