Tình trạng thi hộ, học hộ, gian lận bằng công nghệ cao lại “nóng”
Thí sinh bước vào ngày thứ hai kỳ thi tốt nghiệp THPT với các môn tổ hợp Thí sinh đặc biệt nhất của kì thi TN THPT 2022: Dù đã già nhưng tri thức là sức mạnh |
Gian lận thi cử ngày càng tinh vi
Vừa qua, tại điểm thi đánh giá năng lực tiếng Nhật của trường THPT Chuyên Sư phạm Hà Nội, lực lượng công an phối hợp với hội đồng thi phát hiện thí sinh số báo danh 361.xx mang tên P.V.T có dấu hiệu sử dụng Chứng minh Nhân dân (CMND) giả để vào thi.
Làm việc với lực lượng chức năng, người này khai tên thật là V.D.H, 32 tuổi, trú tại Hà Nội. H cho hay, được thuê đến thi hộ cho người tên P.V.T với giá 4 triệu đồng.
Ngoài việc nhờ người thi hộ, thực tế ghi nhận nhiều hình thức gian lận khác trong thi cử. Có thể nói đến việc gian lận bằng sử dụng công nghệ cao khi thi.
Không khó để người có nhu cầu tìm mua được các thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang trên môi trường mạng. Chỉ cần gõ cụm từ “tai nghe siêu nhỏ”, ngay lập tức trang tìm kiếm Google sẽ trả về hàng nghìn kết quả những thiết bị này.
Công an thành phố Hà Nội từng phát hiện “lò” cung cấp thiết bị công nghệ cao, phục vụ gian lận thi cử |
Qua tìm hiểu của phóng viên, càng gần những ngày thi, trên các trang mạng xã hội hoặc cửa hàng online đăng tải nhiều thông tin rao bán, cho thuê các thiết bị công nghệ cao như: Camera ngụy trang, tai nghe siêu nhỏ, micro siêu nhạy…
Theo quảng cáo trên những trang này, thiết bị tai nghe của Nokia sẽ sử dụng sim như điện thoại thông thường. Máy này kết hợp với tai nghe hạt đậu nhỏ nhét sâu trong tai không sợ bị lộ. Người ở nhà gọi điện vào số lắp trong máy Nokia đó, máy ở chế độ rung im lặng sẽ tự nhận cuộc gọi là truyền âm thanh lên tai. Có thể đàm thoại hai chiều, ngồi trong phòng thi có thể trao đổi với người ở nhà.
Thậm chí, trên các trang mạng còn rao bán loại máy nhỏ hơn nữa, chỉ cần một áo sơ mi cổ dày một chút, rạch cổ áo và nhét thiết bị vào trong thì rất khó phát hiện. Giá cả cũng tùy nhu cầu, mua trọn bộ từ 1,5 - 3 triệu đồng, thuê trong ngày từ 200 - 500 nghìn đồng…
Về vấn đề này, Chỉ huy Đội An ninh giáo dục, Phòng An ninh Chính trị nội bộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, gian lận thi cử ngày càng tinh vi. Trước đây, “công nghệ gian lận” là những chiếc điện thoại hình thù như thẻ ATM, móc khóa, cục tẩy thì hiện nay có hàng trăm dạng ngụy trang khác mà giám thị các kỳ thi rất khó phát hiện.
Việc mua bán thiết bị công nghệ phục vụ cho mục đích gian lận trong thi cử đang là vấn đề đặc biệt được dư luận quan tâm, nhất là ở kỳ thi THPT đang diễn ra…
Pháp luật nghiêm trị hành vi sai phạm
Nêu quan điểm về vụ việc, theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Kim Quyên, giảng viên trường Đại học Văn Lang: Đối với hành vi sử dụng thẻ CCCD giả để đi thi hộ, nếu người đó tự mình làm giả CCCD thì phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Trong trường hợp mua CCCD của người khác thì phạm tội sử dụng tài liệu giả cơ quan, tổ chức.
Việc sử dụng thẻ CCCD giả để đi thi hộ có thể bị xem xét về tội sử dụng tài liệu giấy tờ giả để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà hành vi vi phạm ở đây là gian lận trong thi cử.
“Ngoài ra, cả hai trường hợp này đều có thể bị xử lý hình sự theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả cơ quan, tổ chức. Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm”, luật sư Nguyễn Thị Kim Quyên cho biết.
Bên cạnh đó, thí sinh thuê người đi thi hộ hoặc đi thi hộ cũng sẽ bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập một năm đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai theo Điều 20, Thông tư 8/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Còn theo luật sư Lê Minh Trường (Luatminhkhue), học hộ, thi hộ là hành vi trái đạo đức xã hội. Căn cứ pháp luật Việt Nam hiện hành, thi hộ, nhờ người khác thi hộ có thể bị phạt đến 16 triệu đồng, bị truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ vào mức độ.
Người nào có hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hay nhờ người khác làm bài hộ, thi thay, thi kèm thì bị phạt tiền mức cao nhất từ 14 - 16 triệu đồng theo Điều 14 Nghị định 4/2021 quy định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về thi.
Thắt chặt an ninh vòng ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 |
Đồng thời, điểm b, khoản 3, Điều 3, Nghị định 04/2021 quy định: Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại khoản 5 Điều 9, khoản 2 Điều 11, khoản 1 và các điểm a, b, c, d, e khoản 3 Điều 14, điểm b khoản 3 Điều 21, khoản 1 Điều 23, khoản 1 Điều 29 của Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân.
Cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng một phần hai mức phạt tiền đối với tổ chức.
Đối chiếu với các văn bản pháp luật, luật sư Phạm Hải Long thông tin, gian lận trong thi cử là hành vi gian dối trong hoạt động thi cử và được thể hiện qua các hành vi như mang tài liệu, vật dụng không được phép mang vào phòng thi, làm bài hộ hoặc trợ giúp thí sinh, đánh tráo bài thi, sửa điểm, chấm thi sai.
Đây là điều hiển nhiên mà có lẽ ai cũng biết. Tuy nhiên vì những lợi ích trước mắt, nhiều người đã cố tình vi phạm mà không lường được những hậu quả phải gánh chịu. Việc sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận trong thi cử là vi phạm quy chế thi. Những trường hợp này khi bị phát hiện trong phòng thi, dù có sử dụng hay không thì đều bị xử lý nghiêm theo quy định.
Người thực hiện hành vi gian lận trong thi cử có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gian lận trong thi cử với các tội danh như: Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm (Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015).