TP HCM kêu gọi người dân đoàn kết, đồng lòng ngăn chặn dịch bệnh Covid-19
Tham dự tại điểm cầu Thành ủy TP HCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi.
Tại điểm cầu UBND TP HCM có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu; Các Phó Chủ tịch UBND TP cùng lãnh đạo một số Sở, ngành.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu; Các Phó Chủ tịch UBND TP cùng lãnh đạo một số Sở, ngành tại cuộc họp sáng nay |
Tăng cường thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ
Báo cáo về diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, kể từ 6h ngày 11/7 đến 6h ngày 12/7, TP phát hiện 1.489 trường hợp nhiễm Covid-19, phần lớn ở khu cách ly và phong tỏa, có 29 trường hợp phát hiện qua tầm soát trong cộng đồng và 189 trường hợp phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện. Toàn TP đang điều trị 14.142 trường hợp dương tính mới, trong đó 178 ca đang thở máy (8 ca phải can thiệp tim phổi nhân tạo - ECMO).
Nhằm bảo đảm thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, TP đã thiết lập 12 chốt kiểm soát ở các cửa ngõ ra vào, 144 chốt tại các quận, huyện và 400 chốt tại 312 phường, xã, thị trấn. Các địa phương tăng cường siết chặt việc kiểm soát tại các chốt chặn; Trong 3 ngày qua, TP đã xử phạt 1.200 trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong biểu dương một số quận, huyện như Phú Nhuận, Cần Giờ… đã có kế hoạch cụ thể, rõ ràng từ việc xét nghiệm, cung ứng hàng hóa đến chăm lo cho các đối tượng khó khăn trong thời gian 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16. Trong khi đó, cũng có một số quận, huyện vẫn làm chưa tốt, chưa có kế hoạch cụ thể trong thực hiện phòng, chống dịch. Chủ tịch UBND TP yêu cầu các địa phương này phải khắc phục ngay để thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả công tác chống dịch Covid-19.
Về hàng hóa tại các siêu thị, mãi lực ngày 11/7 so với ngày 10/7 đã tăng 10%, hàng hóa dồi dào phong phú, giá cả được niêm yết công khai ổn định. Qua việc khuyến khích người dân đặt hàng online nên lượng đơn hàng online tại các siêu thị tăng mạnh. Tuy nhiên, vì lực lượng nhân sự tại siêu thị có hạn, dẫn đến việc ship hàng cho người dân bị chậm chễ. Trong thời gian tới, TP sẽ tăng cường nhân lực về giao hàng để khắc phục sự chậm chễ này, đảm bảo việc cung ứng hàng hóa nhanh chóng tới người dân.
Trong thời gian tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về, TP đã yêu cầu hệ thống phân phối, các siêu thị tăng lượng hàng và mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn để phục vụ người dân. Đồng thời, tổ chức đội tình nguyện “Đi chợ thay” và cung cấp thức ăn miễn phí cho người già neo đơn, những trường hợp khó khăn cần hỗ trợ. Cùng đó, tổ chức quầy hàng lưu động và chợ “0 đồng” phục vụ cho người dân.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa được thông suốt, TP đã tổ chức cho các phương tiện giao thông vận chuyển hàng hóa thiết yếu ra vào cảng cho 5 đơn vị với 2.800 xe.
Chủ tịch UBND TP cho biết thêm, toàn TP hiện có 11 khu cách ly tập trung do Bộ Tư lệnh trực tiếp quản lý. TP đang khảo sát, sửa chữa để đưa vào sử dụng 5 tòa nhà chung cư tái định cư tại Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) trở thành bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 với quy mô 18.000 giường.
Trong công tác vận hành tại các khu cách ly và bệnh viện dã chiến, TP đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho các đơn vị phụ trách từ cấp TP đến cơ sở để đảm bảo không còn tình trạng ùn ứ rác thải, xử lý rác thải nguy hại kịp thời và đúng quy định.
Trước tình hình các ca nhiễm tăng cao trong những ngày qua, Sở Y tế TP đã có công văn đề xuất Bộ Y tế 18 danh mục trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và đang chờ được phê chuẩn.
TP HCM đã đi đúng hướng, cần tiếp tục tăng cường và siết chặt các biện pháp đã đề ra
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, TP HCM sẽ phải xử lý nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến ứng xử với đời sống, thói quen, lợi ích của người dân. Vì vậy, hơn lúc nào hết, TP cần bình tĩnh, vận động, tuyên truyền để người dân yên tâm cùng chung tay với TP chống dịch, vượt qua khó khăn, vượt qua những tình huống bất ngờ.
Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 để phòng chống dịch, người dân cần hạn chế ra đường khi không thực sự cần thiết (Ảnh: Đường Võ Thị Sáu, Quận 3) |
Phó Thủ tướng cũng đề nghị TP HCM tiếp tục tăng cường và siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là ở các khu cách ly, khu phong tỏa để tránh lây nhiễm chéo.
“TP HCM cần lưu ý việc chăm lo cho các đối tượng khó khăn không có hộ khẩu, không thường trú trên địa bàn. Cùng với đó, phải tăng cường việc cung ứng hàng hóa, đảm bảo các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho người dân”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, TP HCM cần xem xét việc cách ly F1 tại nhà sao cho hợp lý với tình hình thực tế của TP, hạn chế cách ly tập trung. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, có phương án vừa đảm bảo sản xuất vừa phải đảm bảo giãn cách, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đến ngày 12/7, TP đã sử dụng hết 3 ngày giãn cách, đã xuất hiện những phát sinh và đã được giải quyết, vì vậy TP cần xác định rõ thời gian còn lại làm gì để tận dụng hiệu quả thời gian giãn cáhc theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay với các giải pháp TP đưa ra, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đã đánh giá TP triển khai đúng hướng, đề nghị TP tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp đề ra. Đây cũng là thách thức, TP phải làm sao để xứng đáng với sự tin tưởng của Chính phủ và sự chung tay của người dân.
Thiết lập đường dây nóng tới cấp cơ sở để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân
Tại cuộc họp, trên cơ sở diễn biến của dịch bệnh và kết quả sau hơn 3 ngày thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 16, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đi cùng với xử lý nghiêm những vi phạm về phòng, chống dịch để từng người dân tự giác, chủ động chấp hành quy định.
Bên cạnh đó, thiết lập đường dây nóng ở từng quận, huyện, TP Thủ Đức, Sở, ngành, MTTQ Việt Nam TP, HĐND TP để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân. “Tinh thần là thành lập càng nhiều đường dây nóng càng tốt để người dân có nơi bày tỏ tâm tư, tình cảm, tránh việc có bức xúc mà không biết phản ánh ở đâu” - Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh.
Đồng thời, theo Bí thư Thành ủy TP HCM, khi thiết lập đường dây nóng phải phân công lực lượng phụ trách để tiếp thu và phản hồi, giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị của người dân.
Nhắc lại mục tiêu giảm F0 tử vong, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thông tin, TP đã trưng dụng Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 để làm nơi tập trung điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, có bệnh nền, cần phải can thiệp máy. Việc này nhằm tập trung nguồn lực y tế, phương tiện, tăng hiệu quả điều trị.
Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phải nâng cao trách nhiệm, thấy trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống dịch của TP chứ không đứng ở vị trí "vai phụ” nữa. “Trong lúc này cần sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị để cùng hướng đến mục tiêu quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19”, Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh.