Tin tức trong ngày 21/9: Hà Nội yêu cầu công bố đường dây nóng "tố" lạm thu đầu năm học
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phòng, chống dịch Covid-19 trong các trường học "Điệp khúc" lạm thu đầu năm học: Phụ huynh cũng có lỗi |
Hà Nội yêu cầu công bố đường dây nóng "tố" lạm thu tại các trường học
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa có công văn gửi các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã, các trường trực thuộc về việc triển khai công tác kiểm tra đầu năm học 2020-2021.
Theo đó, Sở này yêu cầu các phòng GD&ĐT tập trung kiểm tra hai nội dung gồm: Tổ chức thu chi năm học 2020-2021 và việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn trường học. Các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác thu, chi, tuyệt đối không để xảy ra sai phạm.
Hà Nội yêu cầu các Phòng GD&ĐT công khai số điện thoại đường dây nóng, cử cán bộ thường trực tiếp nhận thông tin phản ánh tiêu cực tại địa phương; Đồng thời tổ chức kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm và xử lý nghiêm. Phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm trước UBND quận, huyện, thị xã và Sở GD&ĐT về công tác quản lý giáo dục trên địa bàn.
Sở GD&ĐT cũng sẽ kiểm tra một số đơn vị khi có thông tin phản ánh.
Ngoài ra, Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị quan tâm kiểm tra việc thực hiện các quy định về chương trình, sách giáo khoa, hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Trong đó chú ý đến việc tổ chức trang bị, quản lý và sử dụng sách giáo khoa, tài liệu tham khảo trong trường tiểu học. Các đơn vị, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo.
Thêm một Trung tâm Kỹ thuật cao điều trị các bệnh tiêu hóa, ung thư và vô sinh
Bệnh viện Đa khoa Hà Nội vừa ra mắt hệ thống Trung tâm Kỹ thuật cao điều trị các bệnh về tiêu hóa, ung thư và vô sinh.
Hà Nội có thêm Trung tâm Kỹ thuật cao điều trị các bệnh tiêu hóa, ung thư và vô sinh |
Trung tâm này gồm các tổ hợp: Trung tâm Vú kỹ thuật cao Mammocare, Trung tâm Chẩn đoán và can thiệp tiêu hóa - gan - mật, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - IVF.
Tại khu vực miền Bắc, Trung tâm Vú kỹ thuật cao Mammocare sở hữu hệ thống máy X-Quang vú 3D Mammography và siêu âm vú 3D Acuson A2000 giúp tầm soát ung thư vú với quy trình khép kín, khoa học, cho kết quả chính xác cao. Đây là công nghệ hiện đại hiện nay và chỉ phổ biến tại các quốc gia đi đầu trong ngành Y tế như: Đức, Mỹ, Nhật Bản...
Còn Trung tâm Chẩn đoán và can thiệp tiêu hóa - gan - mật với hệ thống nội soi có độ phân giải 4K và là hệ thống hiện đại nhất trên thế giới hiện nay giúp chẩn đoán ung thư sớm dựa trên những biến đổi nhỏ nhất của niêm mạc, cấu trúc mô và mạch máu trên bề mặt.
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - IVF với việc trang bị máy đo VOC, các thiết bị kiểm soát nhiệt độ, hệ thống kính ICSI, hệ thống tủ nuôi cấy hiện đại... giúp bảo đảm điều kiện tốt nhất cho sự phát triển phôi trong thụ tinh ống nghiệm, nhờ đó giúp tăng tỷ lệ đậu thai.
Sự ra đời của hệ thống các trung tâm kỹ thuật cao sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong điều trị các bệnh lý phức tạp như vô sinh - hiếm muộn, ung thư, bệnh về đường tiêu hóa..., góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Tuyến metro số 5 có thể khởi công năm 2022
UBND Hà Nội vừa có kiến nghị Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án metro số 5 tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.
Tuyến metro số 5 có tổng chiều dài gần 40 km, với 6,5 km đi ngầm, qua địa bàn các quận: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và các huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Tuyến có thể sử dụng đến 40 đoàn tàu dài 4-6 toa, vận tốc thiết kế 120 km/h và 90 km/h đối với các đoạn đi ngầm, thời gian chờ tàu vào khoảng 3 phút.
Tuyến có 21 ga (6 ga ngầm, 14 mặt đất, 1 ga trên cao) và 2 điểm depot tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức và tại xã Yên Bình, Thạch Thất. Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ được khởi công vào năm 2022 và đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026.
Theo tờ trình, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 65.400 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 24.800 tỷ đồng, chi phí thiết bị khoảng 16.600 tỷ đồng. Dự án sẽ sử dụng: Ngân sách thành phố, dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng; nguồn cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (18.000-20.000 tỷ đồng); vốn phát hành trái phiếu, vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
Hà Nội cũng mong muốn Thủ tướng cho phép đầu tư công trình bằng nguồn vốn ngân sách thành phố và áp dụng thí điểm thực hiện theo hình thức đối tác thực hiện dự án PDP (học tập theo mô hình của Malaysia).