Tiểu thương vui mừng kinh doanh trở lại, nỗ lực phục hồi kinh tế những tháng cuối năm
TP HCM: Nghiên cứu cho tiểu thương chợ truyền thống bán luân phiên Tiểu thương đồng loạt mặc áo cờ đỏ sao vàng, chủ động phòng dịch Covid-19 |
Vui mừng nhưng không quên phòng chống dịch
Biết tin Hà Nội nới lỏng thêm một số loại hình kinh doanh, dịch vụ, trong đó cho phép mở cửa trở lại cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm từ ngày 28/9, chị Trần Thu Hà, chủ cửa hàng thời trang trẻ em xuất khẩu trên phố Sài Đồng, quận Long Biên, phấn khởi: "Tôi mở cửa hàng chưa được nửa tháng thì thành phố thực hiện giãn cách xã hội.
Hôm qua, tôi đã phải đăng thanh lý lỗ hàng hè trên mạng xã hội và cũng tính đến phương án trả mặt bằng để bán hàng online hoặc tìm việc khác để làm thêm. Đến tối biết tin Hà Nội nới lỏng, cho phép cửa hàng thời trang mở cửa, tôi mừng quá”.
Chủ các cửa hàng kinh doanh thời trang vui mừng khi được mở cửa trở lại |
Đồng quan điểm, chị Thúy, chủ cửa hàng thời trang nữ ở Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, cho biết: “Hơn 2 tháng đóng cửa, với giá thuê mặt bằng gần chục triệu đồng mỗi tháng, nếu phải đóng cửa lâu hơn nữa, chúng tôi không thể trụ nổi. Nguồn thu nhập không có, mấy tháng nay gia đình đều phải chi tiêu từ tiền tích lũy. Giờ được mở cửa rồi, tôi hy vọng từ nay đến cuối năm việc kinh doanh sẽ thuận lợi, để gỡ lại những tổn thất kinh tế những tháng qua”.
Không chỉ có các cửa hàng kinh doanh thời trang, may mặc phấn khởi được mở cửa trong đợt này mà ngay cả các cửa hàng kinh doanh hóa mỹ phẩm cũng rất vui mừng vì được mở cửa trở lại.
“May quá được mở cửa trở lại rồi. Nếu thành phố vẫn kéo dài thêm việc dừng hoạt động cửa hàng thì chúng tôi buộc phải trả mặt bằng và ngừng kinh doanh. Chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm, mong là tình hình dịch không có thêm diễn biến xấu nào, để người dân như chúng tôi yên tâm phát triển công việc kinh doanh”, chị Doãn Thu Hiền, chủ cửa hàng mỹ phẩm thiên nhiên Hiền Cosmetic cho hay.
Tại Trung tâm thương mại Aeonmall Long Biên, người dân phấn khởi đến mua sắm. Khi đến đây, tất cả người dân đều phải được đo thân nhiệt từ khu vực ngoài cửa và luôn có nhân viên trung tâm thương mại hướng dẫn người dân khai báo y tế bằng mã QR.
Tất các gian hàng được vệ sinh thường xuyên các bề mặt tiếp xúc; Yêu cầu toàn bộ nhân viên và khách hàng đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt tại cửa ra vào. Nhân viên các cửa hàng đều thông báo cho khách đến phải giãn cách an toàn ít nhất 2m khi mua sắm và thanh toán.
Sau hai tháng giãn cách xã hội, người dân rất phấn khởi khi thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh. Các tiểu thương đều cho rằng, việc thành phố nới lỏng thêm các hoạt động kinh doanh vào thời điểm này là hợp lý. Bởi hiện tại mọi người đã ý thức hơn trong việc phòng, chống dịch Covid-19 và dịch trên địa bàn Hà Nội cũng bắt đầu được kiểm soát tốt hơn.
Tuân thủ nghiêm các quy định, bảo vệ thành quả phòng chống dịch
Sau nỗ lực kiểm soát dịch của chính quyền thành phố cũng như sự đồng lòng của người dân Thủ đô, dịch Covid-19 đã phần nào được đẩy lùi. Đây là cơ sở để Hà Nội thực hiện nới lỏng thêm một số hoạt động nhưng người dân không vì thế mà được phép chủ quan.
Hầu hết các tiểu thương đều hiểu rằng, niềm vui mở cửa lần này có trọn vẹn, lâu dài hay không có phần rất quan trọng phụ thuộc vào chính sự tự giác, chủ động chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là nguyên tắc 5K, quét mã QR của mỗi người dân và tiểu thương, để bảo vệ tốt thành quả chống dịch.
Người dân đến mua sắm tại trung tâm thương mại Aeonmall Long Biên đều phải đo thân nhiệt từ khu vực ngoài cửa |
Ngay từ sáng sớm 28/9, vợ chồng anh Lợi (Cầu Giấy, Hà Nội) phấn khởi, dọn dẹp, vệ sinh, chuẩn bị mở cửa hàng quần áo nam trở lại. Không như những lần trước đây chỉ chuẩn bị nước sát khuẩn tay và đo thân nhiệt, lần mở cửa trở lại này, vợ chồng anh đã dán thêm mã QR trước cửa hàng để khách đến khai báo, theo đúng quy định.
“Tối qua, vợ chồng tôi đã đọc kỹ quy định của thành phố để chuẩn bị đầy đủ các vật dụng phòng chống dịch cần thiết. Tôi đã phải đóng cửa hàng 2 tháng, không có thu nhập nên cuộc sống rất chật vật. Thành phố cho mở lại thế này tôi rất phấn khởi. Để an toàn và được mở lâu dài, vợ chồng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của thành phố”, anh Lợi chia sẻ.
Mặc dù nới lỏng nhưng thành phố vẫn khuyến cáo người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người dân thực hiện nghiêm quy định 5K, bắt buộc quét mã QR và các biện pháp phòng, chống dịch của Bộ Y tế và thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã được giao tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm và chấp hành các quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Trong đó có việc thực hiện khai báo y tế thường xuyên, cài đặt và quét mã QR tại các cơ sở dịch vụ, kinh doanh, các đơn vị trên địa bàn; Xử lý nghiêm các trường vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Hà Nội đang từng bước khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội ở trạng thái bình thường mới. Trong giai đoạn đầu tiên, từ ngày 21 đến 30/9, các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định được mở cửa hoạt động trở lại với 50% công suất và phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang về và đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày. Các chợ chỉ kinh doanh mặt hàng thiết yếu, đảm bảo tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K; 100% người ra vào chợ phải quét mã QR; giữ khoảng cách 2m.
Theo dự kiến, tới giai đoạn 2, nếu tình hình dịch được khống chế hoàn toàn, từ đầu tháng 10/2021, một số quận huyện sẽ chuyển sang trạng thái bình thường mới với việc cho phép các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn quận được hoạt động 100% công suất và phải chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh.