Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cho thanh niên
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng. Để chuẩn bị cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, tháng 5/1925, Người đã thành lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (ở Quảng Châu, Trung Quốc). Tại đây, Hồ Chí Minh đã mở những lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cách mạng đầu tiên mà tất cả học viên đều là là thanh niên trí thức; Ra tờ báo cách mạng đầu tiên lấy tên là báo Thanh niên...
Theo quan điểm của Người: Muốn thức tỉnh dân tộc, trước hết phải thức tỉnh thanh niên. Đó là luận điểm quan trọng được Hồ Chí Minh thể hiện trong thư “Gửi thanh niên An Nam” viết năm 1925, rằng: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám Thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”. Bởi vì như Người nhận xét: “Tính trung bình, thanh niên chiếm độ 1 phần 3 tổng số Nhân dân - tức là một lực lượng to lớn” và “thanh niên là bộ phận quan trọng của dân tộc”. Để hiện thực hóa tiềm năng đó thì trước hết cần phải đoàn kết, tập hợp thanh niên trong một tổ chức cách mạng. Người cho rằng: “Thanh niên ta rất hăng hái. Ta biết họp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ” .
Không chỉ nhìn nhận thanh niên là một lực lượng to lớn và mạnh mẽ, Hồ Chí Minh còn khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Bởi vậy, Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, phải chú ý chăm lo giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Trong bản Di chúc, trước lúc đi xa, Người đã dặn dò: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đại biểu Thanh niên xung phong dự Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc (tháng 1/1967 - Ảnh tư liệu) |
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thanh niên xứng đáng là những người chủ tương lai của đất nước, là những cán bộ kế cận của Đảng, phải giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên có phẩm chất đạo đức và năng lực: Có tài, có đức, “vừa hồng, vừa chuyên”. Vì vậy, Người yêu cầu thanh niên phải tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu học tập, để nắm lấy tri thức, bồi dưỡng ý chí, nghị lực và tinh thần cách mạng, phục vụ Tổ quốc.
Cùng với việc yêu cầu thanh niên tự rèn luyện tu dưỡng, học tập, phấn đấu, Hồ Chí Minh căn dặn Đảng ta phải có trách nhiệm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo thanh niên. Nội dung giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên, trước hết là giáo dục đạo đức cách mạng. Bởi vì, theo Hồ Chí Minh: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang” .
Theo quan điểm của Người, để trở thành những cán bộ cách mạng chân chính, thanh niên phải coi việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là nền tảng, là gốc, bởi vì: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước…”; “Khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn”; “Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” ; “Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình.
Xuất phát từ quan điểm, thanh niên là thế hệ kế cận, là đội dự bị của Đảng, để thanh niên trở thành những cán bộ có đức, có tài, Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình và xã hội phải quan tâm giáo dục thanh niên về đạo đức. Đồng thời, đối với mỗi thanh niên, phải rèn luyện tư chất thông qua việc xử lý 3 mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với công việc.
Đối với mình, mỗi thanh niên xây dựng cho mình tinh thần yêu nước, tư tưởng trung với nước, hiếu với dân, thương dân, hết lòng phục vụ để được dân tin yêu, quý mến, để trở thành những người có phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Trong việc rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng của thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy cụ thể, đó là lý tưởng sống vì Tổ quốc, vì Nhân dân; Kiên quyết vượt qua mọi khó khăn thử thách, luôn xung phong, gương mẫu trong mọi công việc, hoàn thành mọi nhiệm vụ: “Thực hiện khẩu hiệu đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”; “Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm”. Hồ Chí Minh căn dặn, mỗi thanh niên phải luôn suy nghĩ về nhiệm vụ của mình trước Tổ quốc, trước Nhân dân: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”.
Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, để thanh niên có phẩm chất vừa “hồng”, vừa “chuyên”, trước hết là trách nhiệm của Đảng, của tổ chức Đoàn Thanh niên và các thế hệ đi trước, phải thường xuyên quan tâm tới thanh niên. Giáo dục đạo đức cho thanh niên, với tư cách là người lãnh đạo, Đảng phải sâu sát phong trào thanh niên, kịp thời biểu dương những việc làm tốt, những hành động anh hùng, dũng cảm sáng suốt của họ; Luôn nhấn mạnh vai trò xung kích đi đầu của thanh niên trong hành động cách mạng.
Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản - Đoàn là người trực tiếp giúp Đảng giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho thanh niên, vận động thanh niên đi theo lý tưởng của Đảng; Đoàn còn lôi cuốn, tập hợp đông đảo thanh niên xung phong thực hiện và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng giao phó. Được tổ chức Đoàn dìu dắt, giúp đỡ, thanh niên không ngừng rèn luyện, phấn đấu vươn lên xứng đáng là lực lượng kế thừa sự nghiệp cách mạng của Đảng. Thông qua hoạt động, tổ chức Đoàn phát hiện và giới thiệu những đoàn viên ưu tú cho Đảng. Như vậy, Đoàn Thanh niên là nguồn bổ sung lực lượng cho đội ngũ của Đảng những người trẻ, khỏe. Điều đó làm cho Đảng càng đông và càng mạnh.
