Tin tức trong ngày 8/6: Giải thể, sắp xếp lại 12 quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách
Giải thể, sắp xếp lại 12 quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách
Mới đây, tại báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, Bộ Tài chính đã cho biết về tình hình quản lý các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách. Theo đó, thời gian qua, các Bộ, cơ quan Trung ương đã chủ động rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ thuộc phạm vi quản lý; Xây dựng lộ trình cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể các quỹ hoạt động kém hiệu quả.
Tính đến cuối năm 2020, có 24 quỹ đang hoạt động, do 15 Bộ, cơ quan ở Trung ương quản lý.
Các Bộ, cơ quan Trung ương đã chủ động rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ thuộc phạm vi quản lý; Xây dựng lộ trình cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể các quỹ hoạt động kém hiệu quả |
Về tình hình hoạt động, có 4 quỹ có nhiệm vụ chi trùng với ngân sách Nhà nước là: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Quỹ Bảo hộ công dân và Pháp nhân ở nước ngoài.
2 quỹ hoạt động gần như phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước cấp, không có nguồn thu khác là Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.
Có 3 quỹ hoạt động chưa hiệu quả là Quỹ Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam nguồn thu thấp, không hoạt động độc lập mà phải phối hợp với Cơ quan thường trực hoặc Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ. Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS nguồn thu không đáng kể, gần như không có hoạt động. Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích số thu hàng năm lớn nhưng giải ngân chậm.
Bên cạnh đó, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương gặp khó khăn trong vận động nguồn thu. Mô hình hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam không phù hợp với thực tế, gây vướng mắc, khó khăn trong thực hiện.
Quỹ Quốc gia về việc làm không có tổ chức bộ máy, kế toán và cơ chế hoạt động giống như một nguồn vốn cho vay quay vòng do Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý, thực hiện cho vay theo các quy định của Nhà nước.
Không giao dự án mới cho chủ đầu tư chậm quyết toán
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu đẩy nhanh quyết toán dự án hoàn thành; Trong đó, xem xét không giao dự án mới cho các chủ đầu tư chậm quyết toán.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, thời gian qua, việc quyết toán dự án hoàn thành đã đi vào nền nếp và hoàn thành khối lượng lớn dự án. Tuy nhiên, đến nay còn một số dự án chưa được quyết toán dứt điểm, nhất là các dự án ODA, BOT và quyết toán giải phóng mặt bằng tại các địa phương.
Bên cạnh đó, việc xử lý, chấp hành kết luận, kiến nghị của thanh tra, kiểm toán nhà nước còn chậm. Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số chủ đầu tư, nhà đầu tư, Ban quản lý dự án chưa quan tâm rà soát, hoàn tất các thủ tục theo đúng quy định quản lý đầu tư xây dựng.
Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng, vẫn còn một số dự án sử dụng vốn nước ngoài chưa duyệt phần bổ sung, phát sinh hạng mục, chưa ghi thu, ghi chi phần vốn vay xác định chênh lệch tỷ giá và chưa điều chỉnh tổng mức đầu tư vượt, chưa có hồ sơ quyết toán theo quy định. Một số dự án BOT chưa trình quyết toán toàn bộ, hoặc đã trình nhưng chưa đầy đủ thủ tục nên chưa đủ điều kiện thỏa thuận quyết toán.
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu xem xét không giao dự án mới cho các chủ đầu tư chậm quyết toán |
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chủ đầu tư, nhà đầu tư, Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chậm trình quyết toán, chậm hoàn tất các thủ tục quản lý đầu tư, hồ sơ quyết toán không đảm bảo theo quy định dẫn đến không được thỏa thuận, phê duyệt quyết toán
“Các đơn vị cần tăng cường nhân lực, tập trung cho quyết toán dự án hoàn thành; xử lý dứt điểm vướng mắc tồn tại, lập trình quyết toán toàn bộ dự án theo đúng quy định; xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý có tồn tại về công tác quyết toán. Đồng thời, phối hợp, đôn đốc các địa phương khẩn trương phê duyệt quyết toán tiểu dự án giải phóng mặt bằng theo thẩm quyền", Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo.
Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đưa nội dung quyết toán vào hợp đồng trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng theo quy định. Từ đó, có căn cứ xử phạt nhà thầu vi phạm quy định về nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành, quyết toán công trình theo quy định của hợp đồng; đề xuất xử phạt các hành vi vi phạm về quyết toán theo quy định.
“Thủ trưởng các cơ quan chủ đầu tư, Ban quản lý dự án thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng khi để xảy ra tồn tại về quyết toán", Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.
Đối với việc giao dự án đầu tư mới cho chủ đầu tư, Vụ Kế hoạch đầu tư báo cáo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải xem xét không giao dự án mới cho chủ đầu tư, Ban quản lý dự án không khắc phục được việc nộp báo cáo quyết toán chậm từ 24 tháng. Đồng thời, không bố trí kế hoạch vốn cho dự án nếu không khắc phục được nộp báo cáo quyết toán chậm từ 12 tháng.