Thường trực Thành ủy sẽ làm việc với các quận, huyện có chung nội dung cần chỉ đạo, tháo gỡ
Sáng 28/11, tại Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, các đại biểu đã nghe và thảo luận vào dự thảo tờ trình về Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy khóa XVII (nhiệm kỳ 2020-2025); Dự thảo tờ trình xây dựng Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và “Báo cáo kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến điều hành thảo luận |
Thảo luận tại hội trường, các ý kiến cơ bản thống nhất với báo cáo kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2020; Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.
Đại biểu đánh giá, năm 2020 là năm cuối hoàn thành các chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ, năm diễn ra nhiều ngày lễ kỷ niệm lớn, năm xảy ra dịch bệnh Covid-19… Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường trực Thành ủy, Thành ủy trong thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Kinh tế - xã hội Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, được cán bộ đảng viên, Nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Song song với đó, TP Hà Nội đã triển khai các nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Các giải pháp thu ngân sách Nhà nước, vấn đề giải ngân, xây dựng Nông thôn mới, vấn đề “nóng” của Thủ đô… đều được lãnh đạo Thường trực Thành ủy, Thành ủy quan tâm, chỉ đạo rất hiệu quả và quyết liệt, thể hiện qua các con số trong báo cáo kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp từ Đảng bộ thành phố tới cơ sở được chuẩn bị chu đáo, bài bản, đúng quy định. Đồng chí Bí thư Thành ủy đã trực tiếp làm việc với các quận, huyện, lắng nghe ý kiến cử tri phản ánh.
Những vướng mắc, khó khăn được đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp chỉ đạo giải quyết ngay, điều này thể hiện sự sâu sát toàn diện, gắn kết với Nhân dân cũng như tạo điều kiện để thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị.
Cho ý kiến vào các văn bản, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Lê Ngọc Anh đánh giá: Dự thảo tờ trình quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ TP, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy khóa XVII đã được soạn thảo cụ thể, chi tiết; Đặc biệt có sự đổi mới trong việc đưa vào quy chế chức năng, quyền hạn của Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách Đảng bộ cơ sở.
Bí thư Quận ủy Thanh Xuân phát biểu thảo luận |
Đánh giá nội dung dự thảo chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII được xây dựng khá toàn diện, tuy nhiên, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên cho rằng, cần bổ sung nội dung về tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thu hút phát triển khu công nghiệp tại khu vực phía Nam thành phố; Trong đó có việc đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch phân khu của Phú Xuyên trong thời gian tới để tạo điều kiện cho huyện trong việc kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế xã hội; Đồng thời có cơ chế đặc thù cho trục phía Nam, đảm bảo cho sự phát triển đồng đều trên toàn thành phố.
Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên cũng góp ý, đưa vào chương trình toàn khóa kế hoạch phát triển, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Cho ý kiến vào công tác xây dựng Đảng, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên nêu thực trạng, tỷ lệ kết nạp Đảng viên mới tại các khu vực nông thôn, tại các làng nghề và ngoài khu vực Nhà nước… chưa đạt yêu cầu đề ra. Trên thực tế, việc phát triển Đảng ở khu vực này trên địa bàn huyện đang gặp khó khăn do tình trạng già hóa Đảng viên, đảng viên trẻ bỏ sinh hoạt đảng, thanh niên đi làm ăn xa…
Ông Lê Ngọc Anh, kiến nghị Thành ủy quan tâm xem xét khắc phục sớm trong vấn đề này; Cùng với đó, quan tâm, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện đề án 21 của Thành ủy Hà Nội về sáp nhập thôn, tổ dân phố, bởi hiện tại huyện Phú Xuyên đang gặp một số vấn đề khó khăn như sáp nhập các xã, thôn gây dôi dư nhiều, một số xã có địa bàn rộng, có thôn lại là tôn giáo toàn dòng…
Góp ý về quy chế làm việc, ông Nguyễn Xuân Lưu, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân kiến nghị cho các quận, huyện được tham dự buổi làm việc của Thường trực Thành ủy với các đơn vị, vì theo ông Lưu, các quận, huyện đều có tính tương đồng trong triển khai nhiệm vụ.
Các ý kiến cũng yêu cầu về tăng cường vai trò của Thường trực Thành ủy, Thường vụ phụ trách Đảng bộ trực thuộc; Đề xuất 10 chương trình công tác toàn khóa sớm đưa vào thực hiện trong quý I/2021; Đẩy nhanh việc thực hiện Đề án 21 của Thành ủy…
Kết luận phiên thảo luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo các tờ trình, Thường vụ Thành ủy đã nhận được góp ý của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khóa XVI Ngô Thị Thanh Hằng và đã tiếp thu, sửa đổi, hoàn thiện trước khi đưa ra thảo luận tại hội nghị. Thành ủy sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến của đại biểu để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, đảm bảo khi đưa vào thực hiện đạt hiệu quả.
Với ý kiến đề xuất được tham dự các buổi làm việc của Thường trực Thành ủy với các quận, huyện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Thường trực Thành ủy đã có kế hoạch làm việc với các quân, huyện có chung nội dung cần chỉ đạo,tháo gỡ; cụ thể tới đây Thường trực sẽ làm việc với 5 huyện đang trên đường phát triển lên quận.