Tranh thủ uống chén rượu, tài xế bị phạt 3 triệu đồng, tịch thu giấy phép 1 năm
Grab trao tặng 3.000 phần quà hỗ trợ đối tác tài xế có hoàn cảnh khó khăn Châu Âu thiếu trầm trọng tài xế xe tải đường dài Đã bắt được đối tượng trộm hơn 300 triệu đồng của tài xế xe tải |
Người dân có ý thức hơn về sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông
Thời gian qua, các tổ công tác 141 (CATP Hà Nội) liên tiếp phát hiện những trường hợp vi phạm pháp luật, cũng như kịp thời can thiệp, ngăn chặn những “ma men” cầm lái trên đường. Điều đáng mừng là sau nhiều nỗ lực tuyên truyền, xử phạt, tuần tra kiểm soát, giờ đây ít trường hợp tỏ thái độ không hợp tác, vùng vằng, đôi co…
Chiều 22/11, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô có dịp ghi nhận hoạt động của tổ công tác Y1/141 do Trung tá Đinh Ngọc Đạo - Phó Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 1 làm tổ trưởng.
Nhiều người dân vẫn chủ quan trong việc đảm bảo an toàn cho bản thân khi tham gia giao thông |
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn tổ công tác làm nhiệm vụ, phóng viên đã ghi nhận được nhiều trường hợp người dân ra đường vẫn vô tư "quên mũ bảo hiểm", xe không gương, vi phạm nồng độ cồn...
Khi bị kiểm tra, không chỉ thanh niên mà cả những người trong độ tuổi trung niên đều có chung lý do “nhà gần”, “quên”, “vội quá” để giải thích cho những vi phạm của mình.
Tài xế Nguyễn Ngọc B (trú tại Đống Đa, Hà Nội) có nồng độ cồn 0.220mg/lít khí thở |
Trong các trường hợp vi phạm của ca trực tại ngã tư Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Phong Sắc, tổ công tác đã phát hiện tài xế xe máy biển kiểm soát 29M1-647.XX có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn. Ngay lập tức, tổ công tác đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.
Sau khi tiến hành đo nồng độ cồn nam tài xế ở mức 0,220mg/lít khí thở. Nam tài xế được xác định là Nguyễn Ngọc B (sinh năm 1981, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội). Lý giải cho kết quả đo trên, anh B cho biết: “Tranh thủ giờ trưa rảnh rỗi, tôi đi bẫy chim sẻ với bạn bè. Sau đó, chúng tôi có về ăn cơm và có uống 1 chén rượu nhỏ. Tôi chỉ uống 1 chén thôi, không nhiều”.
Sau khi được tuyên truyền, giải thích về lỗi sai, tài xế B đã chấp nhận ký vào biên bản vi phạm |
Với mức vi phạm tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, anh B sẽ bị xử phạt từ 2 - 3 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng.
Ngoài việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và phát hiện, xử lý vi phạm, tổ công tác Y1/141 cũng tích cực tuyên truyền pháp luật, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đến người dân.
Theo Trung tá Đinh Ngọc Đạo (Phó Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 1, Tổ trưởng Tổ công tác Y1/141) từ giờ tới cuối năm, các tổ công tác liên ngành sẽ tập trung xử lý các lỗi vi phạm giao thông, đồng thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng lậu |
Trung tá Đinh Ngọc Đạo - Phó Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 1, Tổ trưởng Tổ công tác Y1/141 cho biết: "Tình hình giao thông trong thời gian vừa qua tương đối phức tạp. Tình trạng vi phạm giao thông có chiều hướng gia tăng, nhất là người dân không đội mũ bảo hiểm. Đặc biệt, sau thời gian giãn cách, nhà hàng được phép mở cửa trở lại, người dân đã có biểu hiện lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch. Đã xuất hiện hiện tượng tụ tập, uống bia rượu khi tham gia giao thông trên đường. Chúng tôi cũng sẽ tập trung xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm".
