TP HCM: Thành lập đoàn giám sát chống xâm hại trẻ em
TP HCM quyết định thành lập Đoàn giám sát tình hình triển khai thực hiện Luật trẻ em và công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Nhìn nhận thực trạng trẻ em bị xâm hại diễn ra trên địa bàn TP trong thời gian qua, trong đó, có rất nhiều vụ việc xảy ra đã gây bức xúc dư luận, gây hoang mang cho người dân, trên cơ sở đó, mới đây Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM đã thống nhất và ban hành quyết định thành lập Đoàn giám sát tình hình triển khai thực hiện Luật trẻ em và công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn TP.
Theo Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM cho rằng, quyết định thành lập đoàn giám sát này được đưa ra là do thời gian qua trong xã hội xảy ra nhiều vụ trẻ em bị xâm hại nhưng chứng cứ buộc tội yếu, cơ quan chức năng lúng túng khi xử lý... khiến dư luận bức xúc, hoài nghi. Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cho biết, năm 2018 có những vụ việc trẻ em bị xâm hại nhưng không được xử lý nghiêm do chứng cứ để buộc tội về hành vi xâm hại trẻ em rất yếu, không đủ cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng xử lý.
Do đó, kể từ ngày 16 đến 26/4, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát tiến hành triển khai và thực hiện công tác giám sát, tập trung vào các vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Cụ thể, Đoàn có trách nhiệm giám sát các nội dung như: tình hình triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn TP, thực trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn TP, công tác phòng ngừa tội phạm, phát hiện hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, công tác tuyên truyền…
Được biết, thành phần Đoàn giám sát gồm 20 thành viên, đứng đầu là bà Thi Thị Tuyết Nhung (Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội), bên cạnh các đại biểu HĐND TP HCM còn có mời thêm các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực và đại diện cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn được giám sát.
Cùng với đó, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cũng đưa ra những khuyến cáo đến các bậc phụ huynh, mặc dù chính quyền địa phương đã quan tâm trong việc bảo vệ trẻ em trong thời gian qua nhưng vẫn có sơ hở. Thực tế, hầu hết trẻ bị xâm hại đều thuộc trường hợp cha mẹ thiếu quan tâm, nghĩ thủ phạm là người quen, người thân nên mất cảnh giác. Để bảo vệ trẻ, phụ huynh phải đặc biệt quan tâm, không để con ở nhà hay nơi công cộng một mình.
Ngoài ra, cũng liên quan đến vấn đề tình trạng xâm hại tình dục, bạo hành ở trẻ em diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp, gây nhiều hoang mang và bức xúc trong dư luận xã hội trong thời gian qua, nhằm tăng cường tính răn đe, xử lý nghiêm minh của pháp luật đối với những đối tượng tội phạm, mới đây, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) cũng đã có văn bản gửi đến các đơn vị có liên quan về việc xét xử các tội phạm xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em.
Cụ thể, ngày 9/4, ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC đã ký văn bản số 68/TANDTC-PC gửi Chánh án Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC về việc xét xử các tội phạm xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em.
Theo thông tin từ TANDTC cho biết, trong thời gian qua, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, các đạo luật có liên quan và các hướng dẫn thi hành trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cũng còn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.
Để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên, trong công văn TANDTC nêu rõ: "Xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; các hình phạt và biện pháp tư pháp được áp dụng bảo đảm nghiêm khắc".
TANDTC yêu cầu các Chánh án Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc các đạo luật mới được Quốc hội thông qua (như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, các đạo luật có liên quan) và các văn bản hướng dẫn thi hành của TANDTC, liên ngành trung ương.
Bên cạnh đó, các cấp Tòa cần phải chủ động phối họp với cơ quan Công an và Viện kiểm sát cùng cấp ngay từ giai đoạn điều tra để kịp thời nắm bắt diễn biến của vụ án, từ đó lên kế hoạch đưa vụ án ra xét xử, bảo đảm kịp thời và đúng thời hạn luật định. Ngay khi tiếp nhận hồ sơ vụ án cần thụ lý, các cấp Tòa án giải quyết theo đúng quy định tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/09/2013 của Chánh án TANDTC.
Ngoài ra, TANDTC cũng yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC tổ chức triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc nội dung trên trong cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời, trong quá trình xét xử, cần bảo đảm các quyền của trẻ em, người chưa thành niên trên cơ sở nguyên tắc “bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi”.