Tin tức trong ngày 6/4: Bác bỏ đề xuất dùng vỉa hè các tuyến phố lớn để kinh doanh
Bác bỏ đề xuất dùng vỉa hè 5 tuyến phố lớn để kinh doanh
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội về Đề án sử dụng tạm thời vỉa hè một số tuyến phố để phát triển kinh tế đô thị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Theo đề án của UBND quận Hoàn Kiếm, quận đề xuất thí điểm sử dụng vỉa hè 5 tuyến phố để tổ chức kinh doanh gồm: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phùng Hưng (đoạn từ Lê Văn Linh đến Hàng Vải, Nguyễn Quang Bích đến nhà vệ sinh công cộng gần Cửa Đông), Lê Phụng Hiểu. Thời gian hoạt động từ 6h hôm trước đến 2h sáng hôm sau, riêng phố Phùng Hưng từ 6h đến 22h.
Quận Hoàn Kiếm đề xuất được sử dụng vỉa hè 5 tuyến phố lớn để tổ chức kinh doanh |
Tại văn bản báo cáo UBND thành phố Hà Nội, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, đề án do UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là quy định về việc sử dụng hè phố không vào mục đích giao thông. Các tuyến phố nói trên là trục chính giao thông của khu vực, lưu lượng phương tiện giao thông lớn, nhất là vào khung giờ cao điểm. Việc tổ chức kinh doanh buôn bán trên vỉa hè sẽ làm xảy ra hiện tượng các phương tiện dừng đỗ trái quy định, dẫn đến nguy cơ gây ùn tắc giao thông tại khu vực này và ảnh hưởng tới các khu vực lân cận.
Mặt khác, việc cấp phép sử dụng hè phố để kinh doanh, buôn bán gây bất bình đẳng giữa các hộ dân kinh doanh được cấp phép và hộ kinh doanh trong nhà; Tranh chấp giữa các hộ trong cùng một số nhà có nhiều hộ sinh sống.
Sở kiến nghị UBND thành phố chỉ xem xét chủ trương giải quyết đơn lẻ việc sử dụng tạm thời hè phố với những trường hợp đủ điều kiện phần hè nằm trong khuôn viên tòa nhà, có diện tích hạn chế như đã thực hiện tại vỉa hè trước khách sạn Metropole và tại số 94 Lý Thường Kiệt.
Dừng thu phí BOT nếu chủ đầu tư không sửa đường hư hỏng
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu các cục quản lý đường bộ, sở Giao thông vận tải, nhà đầu tư BOT và Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tăng cường quản lý, bảo trì các tuyến đường bộ, đường cao tốc.
Cạnh đó, các đơn vị này chỉ đạo nhà thầu tăng cường thực hiện bảo dưỡng thường xuyên, kịp thời sửa chữa hư hỏng nhỏ trên đường, đặc biệt là công tác tuần đường, tuần kiểm, vá ổ gà.
Ảnh minh họa |
Đối với các dự án BOT đang tạm dừng thu phí nhưng chưa bàn giao cho nhà nước, Tổng cục Đường bộ khẳng định, theo quy định của pháp luật và hợp đồng BOT, nhà đầu tư án vẫn có trách nhiệm bảo trì cho đến khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao công trình cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Với các dự án BOT đang thu phí, nếu chủ đầu tư để hư hỏng đường, gây mất an toàn giao thông mà không sửa chữa, các cục quản lý đường bộ cần báo cáo về tổng cục để tạm dừng thu phí”- Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo.
Không thu hồi bằng tốt nghiệp của 125 học viên Trường CĐ Y tế Hà Tĩnh
Ông Trần Xuân Hoan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng (CĐ) Y tế Hà Tĩnh cho biết, kết quả thi và bằng tốt nghiệp của 125 học viên 2 ngành Dược và Hộ sinh trình độ CĐ đào tạo liên thông theo chương trình liên kết đào tạo với Trường Trung cấp Y tế Quảng Bình (nay là Trường CĐ Y tế Quảng Bình) chính thức được công nhận.
Theo đó, sau khi đối chiếu nội dung chương trình đào tạo giữa Bộ Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) và Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) về cơ bản là tương đương nhau… nên Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp công nhận kết quả học tập, kết quả thi, kiểm tra, xét công nhận tốt nghiệp và không thu hồi bằng tốt nghiệp của 125 học viên nói trên để đảm bảo quyền lợi cho người học.
Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh |
Trước đây Trường CĐ Y tế Hà Tĩnh là cơ sở đào tạo thuộc sự quản lý của Bộ GD-ĐT nhưng cuối năm 2016 thì có quyết định chuyển giao về Bộ LĐ-TB&XH quản lý. Việc chuyển giao hoàn tất vào tháng 4/2017. Trong khi đó, Trường CĐ Y tế Hà Tĩnh và Trường Trung cấp Y tế Quảng Bình đã thực hiện xong các thủ tục, hồ sơ liên kết theo đúng quy định trước lúc chuyển giao, để đào tạo liên thông khóa 2017-2019 cho 125 học viên hệ vừa học vừa làm của Quảng Bình, ở thời điểm trường đang thuộc quản lý của Bộ GD-ĐT. Đến giữa năm 2019, các học viên này hoàn thành chương trình đào tạo và được cấp bằng tốt nghiệp.
Tuy nhiên, khi Bộ LĐ-TB&XH tổ chức thanh tra, đối chiếu với các quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp có một số điểm chưa phù hợp với quy định mới của Bộ LĐTB-XH nên đề nghị thu hồi bằng tốt nghiệp của 125 học viên nói trên.
Đến ngày 21/8/2020, Trường CĐ Y tế Hà Tĩnh ra quyết định thu hồi bằng tốt nghiệp, bảng điểm và hủy bỏ kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp đối với 125 học viên nói trên với lý do tuyển sinh đào tạo chưa theo đúng quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Sự việc khiến các học viên rất hoang mang, lo lắng và tỏ ra nghi ngại về tính pháp lý trong quy trình liên kết đào tạo.