Tòa tối cao hướng dẫn áp dụng tội trốn đóng, gian lận BHXH
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ phát biểu tại buổi lễ công bố Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP
Bài liên quan
Từ 20/8, tăng giá các dịch vụ y tế trong và ngoài phạm vi BHYT
Cả nước có 405 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Linh hoạt phương thức đóng BHYT nhằm giảm áp lực cho các bậc phụ huynh
Phấn đấu 100% học sinh sinh viên tham gia BHYT
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh: Thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, trong 5 năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các địa phương đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng chống tội phạm, xử lý vi phạm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, hành vi nợ, trốn đóng và gian lận về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung 3 tội danh, gồm: Tội gian lận, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự 2015 vẫn còn những quy định chung chung và có cách hiểu khác nhau, cần có hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.
Để kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, khắc phục những bất cập, hạn chế trong xét xử, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Bộ luật Hình sự 2015.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Việc Bộ luật Hình sự 2015 bổ sung thêm 3 tội danh này đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm, góp phần đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu tại lễ công bố |
Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, tính đến hết 30/6/2019, số người tham gia BHXH đạt trên 14,8 triệu người (chiếm hơn 30,4% lực lượng lao động), tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 12,7 triệu người (chiếm hơn 26,2% lực lượng lao động); tham gia bảo hiểm y tế đạt 84,7 triệu người (tỷ lệ bao phủ khoảng 89,3% dân số). Mỗi năm đã giải quyết quyền lợi cho hàng triệu lao động, thanh toán chi phí khám chữa bệnh hơn 170 triệu lượt người, góp phần không nhỏ vào đảm bảo an sinh xã hội.
Tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có giảm nhưng vẫn ở mức cao, trục lợi quỹ ngày càng tinh vi. Đồng thời, những tổ chức và cá nhân có sai phạm chưa được xử lý hình sự theo các tội danh quy định tại các Điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự.
Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để hướng dẫn thực hiện quy định của 3 điều luật trên là rất cần thiết. Do đây là những tội danh mới, lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Hình sự, cần được áp dụng thống nhất và đúng quy định của pháp luật, tháo gỡ những khó khăn mà thực tế phát sinh thời gian qua, xử lý nghiêm những hành vi cố tình vi phạm.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2019.
Từ 1/1/2018, những hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là tội phạm hình sự. Do đó, trong Nghị quyết nêu rõ: Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215, 216 Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan bảo hiểm xã hội gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Còn đối với tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác… khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự.