Tin tức trong ngày 18/11: Chưa thể cấp giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 toàn quốc
Chưa thể cấp giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 trên toàn quốc
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã kiểm tra việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến xây dựng chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính của Bộ Y tế.
Thông tin đáng lưu ý, về nhiệm vụ xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu kết quả khám sức khỏe của người lái xe với Bộ Giao thông Vận tải để thực hiện cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, một số hạng mục chính đã được thực hiện.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Đề án triển khai thí điểm xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe của người lái xe với Bộ Giao thông Vận tải theo lộ trình thực hiện dịch vụ cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam.
Việc tổ chức tập huấn và triển khai liên thông dữ liệu khám sức khỏe của người lái xe tại các cơ sở thí điểm của thành phố Hà Nội (3 cơ sở) và tại tỉnh Hà Nam (8 cơ sở) đã triển khai. Tính đến ngày 31/10/2020, tổng số cấp giấy khám sức khỏe lái xe và liên thông lên cơ sở dữ liệu quốc gia là 7.342 phiếu.
Chưa thể cấp giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 trên toàn quốc vào đầu năm 2021 |
Tuy nhiên, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe lái xe chưa rõ, chưa kể kinh phí triển khai chưa được Bộ Tài chính cấp dù Bộ Y tế đã gửi Bộ Tài chính 2 công văn đề nghị bố trí kinh phí. Do vậy, theo Bộ Y tế, thực hiện cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 triển khai trên toàn quốc vào đầu năm 2021 là không thực hiện được như yêu cầu.
Xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân không thực hiện công tác phòng dịch Covid-19
Ngày 17/11, đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 số 3 của thành phố Hà Nội do PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, để tăng cường công tác phòng dịch Covid-19 tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn, toàn huyện đã thành lập được 1.105 tổ giám sát và tuyên truyền, mỗi tổ gồm từ 2-3 người là nhân viên y tế, các đoàn thể, tình nguyện viên. Mỗi tổ phụ trách từ 50-60 hộ gia đình đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để tuyên truyền và giám sát về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, 3 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của huyện tiến hành kiểm tra công tác an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Kết quả, kiểm tra được tổng số 42 cơ sở, xử phạt 3 cơ sở với số tiền 4 triệu đồng. Ngoài ra, các đoàn kiểm tra 127 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân ngoài công lập về công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã xử phạt 5 cơ sở với số tiền 7,5 triệu đồng, đồng thời nhắc nhở 122 cơ sở chưa thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Trực tiếp kiểm tra Trung đoàn 59, Sư đoàn 301, Bộ Tư lệnh Thủ đô đóng quân trên địa bàn huyện đang thực hiện cách ly cho 103 công dân Việt Nam từ Singapore về nước, đoàn kiểm tra số 3 ghi nhận, tại đây đã tuân thủ các quy định về cách ly phòng dịch theo yêu cầu. Ngoài ra, qua kiểm tra, Công ty TNHH K+K Fashion cũng đã tuân thủ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại đơn vị và bảo đảm các biện pháp bảo hộ an toàn cho người lao động.
Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 số 3 của thành phố Hà Nội |
Để chủ động trong công tác phòng dịch cho mùa đông - xuân tới, tất cả các đơn vị từ bệnh viện, trường học, cơ quan, xí nghiệp... đều phải sẵn sàng phương án phòng, chống dịch. Cùng với đó, huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân không thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tạm cấp kinh phí hỗ trợ khẩn cấp 3 tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm cấp 80 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 bổ sung kinh phí cho 3 địa phương gồm: Quảng Nam 20 tỷ đồng (để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn huyện Tây Giang), Thừa Thiên - Huế 20 tỷ đồng (để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn huyện Phong Điền), Quảng Trị 40 tỷ đồng (để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn huyện Hướng Hóa và huyện Đắk Krông).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh: Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để phân bổ, quản lý sử dụng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ cùng với nguồn ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, thực hiện các cơ chế, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời, đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng chế độ quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các văn bản pháp luật có liên quan; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách, sử dụng sai mục đích, tham nhũng, lãng phí.
Kết thúc đợt mưa lũ, UBND các tỉnh: Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị kiểm tra, đánh giá, tổng hợp số liệu thiệt hại do thiên tai; kết quả thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, các cơ chế, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai, gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ chính thức từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng địa phương theo quy định tại Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai và Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg ngày 27/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.