Trường Sa trong trái tim nữ nhà báo quân nhân 9X
Những trải nghiệm trân quý và con người mới mẻ sau chuyến đi Trường Sa |
Quà từ Thủ đô gửi thiếu nhi và Nhân dân huyện đảo Trường Sa |
Đó là chia sẻ của nữ nhà báo 9X Phan Thanh Hà (công tác tại báo Quân đội Nhân dân) sau chuyến đi Trường Sa lần đầu tiên đáng nhớ.
Phía trước là Trường Sa, trong tim là Tổ quốc
Trên cánh sóng hướng ra Biển Đông, nữ Trung úy, nhà báo 9X trào dâng xúc động, bởi phía trước là Trường Sa, trong tim là Tổ quốc. Dù đã có nhiều chuyến công tác dài ngày dọc dài đất nước nhưng đây là lần đầu cô ra đảo Trường Sa.
Chuyến đi đó vào tháng 4/2021, Trung úy Hà cùng đoàn công tác của Tổng Cục Chính trị do Thượng tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm trưởng đoàn đến thăm, kiểm tra tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
Nhà báo Phan Thanh Hà cùng đồng đội tác nghiệp ở Trường Sa |
Nữ nhà báo bày tỏ, nếu ai đã một lần ra đến Trường Sa thì đó sẽ là một chuyến đi làm thay đổi suy nghĩ, thay đổi con người họ. Có lẽ đó sẽ là một hành trình, trải nghiệm khó quên và bản thân cô cũng như vậy.
“Nhìn từ xa, các đảo nhỏ bé giữa đại dương nhưng sức sống ở đây rất mãnh liệt. Ngay cả những đảo chìm như Núi Le, Đá Nam, Đá Thị, Len Đao… bé nhỏ cũng có vườn hoa, rau xanh tươi tốt; Có lợn, gà, vịt do bộ đội tăng gia. Tôi còn bắt gặp cả những chú chó trung thành trên nhà giàn DK1. Những đảo nổi như Nam Yết, Phan Vinh, Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Trường Sa còn có chùa. Tiếng chuông chùa nơi đảo xa giúp đời sống của bộ đội và Nhân dân, ngư dân giữa muôn trùng sóng vỗ Biển Đông thêm gần với đất liền”, Trung úy Hà cho biết.
Trường Sa là mảnh đất, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nơi có cái nắng, gió, những con sóng ngày đêm xô bờ, những trái bàng vuông rụng lăn trên mảnh đất được giữ gìn bằng máu xương của bao thế hệ cha anh. Trải qua thời gian, đảo bây giờ tuyệt đẹp, vô cùng nên thơ, đời sống quân dân cũng sinh động và ngày một đầy đủ do nhận được sự quan tâm lớn từ đất liền. Điều mà cô cùng nhóm phóng viên bâng khuâng nhớ mãi đó là tình cảm giữa đồng chí, đồng đội dành cho nhau trên mỗi hòn đảo được đặt chân đến. Mới gặp lần đầu mà như thân thiết từ lâu. Đặc biệt và khó quên cực kỳ!
Nữ nhà báo trẻ xinh đẹp cùng đồng đội giữa trùng khơi |
Cô cho hay: “Bộ đội trên đảo chia sẻ với chúng tôi rất nhiệt tình. Chúng tôi vô cùng cảm phục tinh thần và ý chí của các anh đã gác lại niềm riêng, xa gia đình để giữ gìn những thanh âm yên bình trên vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”.
Nữ nhà báo còn vô cùng ấn tượng với con người nơi đây. Các chiến sĩ quân đội ở đây rất yêu văn hóa, văn nghệ. Ở đảo nào cũng thấy có những đồng chí đàn hay, hát giỏi không thua kém văn công. Cô nhớ mãi khoảnh khắc vui nhộn trên đảo Đá Thị, khi các chiến sĩ say mê văn nghệ, không biết mấy thủ trưởng đang cười đứng sau nên “quẩy” ầm ầm. Đến khi biết thì ai nấy chỉ… đứng vỗ tay. Thế là thủ trưởng ra về cho cuộc vui… lại bắt đầu.
Nguyện cống hiến hết mình…
Phan Thanh Hà kể, cô nhớ những đứa trẻ ở đảo. Vừa thấy đoàn công tác đến, lũ trẻ trên đảo Song Tử Tây, Trường Sa… ùa ra, nhanh miệng: “Con chào các cô, các chú, các bác ạ!”. Đứa nào cũng có nước da bánh mật. Đoàn công tác người tặng sách, vở; Người thì bồng ẵm, tặng quà các bé. Chúng hồn nhiên nô đùa như ở đất liền, lại có phần cứng cáp hơn và đặc biệt lễ phép. Cùng với bố mẹ các em, bộ đội trên đảo dạy lũ nhỏ học viết, học tiếng Anh, học đủ thứ... Lũ nhỏ thực sự là những người chiến sĩ biển, đảo tí hon.
Nữ nhà báo và đồng đội cùng các em nhỏ ở Trường Sa |
Đến với Trường Sa, nhà giàn DK1, đoàn công tác mang theo nhiều món quà nhằm động viên cả về vật chất và tinh thần quân, dân nơi đây. Đặc biệt nhiều cá nhân đã mang theo những món quà rất ý nghĩa thể hiện tình cảm thiêng liêng giữa đất liền với cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên quần đảo Trường Sa. Đó là thư của các em nhỏ gửi chú bộ đội làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió; Những cuốn sách hay; Bức tranh lá cờ Tổ quốc được vẽ bằng máu; Lá cờ của đơn vị để bộ đội Trường Sa đặt bút viết lưu bút, viết quyết tâm... hay ca khúc ca ngợi Trường Sa anh hùng; Là những chiếc ôm động viên đầy tình cảm...
Cử chỉ và tình cảm ấy sẽ trở thành động lực để cán bộ, chiến sĩ vững vàng, vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong hải trình đoàn công tác đến huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, nhà báo Phan Thanh Hà cùng đồng đội trải qua nhiều khoảnh khắc đáng nhớ. Hình hài của những hòn đảo thân thương, máu thịt với đất liền, cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên Trường Sa - những cột mốc sống giữa trùng khơi sẽ luôn là nhân vật sống động, đề tài hấp dẫn khi tác nghiệp nơi đây.
“Lênh đênh trên từng cánh sóng Biển Đông, tôi bỗng trào dâng cảm xúc trước sự thiêng liêng của lá cờ Tổ quốc. Giữa biển khơi mênh mông xanh ngắt, lá cờ đỏ sao vàng khẳng định vùng chủ quyền Việt Nam. Ngước nhìn sắc cờ đỏ thắm phấp phới giữa cao xanh, lòng tôi như có sức mạnh thôi thúc, những sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam nguyện cống hiến hết mình, quyết tâm gìn giữ cho lá Quốc kỳ đỏ thắm mãi tung bay tự do trên quần đảo anh hùng của dân tộc”, nữ nhà báo trải lòng.
Nhà báo Phan Thanh Hà sinh năm 1992. Cô là phát thanh viên, biên tập viên xinh đẹp, năng động, nhiệt huyết, lăn lộn với thực tế. Cô từng tác nghiệp tại “rốn lũ” miền Trung, đưa tin về tình hình bão lụt, sạt lở và đồng hành đi tìm đồng đội mất tích. Cô cũng là phóng viên xông pha vào điểm nóng dịch bệnh Covid-19… Năm 2021, cô cùng nhóm tác giả của báo Quân đội Nhân dân vinh dự được nhận giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ V. |