Tô điểm trang sử vàng, góp phần giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ
Giới thiệu hai tác phẩm văn học thiếu nhi mới của hai thế hệ nhà văn 5X và 8X |
Khí phách của thế hệ thanh niên Việt Nam thuở trước
Nhắc đến “Điện Biên Phủ trên không” là nhắc tới những chiếc máy bay “thần sấm", "con ma” tối tân gieo rắc nỗi kinh hoàng, chết chóc. Người Hà Nội và cả nước không thể nào quên những hầm tránh bom, những ụ pháo làm trận địa ngày ấy.
Mặc dù, Trung tướng Nguyễn Đức Soát không ghi dấu chiến công trực tiếp trong những ngày “Điện Biên Phủ trên không” nhưng những ngày này, cuốn sách "Nhật ký phi công tiêm kích" của ông ra đời cũng góp phần giúp người đọc tìm hiểu rõ hơn về tinh thần, khí phách của một thế hệ thanh niên Việt Nam trong cuộc chiến đấu khốc liệt, không cân sức với Không quân Mỹ hùng mạnh.
Cuốn "Nhật ký phi công tiêm kích" của Trung tướng Nguyễn Đức Soát |
Trung tướng Nguyễn Đức Soát bắt đầu viết nhật ký vào ngày 20/3/1966, sau khi sang Liên Xô được 8 tháng. Ông viết đều từ khi học bay đến khi về nước tham gia chiến đấu và ngừng lại ở ngày 31/12/1972, một ngày sau khi Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.
Những trang nhật ký trải dài suốt 7 năm của Nguyễn Đức Soát đã mô tả trung thực những suy nghĩ của lớp thanh niên thuở ấy về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc.
Qua những trang nhật ký, người đọc còn thấy được lòng ham mê và quyết tâm nắm chắc kỹ thuật bay để được tham gia chiến đấu; Thấy được cả những chiến công oanh liệt và những tổn thất không gì bù đắp của cả một lớp phi công trẻ tuổi vừa rời ghế nhà trường.
Họ đã anh dũng đối đầu với những cỗ máy chiến tranh hiện đại của đối phương, góp phần cùng quân và dân miền Bắc đánh thắng hai lần chiến tranh phá hoại Mỹ. Những chiến công của họ là một mốc son chói lọi của không quân Việt Nam thời kỳ đầu non trẻ.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát (sinh năm 1946) là phi công tiêm kích MiG-21, SU-22, SU-27. Trong chiến tranh chống Mỹ, ông đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân khi mới ở tuổi 27. Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Tư lệnh quân chủng Không quân, Tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Những dòng nhật ký của ông thực sự sôi nổi, chan chứa tình yêu và quyết tâm chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc: “Sân bay Đa Phúc, ngày 11/5/1968, lần đầu cất cánh bay trên bầu trời Tổ quốc thân yêu…
Tổ quốc mình đẹp thật! Từ trên nhìn xuống, ngô lúa, cỏ cây trang điểm cho mặt đất một màu xanh ngút ngàn. Dòng sông Hồng đỏ ngầu, cuồn cuộn lao ra biển, hai bên bờ là những làng mạc nhỏ bé, ẩn hiện trong biển cả của màu xanh.
Lòng mình rộn lên một niềm vui không khác gì lần đầu được tung cánh. Đây là trời của mình, đất của mình, người của mình, mình có trách nhiệm gìn giữ”.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát (thứ hai từ phải sang) trong buổi ra mắt cuốn sách của mình |
“Trong cuốn sách này không chỉ thuần những dòng nhật ký của tác giả. Để bạn đọc tiếp cận văn bản thuận tiện hơn, tác giả đã viết thêm dẫn nhập bối cảnh sự kiện, tương quan lực lượng ta - địch, số phận những nhân vật chính trong nhật ký, hồi ức và chiêm nghiệm khi đã có độ lùi lịch sử… Nhân dân, Đảng và quân đội đã vượt lên mọi thử thách khắc nghiệt, khổ đau và mất mát để đi đến ngày chiến thắng”, nhà thơ Hữu Việt chia sẻ.
Theo Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, cuốn sách sẽ làm cơ sở giáo dục lịch sử truyền thống thế hệ trẻ tương lai của đất nước. Đây là việc làm hết sức cần thiết và đáng trân trọng.
