Trình chiếu phim tưởng nhớ NSƯT Thanh Nga
NSƯT Thanh Nga
Bài liên quan
Giao lưu "Tứ đại gia sân khấu"
Giao lưu- triển lãm ảnh “Nghệ sĩ Sài Gòn xưa” dưới góc nhìn của nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu
Đàm Vĩnh Hưng: "Dẫu còn một mình thì vẫn phải đi về phía trước"
Cũng nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày NSƯT Thanh Nga và chồng ra đi vĩnh viễn, cháu trai cô – nghệ sỹ Hữu Châu và gia đình đã làm giỗ của cô cùng chồng tại Riverside Palace vào trưa ngày 2/12 (nhằm ngày 26/10 Âm lịch).
Đây là lần đầu tiên, những tư liệu quý về cố nghệ sỹ Thanh Nga trong 36 năm sống trên dương thế và hoạt động nghệ thuật được công bố qua những tư liệu phim ảnh, vở diễn và đời sống thường ngày. Đặc biệt nhất là những lời tâm sự về những kỷ niệm của một thế hệ nghệ sỹ vàng từng cận kề bên nữ nghệ sỹ Thanh Nga như: Mộng Tuyền, Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Kim Hương, Xuân Lan,…
Con trai duy nhất của nữ nghệ sỹ Thanh Nga là Phạm Duy Hà Linh cũng kể lại những mẫu chuyện quý giá về những gì anh biết, anh hiểu, anh cảm nhận, anh thương nhớ về bố mẹ mình.
Cũng trong bộ phim phóng sự này, người xem còn có dịp biết, lắng nghe những tâm sự của những người em ruột, người cháu, của cố nghệ sỹ Thanh Nga nói về cô thông qua tâm sự của người em thứ 9 của cố nghệ sỹ Thanh Nga là cô Lư Ánh Mai cùng người cháu gái là chị Lư Phương.
Lần đầu tiên bộ phim “Loan Mắt Nhung” do người chị của nữ nghệ sỹ Thanh Nga là bà Gilberte Nguyễn Văn Lợi thực hiện cùng nhiều bộ phim truyện cũng như những thước phim hành trình đi khắp thế giới quý khác của nữ nghệ sỹ tài danh này sẽ được công bố rộng rãi.
“Ông Hoàng nhạc Việt” Đàm Vĩnh Hưng cũng có nhiều chia sẻ về những tâm tư tình cảm và lòng ái mộ của mình dành cho “Má Ba” Thanh Nga bằng những tâm sự trải lòng lần đầu công bố của mình.
Tính đến ngày Thanh Nga mất, Thanh Nga đã thu hình cho Đài Truyền hình Sài Gòn (sau này là HTV) hơn 80 vở diễn, đa số là cải lương và một số ít vở kịch truyền hình.
Thanh Nga tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga, sinh ngày 31 tháng 7 năm 1942, quê quán ở Tây Ninh. Cha của cô là ông Hội đồng Nguyễn Văn Lợi, mẹ của cô là bà Nguyễn Thị Thơ (tức bà bầu Thơ) trưởng đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga nổi tiếng một thời. Thanh Nga cũng là một Phật tử, có pháp danh Diệu Minh.
Ngày 26/11/1978 (nhằm ngày 26/10 Âm lịch), khi vừa bước qua tuổi 36 tuổi, đang lúc hoàng kim của nghề diễn, nữ nghệ sĩ tài danh Thanh Nga bị bắn chết cùng chồng là ông Phạm Duy Lân ngay trước cửa nhà ở đường Ngô Tùng Châu (nay là đường Lê Thị Riêng, Q.1, TP.HCM).
Thanh Nga đã mất đi tròn 40 năm nhưng tài năng và nhan sắc của cô vẫn không bao giờ phai nhạt trong trí nhớ của khán giả yêu quý tài năng của một nghệ sĩ tài danh. Có rất nhiều người vẫn tìm xem những vở diễn, những bộ phim mà cô đã tham gia diễn xuất, trong số đó có rất nhiều các bạn trẻ, những nghệ sĩ hiện đang là những ngôi sao sáng chói nhất của nghệ thuật Việt Nam. Họ ái mộ cô, xem cô như là một tấm gương nghệ thuật để phấn đấu, để sống và theo nghề.
Khán giả có thể xem phim tại link:
Bộ phim "40 năm tưởng nhớ đến cố nghệ sỹ tài danh- NSƯT – Nữ Hoàng Sân Khấu - Ảnh hậu Á Châu Thanh Nga":
Thực hiện: LQTT PRODUCTION
Kịch bản và Đạo diễn: Lê Quang Thanh Tâm
Đồng đạo diễn: Nguyễn Thùy Linh
Quay Phim: Nguyễn Quốc Đạt, Derek Phạm,...
Đọc lời bình: Nguyễn Thùy Linh
Trong phim có trích dẫn nhiều tư liệu quý của báo Màn Ảnh Sân Khấu, các đồng nghiệp, Viện tư liệu phim, Hãng phim Mỹ Vân – Liên Ảnh Công Ty, nhà nhiếp ảnh Đinh Tiến Mậu, Huỳnh Công Minh, các đài truyền hình và thông tấn báo chí quốc tế,...