TP HCM: 85,71% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Đường phố TP HCM đang dần đông đúc trở lại (Ảnh minh họa) |
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho biết, qua khảo sát 11.502 doanh nghiệp trong quý 3 năm 2021, trong đó có đến 9.858 doanh nghiệp trả lời bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm tỷ lệ 85,71% tổng số doanh nghiệp khảo sát. Lĩnh vực, ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm tỷ lệ 36,74%; Ít bị ảnh hưởng nhất là lĩnh vực thông tin và truyền thông, chỉ chiếm 3,69%.
Lĩnh vực, ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm tỷ lệ 36,74%; Ít bị ảnh hưởng nhất là lĩnh vực thông tin và truyền thông, chỉ chiếm 3,69%.
Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp ở những lĩnh vực, ngành cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ lệ 16,42%; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ chiếm tỷ lệ 8,79%; xây dựng chiếm 8,77%.
Doanh nghiệp ở lĩnh vực vận tải kho bãi chiếm tỷ lệ 6,66%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ chiếm 4,85%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 4,77%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 4,03%.
Theo đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố, phần đông các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ sản phẩm chiếm tỷ lệ 42,7%; doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn chiếm 27,15%; chính sách hỗ trợ chưa kịp thời chiếm tỷ lệ 18,23%; doanh nghiệp thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất chiếm 11,92%.
Từ kết quả khảo sát trên, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố cũng ghi nhận trong 251.027 người lao động đang làm việc thì có đến 129.582 người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, chiếm tỷ lệ 51,62%.
Lao động giãn việc, nghỉ luân phiên chiếm 48,18%; lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc cho thôi việc chiếm 32,21%; lao động tạm hoãn hợp đồng lao động chiếm 8,2%; lao động tạm nghỉ việc có hưởng một phần lương chiếm 7,45%; lao động tạm nghỉ việc không hưởng lương chiếm 3,96%.
Số doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động trong những tháng cuối năm 2021 là 4.493 doanh nghiệp, chiếm 39,06% tổng số doanh nghiệp khảo sát. Trong đó, số doanh nghiệp dự kiến giảm giờ làm việc hoặc nghỉ luân phiên chiếm 59,02%; tạm thời cho người lao động nghỉ việc có hỗ trợ một phần tiền lương chiếm 20,74%; cho lao động thôi việc chiếm 11,49%; tạm thời cho người lao động nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương chiếm 8,75%.
Theo ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt từ tháng 7/2021, toàn thành phố đã thực hiện biện pháp giãn cách xã hội nhiều giai đoạn và kéo dài.
Theo ông, doanh nghiệp đã chịu áp lực không nhỏ khi phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy hoạt động khiến tỷ lệ lao động ngừng việc, mất việc có xu hướng tăng; người lao động thiếu việc làm, bị cắt giảm giờ làm, buộc thôi việc dẫn đến giảm, mất thu nhập.
Việc vận hành các phương thức của doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ,” "1 cung đường, 2 điểm đến” hay “4 xanh” (gồm nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh) đã làm giảm đáng kể lượng lao động tại doanh nghiệp. Tuy nhiên để duy trì lượng đơn hàng, các doanh nghiệp đã ra sức giữ chân lao động cũ cũng như tuyển dụng lao động bổ sung phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Để có thể nhanh chóng phục hồi ngay khi thành phố trở lại trạng thái "bình thường mới," các doanh nghiệp đã và đang xây dựng lại kế hoạch hoạt động, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ nhân sự, trong đó có cả kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới để thay thế những lao động đã nghỉ việc do dịch bệnh hoặc về quê.
"Tuy nhiên, việc lượng lao động nhập cư về quê ồ ạt trong thời gian qua đã gây trở ngại rất lớn cho việc sắp xếp lại nhân sự trong doanh nghiệp", ông Triết chia sẻ.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố, hiện nhiều doanh nghiệp và người lao động bắt đầu quen dần với các hình thức làm việc tại nhà, làm việc trực truyến, nhất là những ngành nghề có liên quan nhiều đến công nghệ thông tin như thông tin và truyền thông, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ. Nhiều doanh nghiệp cũng dần thay đổi mô hình kinh doanh cũng như cách thức tuyển dụng để có đủ nhân sự và làm việc phù hợp trong tình hình hiện nay.
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các xu hướng tự động hóa và số hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ hỗ trợ sẽ càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp tìm những hướng đi mới hiệu quả hơn để hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ.
Do đó, người lao động trong giai đoạn này ngoài việc trang bị kiến thức chuyên môn, cần phải nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, tay nghề và tác phong công nghiệp. Đó là những thứ có giá trị bền vững để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong thời gian tới, trước những thay đổi của thị trường lao động do đại dịch Covid-19.