Tuy nhiên, cần xác định rõ mối quan hệ giữa Đảng với tổ chức Đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đường chính trị, thì thanh niên theo Đảng chỉ huy nhưng việc làm thì thanh niên độc lập”. Nghĩa là, Đoàn Thanh niên do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đoàn Thanh niên phải lấy mục tiêu, lý tưởng của Đảng làm tôn chỉ hoạt động của tổ chức mình nhưng phải hoàn toàn chủ động trong việc đề ra kế hoạch, chương trình hành động và triển khai thực hiện một cách hiệu quả. Với vai trò của mình trong việc giáo dục đạo đức cho thanh niên, Hồ Chí Minh căn dặn: “Trung ương Đoàn cần phải tăng cường hơn nữa việc giáo dục tinh thần yêu nước, giác ngộ giai cấp và đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên”.
Bác Hồ với thanh niên Việt Nam (Ảnh tư liệu) |
Có thể nói, vị trí, vai trò của thanh niên đã sớm được khẳng định trong lịch sử đấu tranh cách mạng của đất nước nhưng điều đó không phải là bất biến. Cho nên phải tiếp tục giáo dục đạo đức cho thanh niên, để thế hệ trẻ tiếp nối lý tưởng và con đường mà lớp cha anh đã lựa chọn. Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên là công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài và hệ trọng. Mỗi cán bộ, đảng viên và các thế hệ đi trước, không chỉ truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức lý luận, mà phải thực sự là những tấm gương trong mọi lĩnh vực công tác và trong cuộc sống, để thanh niên học tập noi theo, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Trong tình hình hiện nay, do tác động của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và mặt trái của kinh tế thị trường, còn một bộ phận thanh niên đang mải mê theo đuổi những giá trị vật chất thấp kém, tầm thường mà quên đi trách nhiệm, nghĩa vụ lớn lao của mình đối với Tổ quốc, với non sông đất nước. Thói quen đua đòi, hưởng lạc, chạy theo những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội và cả “những tấm gương xấu”; Họ đang bị sa vào những thú vui trụy lạc; Cuộc sống thiếu lý tưởng, không có niềm tin, không có sự định hướng một cách đúng đắn. Vì vậy, tăng cường công tác giáo dục đạo đức cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết và quan trọng.
Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, để họ kế thừa lý tưởng của các thế hệ cha anh, biến lý tưởng cách mạng thành ý chí cách mạng, thành động lực tinh thần mạnh mẽ, đánh bại âm mưu tuyên truyền kích động của thế lực thù địch; Tích cực học tập, lao động sáng tạo, chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp phát triển trên thế giới.
Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, nhiều thế hệ thanh niên đã hy sinh xương máu và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của dân tộc. Đánh giá cao về sự cống hiến to lớn của thanh niên, đồng thời khẳng định phải tăng cường nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho thanh niên, trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Đảng ta nêu rõ: Đối với thế hệ trẻ, thường xuyên giáo dục chính trị, truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống; Tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đối với những thanh niên, sinh viên, những người còn đang học tập, nghiên cứu trong các nhà trường, Đảng chỉ đạo: “Coi trọng bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên khát vọng mãnh liệt xây dựng đất nước giàu mạnh, gắn liền lập nghiệp bản thân với tương lai của cộng đồng, của dân tộc, trau dồi cho học sinh, sinh viên bản lĩnh, phẩm chất và lối sống của thế hệ trẻ Việt Nam hiện đại”. Điều đó thể hiện ở sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của tuổi trẻ. Đồng thời, xây dựng chủ trương, chính sách, kế hoạch cụ thể cho đoàn viên, thanh niên, tạo môi trường học tập, rèn luyện, lao động, học tập, công tác thuận lợi cho thanh niên, để họ phát huy được năng lực, khả năng sáng tạo và sức trẻ của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Nhìn lại thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, thanh niên đã phát huy vai trò nòng cốt trên mọi lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, góp phần quan trọng trong sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều phong trào cách mạng của tuổi trẻ, tiêu biểu như phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Gần đây nhất, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2017 - 2022) đã phát động 3 phong trào lớn là: “Phong trào thanh niên tình nguyện”, “Phong trào tuổi trẻ sáng tạo” và “Phong trào Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” cùng 3 chương trình đồng hành, hỗ trợ thanh thiếu nhi: Chương trình đồng hành với thanh thiếu nhi trong học tập, nghiên cứu khoa học, làm chủ công nghệ; Chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp và Chương trình đồng hành với thanh thiếu nhi phát triển kỹ năng xã hội, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần đã thực sự đi vào cuộc sống, được các tầng lớp thanh niên tích cực hưởng ứng với tinh thần “khởi nghiệp” lấy lực lượng thanh niên, doanh nhân trẻ làm nòng cốt... đã diễn ra hết sức sôi nổi, bước đầu đã gặt hái những kết quả đáng khích lệ.
Kết quả là, góp phần tạo nên một lớp thanh niên mới, trong đó có bộ phận thanh niên tiên tiến đi đầu trên nhiều lĩnh vực, có thái độ, nhận thức tốt và ý thức chính trị cao, có ý chí vượt qua khó khăn, vươn lên lập thân, lập nghiệp, phát huy mạnh mẽ truyền thống xung kích của lớp lớp thanh niên đi trước. Qua đó vị trí, vai trò của đoàn viên, thanh niên ngày càng được khẳng định, góp phần xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đã 52 năm kể từ ngày Bác Hồ đi xa nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh và những chỉ dạy của Người về giáo dục đạo đức cho thanh niên trong Di chúc, mãi mãi soi sáng dẫn dắt các thế hệ thanh niên Việt Nam hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước. Thanh niên Việt Nam học tập và thấm nhuần sâu sắc những chỉ dạy của Người, để xây dựng lý tưởng cách mạng và niềm tin, tạo nên sức mạnh, để sống, lao động, chiến đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại.