Trẻ nghiện game gia tăng, làm sao ngăn?
Trở thành game thủ sau gần hai năm học online
Có thể thấy rằng, với sự phát triển lớn mạnh của khoa học công nghệ, mạng Internet mang lại nhiều lợi ích và cơ hội lớn cho trẻ em, từ cung cấp kiến thức và thông tin, thiết lập không gian giải trí, tăng cường tương tác xã hội, tạo môi trường chia sẻ kết nối…
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, việc trẻ em sử dụng Internet quá mức sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tinh thần hay khả năng gặp nhiều rủi ro trên môi trường mạng như bị mất thông tin cá nhân, lừa đảo, bị quấy rối trên mạng, nghiện game online, xem các ấn phẩm không phù hợp... Trẻ em phải đối mặt với các thông tin sai lệch, thậm chí cả các nguy cơ bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng, bị lôi kéo tham gia những thử thách nguy hại đến tính mạng.
Sau một thời gian dài phải học trực tuyến, rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng vì con mình đã “nghiện” game hoặc trở thành game thủ. Thậm chí, nhiều ông bố, bà mẹ cảm thấy bất lực khi mà sau giãn cách, phải đi làm trở lại, không thể kè kè bên con mỗi khi học online như trước. Đây chính là điều kiện thuận lợi để những đứa trẻ này tranh thủ chơi game cả trong giờ học và sau giờ học khi không có người giám sát.
Ngoài ra, khi bố mẹ đi làm, phải để thiết bị điện tử ở nhà cho con tự học online. Như vậy, vô hình chung bố mẹ đã “tiếp tay” để các em nhỏ vùi đầu vào game online. Đến khi bố mẹ phát hiện ra thì con đã “nghiện” game từ lúc nào.
Có con trai đang học lớp 7, chị Phạm Thị Thúy Nga (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Do đặc thù công việc, vợ chồng tôi phải đi làm từ sáng sớm, để con trai ở nhà tự học online. Sáng nào con cũng dậy đúng giờ và vào Zoom điểm danh đầy đủ. Tình cờ một lần về nhà vào giữa buổi, tôi tá hóa khi thấy con vừa học online vừa chat, vừa chơi game trực tuyến.
Khi nghỉ giữa tiết học hay hết giờ học cháu cũng vùi đầu vào điện thoại chơi game. Sau gần 2 năm học trực tuyến, giờ đây, con đã thành game thủ. Đáng lo, khi nói chuyện với người lớn, thi thoảng con dùng những từ của nhân vật trong game, đêm ngủ hay giật mình và nói ú ớ. Thời gian học trực tuyến có thể còn kéo dài, tôi cảm thấy rất lo lắng và chưa tìm ra giải pháp nào để kiểm soát việc học, chơi của con”.
Bảo vệ sự an toàn cho trẻ em trên không gian mạng là trách nhiệm của gia đình và xã hội |
Câu chuyện của chị Phạm Thị Thúy Nga chỉ là một trong số rất nhiều những tình huống tương tự. Trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh bàn tán, chia sẻ về câu chuyện, phương pháp đồng hành cùng con cai nghiện game. Nhiều phụ huynh nói rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến con sa đà vào game chính là giao thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại.
Tuy nhiên, trong giai đoạn học trực tuyến như hiện nay, nếu không giao thiết bị con sẽ không có phương tiện học tập nhưng giao rồi mà bố mẹ vẫn phải đi làm rất khó để giám sát. Chưa kể, học sinh lớn tuổi có phòng riêng, con lén chơi game khi cả nhà đã say ngủ nên rất khó kiểm soát. Nhiều phụ huynh cũng nói rằng, bình thường con rất ngoan nhưng khi “dính” đến game con bướng bỉnh, vô tâm và sẵn sàng nổi nóng, thể hiện thái độ bất cần, không hợp tác khiến bố mẹ bất lực.
Trong một lần tình cờ vào phòng của con lúc con đang học trực tuyến, chị Vũ Thị Huyền (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) vô cùng bàng hoàng khi thấy cậu con trai học lớp 8 vừa chơi game vừa học. Mặc cô giáo gọi tên đến 2 - 3 lần con cũng không nhận ra mà vẫn chú tâm vào ván game chơi dở.
"Kể từ sau lần bị mẹ "bắt tại trận" chơi game trong giờ học là chuỗi ngày đẫm nước mắt của cả mẹ và con. Qua nói chuyện, con tôi tự nhận chơi game trong giờ học trực tuyến, các buổi chiều, thậm chí cả buổi tối khi cả nhà đã tắt đèn đi ngủ. Nhận ra con nghiện game, ban đầu tôi tức nghẹn lồng ngực, không ngừng gào rú, đánh một trận ra trò và bắt con hứa từ nay sẽ bỏ chơi. Vì sợ mẹ, con hứa sẽ bỏ nhưng chỉ cách đúng một ngày, tôi lại tiếp tục "bắt tại trận” con chơi game trong giờ học trực tuyến", chị Huyền ngậm ngùi chia sẻ.