Tái hiện “Điện Biên Phủ trên không” qua trưng bày “Để bầu trời mãi xanh”
Trong khi đó, triển lãm trưng bày “Để bầu trời mãi xanh” tại Di tích nhà tù Hỏa Lò khai mạc cuối tháng 11 vừa qua lại tái hiện một phần ký ức miền Bắc Việt Nam trong hai đợt chiến tranh phá hoại của Không quân và Hải quân Mỹ (1964 - 1972). Dưới mưa bom bão đạn, Nhân dân miền Bắc đã phải gánh chịu bao mất mát, đau thương. Vào thời điểm khắc nghiệt nhất, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam lại tỏa sáng để làm nên những chiến thắng chấn động địa cầu.
Đến với trưng bày, du khách bắt gặp “Giữ vững biển trời” kể câu chuyện về bản lĩnh, trí tuệ của Nhân dân miền Bắc Việt Nam trong hai đợt chiến tranh phá hoại của quân đội Mỹ.
Trưng bày "Để bàu trời mãi xanh" tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò |
Đó là cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân hy sinh thân mình để bảo vệ học sinh trong trận ném bom của Không quân Mỹ vào Trường cấp II Thụy Dân (Thái Bình) ngày 21/10/1966; Là các chiến sĩ phòng không bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) với khẩu hiệu “thà gục trên mâm pháo, quyết không để cầu gục”…
Sự chung sức, đồng lòng ấy đã đem lại những chiến công vang dội, trong hơn 4 năm (từ tháng 8/1964 đến tháng 11/1968), các lực lượng phòng không miền Bắc đã bắn rơi 3.243 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 143 tàu chiến Mỹ, buộc Mỹ tuyên bố ngừng chiến tranh phá hoại trên toàn miền Bắc vào ngày 1/11/1968.
Trong cuộc chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của Mỹ, quân dân miền Bắc đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược của đế quốc Mỹ, bắn rơi 34 máy bay B-52 trong tổng số 81 máy bay, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng vào tháng 12/1972.
Nội dung “Nối hai bờ đại dương” giới thiệu về những nỗ lực của Chính phủ và Nhân dân hai nước Việt Nam - Mỹ hàn gắn vết thương chiến tranh với nhiều dấu mốc quan trọng.
Tại trưng bày, lần đầu tiên du khách được trải nghiệm tham quan bằng audio guide (thuyết minh tự động). Các câu chuyện được thể hiện qua giọng kể truyền cảm, kết hợp với hiệu ứng âm thanh sống động: Tiếng bom rơi, tiếng súng nổ, tiếng máy bay, giọng đọc quen thuộc của phát thanh viên xen với tiếng kẻng, tiếng còi báo động phòng không: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý!...” như được sống lại thời “đất rung ngói tan gạch nát” thuở 48 năm về trước.
Bên cạnh đó, du khách được lắng nghe, cảm nhận các câu chuyện, lần lượt trải qua các cung bậc cảm xúc, từ xót xa đến khâm phục tinh thần, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, tự hào về truyền thống nhân văn của dân tộc khi đối xử với phi công Mỹ bị bắt giam trong chiến tranh và mở rộng vòng tay, cùng chung sức khắc phục những hậu quả chiến tranh…
Tái hiện hầm trú ẩn bom Mỹ |
Bên cạnh đó, nhiều tài liệu, hiện vật gợi nhớ đến ký ức trận “Điện Biên Phủ trên không”, liên quan đến các phi công Mỹ từng bị bắt giam tại Nhà lao Hỏa Lò cũng được giới thiệu. Những hình ảnh, hiện vật, câu chuyện ấy khắc sâu vào tâm cốt người xem, cho họ thấy rõ những gì mà cha anh ta phải đối mặt nhưng đã dũng cảm chiến đấu và chiến thắng để đất nước được hòa bình, phát triển như ngày nay.
Chắc chắn, thông qua những cuốn sách, những cuộc trưng bày như thế này, lịch sử dân tộc không chỉ nằm trên trang giấy mà luôn sống động trong trái tim mỗi người. Từ đó, mỗi chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ càng có thể quyết tâm, động lực để học tập, phấn đấu, sống có ích cho xã hội, góp phần dựng xây đất nước.
"Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"- bản anh hùng ca vang mãi |
Tháng 12 nhớ “cha đẻ” của “Em bé Hà Nội” |
Người phi công cuối cùng hy sinh trong chiến dịch "Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không" |