TP HCM: Kẻ ở tố chủ nhà bội tín, đẩy cháu mình vào thế đường cùng
Ông Dư trong căn nhà tạm bợ làm bằng những tấm tôn cũ, sắp bị UBND quận Gò Vấp cưỡng chế
Bài liên quan
TP HCM: Mua đất nền 3 năm không được cấp sổ đỏ, hàng chục khách hàng tố Đất Xanh bội tín
Chậm bồi thường khi thu hồi đất, UBND tỉnh Đồng Nai “làm ngơ” trước chỉ đạo của Phó Thủ tướng?
Thông tin tiếp bài “Người phụ nữ 17 năm đi kêu oan”: Mảnh đất có bị chiếm giữ trái phép?
Tâm thư của một cựu chiến binh từng được người dân Đồng Tâm đùm bọc
Chủ ý mua bán bằng giấy tờ tay
Theo phản ánh và hồ sơ thể hiện, năm 2009, ông Lê Văn Dư (ngụ tại số 3/31 đường số 4, phường 15, quận Gò Vấp) nhận chuyển nhượng đất bằng giấy tờ tay (không công chứng) của vợ chồng ông Phan Quý và bà Lê Thị Bích Thủy (ông Quý vai ông của ông Dư – người làm công, ngụ phường Thạnh Lộc, quận 12) diện tích 87m2, thuộc một phần thửa 504, tờ bản đồ số 40, phường 15, quận Gò Vấp.
Sau này, cũng bằng hình thức giấy tờ tay, ông Dư nhận chuyển nhượng lại từ ông Lê Sỹ Thắng (cháu ông Dư, ngụ cùng địa chỉ) và ông Khâu Văn Sỹ (địa chỉ: 123 Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Gò Vấp) diện tích 587m2. Phần đất này trước đây họ cũng đã mua của vợ chồng ông Phan Quý. Các phần đất này đều nằm liền kề nhau, cùng chung một thửa 504, tờ bản đồ số 40 mà ông Dư đã mua trước đó.
Theo ông Dư, sau khi mua đất, gia đình ông đã chuyển về đây sinh sống ổn định, không tranh chấp với ai, tiến hành kê khai tạm trú tạm vắng và được chính quyền địa phương cấp số nhà để quản lý.
Tuy nhiên, khoảng cuối tháng 3/2017, con trai ông Quý là Phan Anh T. tìm đến nhà ông Dư đưa ra lời đề nghị, buộc ông Dư trả lại toàn bộ phần diện tích đất 674m² trước đây gia đình đã bán (bao gồm cả phần đất mua lại của ông Thắng và ông Sỹ). Đồng thời, ông Tuấn cũng hứa sẽ trả lại ông Dư một khoản tiền khoảng 1,3 tỷ đồng (tương đương với số tiền mà các hộ như ông Sỹ, ông Thắng và ông Dư đã mua của ông Quý từ năm 2002, 2009).
Tuy nhiên, ông Dư không đồng ý vì cho rằng đây là mảnh đất duy nhất mà vợ chồng ông vất vả làm lụng, vay mượn họ hàng nhiều năm mới mua được.
Căn nhà tạm này đang là nơi cư ngụ của 2 gia đình với 9 nhân khẩu, nếu bị cưỡng chế thì nguy cơ “ra đường” chỉ là vấn đề thời gian |
Cũng theo ông Dư, sau khi đòi lại đất nhưng không được ông đồng ý, ông Quý đã cho người đập bỏ hàng rào ranh giới đất giữa hai gia đình, sau đó quay sang làm đơn tố cáo ông Dư ra chính quyền địa phương vì xây dựng nhà ở không có giấy phép.
Tính tới thời điểm hiện tại, UBND quận Gò Vấp đã ban hành không dưới 8 Quyết định xử phạt và điều chỉnh Quyết định xử phạt theo hướng “buộc phá dỡ toàn bộ các hạng mục xây dựng trên đất”. Hầu hết các công trình chủ yếu là nhà tạm, mái tôn, cột sắt… được xây dựng từ năm 2009, 2013 và 2016. Nếu buộc phải tháo dỡ toàn bộ nhà cửa, gia đình ông Dư đứng trước nguy cơ “màn trời chiếu đất”, cùng với 9 nhân khẩu trong ngôi nhà này sẽ phải “ra đường”.
Không chỉ vậy, lấy lý do giao dịch mua bán này không hợp pháp (mua bán bằng giấy tay), các hộ tự ý chuyển nhượng đất cho nhau và xây dựng không phép nên ngày 29/6/2017, ông Quý đã làm đơn khởi kiện ông Dư ra TAND quận Gò Vấp, yêu cầu ông Dư hoàn trả diện tích 674m2 đất trước đây đã nhận chuyển nhượng.
Ông Dư bức xúc cho biết: “Tôi với ông Quý vốn là họ hàng xa và cũng là cháu của ông. Tôi từng là người làm giúp việc cho ông Quý hơn 20 năm qua. Khi mua đất, ông Quý nói rằng, ông không có thời gian đi thực hiện thủ tục công chứng nhưng hứa sẽ sớm tách sổ cho chúng tôi. Hơn nữa, chúng tôi cũng là con cháu nên tin tưởng ông sẽ không lừa, vậy mà giờ ông ấy lại vội vàng trở mặt, ép chúng tôi phải rời bỏ khu đất này”.
Có bất thường trong thụ lý vụ án?
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà trước đây ông Quý đã bán cho ông Dư |
Cùng thời điểm tiếp nhận thông tin phản ánh của bạn đọc, phóng viên cũng nhận được một số thông tin “ngoài lề” liên quan đến việc thu lý vụ án của TAND quận Gò Vấp. Theo đó, nhiều người cho biết và qua xác minh, ông Phan Quý trước đây từng có thời gian công tác trong ngành Viện kiểm sát (VKS) TP HCM. Hiện nay, con trai ông Quý là Phan Anh T. cũng được cho là đang nối nghiệp cha mình làm việc trong ngành VKS. Ngoài ra, con gái ông Quý là Phan Thị M. T. hiện cũng đang là một Thẩm phán của TAND quận Gò Vấp nơi đang thụ lý vụ việc.
Theo thông tin phóng viên có được, trước đây vụ việc này do chính ông Trần Đăng Tân - Chánh án TAND quận Gò Vấp trực tiếp thụ lý xử lý. Tuy nhiên sau đó, ông Tân lại phân công cho ông Nguyễn Hoàng L. thụ lý giải quyết. Trong khi đó, theo như đơn tố cáo mà ông Dư gửi các cơ quan chức năng thì ông L. và bà T. (con gái ông Quý) trước đây từng có mối quan hệ tình cảm “trên mức bình thường”. Nhiều người cho rằng, nếu để thẩm phán L. tiếp tục xử lý vụ án thì phần nào sẽ ảnh hưởng đến kết quả giải quyết.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 6/3, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đăng Tân - Chánh án TAND quận Gò Vấp. Ông Tân xác nhận vụ việc này trước đây do chính ông trực tiếp xử lý, sau đó giao lại cho thẩm phán L. Việc ông Dư tố cáo giữa bà T. và ông L. trước đây từng có mối quan hệ tình cảm thân thiết, thì ông Tân cũng đã nhận được. Do đó, để khách quan trong việc giải quyết vụ án, ông Tân đã giao lại hồ sơ này cho một thẩm phán khác là ông Trịnh Mạnh C. xử lý.
Nhận thấy có nhiều dấu hiệu “bất thường” trong việc tiếp nhận hồ sơ vụ việc của TAND quận Gò Vấp, mới đây ông Dư tiếp tục cung cấp đến phóng viên những thông tin mà chính ông và luật sư bảo vệ mình cho rằng thời hiệu khởi kiện vụ án này đã hết nhưng vẫn được thụ lý. Qua đó, ông Dư cùng luật sư đề nghị TAND quận Gò Vấp xem xét dựa trên các quy định của pháp luật để đình chỉ vụ án, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các đương sự.
Cụ thể, phía luật sư bảo vệ cho ông Dư đã đưa ra một số căn cứ: Tại Mục 9 văn bản số 01/GĐ-TANDTC năm 2016 của TAND Tối cao, về việc áp dụng thời hiệu khởi điện đối với các vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì được thực hiện theo quy định tại Điều 429 BLDS năm 2015: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
Ngoài ra, căn cứ quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 688 BLDS 2015 và Căn cứ điểm d Khoản 1 Điều 132 BLDS 2015 quy định: “Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 của bộ luật này là 02 năm, kể từ ngày: Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức”.
Theo luật sư đại diện của ông Dư cho biết, trên thực tế, tất cả các giao dịch mua bán, chuyển nhượng giữa ông Quý và ông Dư cùng các bên liên quan đã thực hiện xong từ năm 2009 (thời điểm chuyển nhượng đất cho ông Dư). Nếu nhận thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng thì ông Quý vốn là người am hiểu pháp luật, từng công tác trong ngành VKS phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm, ảnh hưởng. Thế nhưng, phải đến năm 2017, ông Quý mới làm đơn khởi kiện cho nên đã hết thời hiệu khởi kiện.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Trần Đăng Tân cho rằng, việc thụ lý vụ án là đúng theo quy định của pháp luật, còn việc quá thời hiệu hay không tòa sẽ xem xét. “Trong trường hợp xét thấy nếu có một trong các đương sự thấy rằng vụ án đã hết thời hiệu khởi kiện sẽ để HĐXX xem xét tại phiên tòa mà các đương sự yêu cầu”, ông Tân nói.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.