Xây dựng “lá chắn” an toàn cho trẻ
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, có tới 70 - 80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 - 15%. Cơ quan này cũng công nhận chứng nghiện game là một bệnh lý trong danh sách phân loại bệnh quốc tế. Khi nghiện game, học sinh sẽ tìm đến trò chơi kể cả trong và ngoài giờ học, thậm chí chơi game mất kiểm soát.
Các chuyên gia y tế nhận định, trẻ nghiện game online thường dành nhiều thời gian với các trò chơi trong thế giới ảo. Trong đó có nhiều trò mang màu sắc bạo lực, làm ảnh hưởng, thậm chí là ám ảnh, tác động đến suy nghĩ, hoạt động của cuộc sống ngoài đời thực. Thực tế đã có nhiều trường hợp, trẻ em mê chơi game hành động mạnh đã bắt chước hành động như nhân vật trong game như đánh, đấm nhau hoặc dùng những lời lẽ tiêu cực, không phù hợp với lứa tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, cho hay: Trẻ em nghiện game online là một vấn nạn đã xảy ra từ khá lâu rồi. Khi đã nghiện game thì điều rõ nhất mà chúng ta nhận thấy ngay được đó là những thay đổi về tâm lý, sức khỏe của trẻ.
Nếu là trẻ nhỏ thì thường có biểu hiện mất ngủ, lo sợ, giật mình vào ban đêm. Trẻ lớn hơn thì có biểu hiện hay cáu gắt, thường có các hành động bạo lực, hoang tưởng như các trò chơi trong game. Nguy hiểm hơn là sao nhãng học tập, cãi lại cha mẹ và có những hành động tiêu cực, vi phạm pháp luật hoặc nghiện các chất gây nghiện.
Cần xây dựng “lá chắn” an toàn cho trẻ trên không gian mạng |
Nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong dạy và học theo hình thức trực tuyến, ngay từ thời gian đầu triển khai việc dạy và học trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có văn bản gửi các sở GD&ĐT, các nhà trường yêu cầu việc tuân thủ các quy định của Luật An toàn thông tin (ATTT) mạng, Luật An ninh mạng và các quy định của pháp luật có liên quan.
Theo đó, để việc dạy - học trực tuyến bảo đảm chất lượng, hiệu quả và ATTT, các trường học, giáo viên tổ chức dạy học trực tuyến cần lựa chọn sử dụng các giải pháp phần mềm trực tuyến có bản quyền được phát triển, cung cấp từ các doanh nghiệp uy tín; Không nên sử dụng phần mềm miễn phí có các lỗ hổng bảo mật để tránh việc tin tặc có thể cài đặt quảng cáo, mã độc, vi rút gây ra khả năng mất an toàn thông tin, đánh cắp dữ liệu hoặc truyền bá thông tin xấu, độc hại.
Đối với phụ huynh cần nâng cao trách nhiệm, dành nhiều thời gian quan tâm, hỗ trợ học sinh kết nối, sử dụng phòng học trực tuyến an toàn và có biện pháp quản lý trong thời gian con em tham gia học trực tuyến và sử dụng Internet.
Theo các chuyên gia, trẻ em và gia đình cần học hỏi các kiến thức và kỹ năng số thiết yếu. Những quy định về hành vi, chuẩn mực trong cuộc sống thật cũng nên được áp dụng cho môi trường ảo để các em có thể trở thành những công dân số chuẩn, có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, nhằm góp phần bảo đảm bảo an toàn cho trẻ trên không gian mạng, cha mẹ cũng cần chú ý đến những mẹo công nghệ giúp bảo vệ trẻ trên môi trường mạng như cài đặt chế độ kiểm soát của cha mẹ; Bật tính năng tìm kiếm an toàn trên trình duyệt; Cài đặt bảo mật riêng tư nghiêm ngặt trên các ứng dụng và trò chơi trực tuyến; Che, tắt webcam khi không sử dụng.
Các bậc phụ huynh cần tạo lập thói quen trực tuyến và an toàn, khuyến khích trẻ tham gia xây dựng các quy định trong gia đình về sử dụng thiết bị lành mạnh; Hướng dẫn trẻ cách giữ kín thông tin cá nhân; Tạo lập các khoảng không gian, thời gian không có thiết bị trong nhà (ăn, ngủ, chơi, học); Nhắc nhở trẻ rằng những gì đăng tải lên môi trường mạng sẽ không thể thu hồi (tin nhắn, hình ảnh và video).
Bên cạnh đó, Chính phủ và doanh nghiệp cần đặt mục tiêu tạo lập hệ sinh thái sản phẩm ứng dụng Việt đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em trên môi trường mạng; Trong đó khuyến khích sử dụng các sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp Việt Nam phát triển tại các cơ sở giáo dục, chăm sóc trẻ em. Để tạo được hệ sinh thái này, các doanh nghiệp số sẽ được hỗ trợ, khuyến khích phát triển sáng kiến, cung cấp các giải pháp kỹ thuật an toàn, thông tin bảo vệ trẻ em tương tác an toàn trên môi trường mạng.