Tổ liên ngành 141 gồm Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự phối hợp cùng công an các phường cơ sở |
Thông qua công tác xử lý tổ công tác Y1/141 đã chủ động tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Đặc biệt tổ công tác đã tăng cường thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đa phần người tham gia giao thông chấp hành quy định khi tham gia giao thông. Một bộ phận nhỏ trong đó có thanh niên khi bị dừng xe kiểm tra tăng ga bỏ chạy lao vào cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ hoặc thoáng thấy bóng dáng của lực lượng chức năng là đổi hướng di chuyển.
Trong thời gian tới các tổ công tác 141 sẽ tăng cường gia quân, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông đặc biệt là vào dịp cuối năm |
Cũng theo Trung tá Đạo, có nhiều người điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia có hành vi lăng mạ tổ công tác, chống đối hoặc không chấp hành hiệu lệnh gây khó khăn cho cán bộ làm nhiệm vụ. Đối với những trường hợp trên tổ công tác sẽ kiên quyết xử lý nghiêm để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Đẩy mạnh xử lý vi phạm về nồng độ cồn dịp cuối năm
Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Nghị định tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn. Theo đó tăng mức phạt tối đa với người đi ô tô có nồng độ cồn lên đến 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.
Ngoài việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và phát hiện, xử lý vi phạm, tổ công tác Y1/141 cũng tích cực tuyên truyền pháp luật khi tham gia giao thông đến người dân |
Nghị định còn đề ra quy định mới về xử phạt đối với người điều khiển xe máy trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0.25mg/1 lít khí thở sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng và phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng.
Nghị định bổ sung hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp xe thô sơ; người điều khiển xe thô sơ vi phạm nồng độ cồn có thể bị phạt từ 400 - 600 nghìn đồng.
Ngay khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, lực lượng Công an TP Hà Nội, trong đó có các tổ công tác đặc biệt 141 đã liên tục ra quân triển khai thực hiện nhằm nâng cao ý thức người dân, nhất là các bạn trẻ vì đây là đối tượng chiếm tỷ lệ vi phạm cao.
Sau một thời gian triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, khung hình phạt nghiêm khắc của Nghị định đã phát huy hiệu quả tích cực. Thực tế cho thấy tình hình tai nạn giao thông trên nhiều địa bàn giảm, ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của người dân nâng lên rõ rệt.
Lực lượng Công an TP Hà Nội đã phát hiện, xử phạt hàng chục nghìn trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; Trong đó có cả lái xe ô tô và mô tô với số tiền xử phạt rất lớn; Qua đó, góp phần giảm cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội.
Thời gian tới, các tổ công tác 141 quyết liệt triển khai các biện pháp về kiểm tra, xử lý và xử phạt nặng bảo đảm tính răn đe |
Mặc dù ý thức “đã uống rượu bia, không lái xe” của người dân tăng lên, tuy nhiên vào thời điểm cuối năm, khi Hà Nội nới lỏng nhiều hoạt động dịch vụ, các buổi liên hoan, tụ họp, tình trạng sử dụng rượu, bia mà vẫn tham gia giao thông đang có dấu hiệu tăng nhiệt trở lại.
Để giảm bớt tình trạng này, nhất là kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa các nguy cơ về tai nạn giao thông, lực lượng Công an TP Hà Nội, trong đó có các tổ công tác 141 quyết liệt triển khai biện pháp về kiểm tra, xử lý và xử phạt nặng để đảm bảo tính răn đe.
Việc ra quân của lực lượng liên ngành sẽ góp phần giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông |
Cụ thể, nhằm tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn, đặc biệt vào thời điểm cuối năm, lực lượng chức năng sẽ tăng cường thành lập các tổ công tác, huy động phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tăng cường tuần tra kiểm soát trên các tuyến, địa bàn phức tạp về trật tự an toàn giao thông, tập trung thời gian từ 18 giờ đến 5h sáng hôm sau, nhất là các ngày thứ 7, Chủ nhật, dịp nghỉ Tết và những ngày diễn ra các lễ hội…
Cùng với đó, các tổ công tác CSGT, 141 sẽ tăng cường phương thức tuần tra cơ động, chú trọng kiểm tra đối tượng lái xe khách, xe mô tô là thanh, thiếu niên; Đẩy mạnh công tác nắm tình hình, địa điểm, thời gian người điều khiển phương tiện thường sử dụng rượu, bia, thanh thiếu niên tụ tập ăn, uống đêm khuya… kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.