Thường Tín: Cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án CCN làng nghề xã Văn Tự
Bài liên quan
Huyện Thường Tín: Hàng loạt công trình xây dựng “vô tư” sai phạm
Tại xã Tiền Phong (Thường Tín): Rác thải “bủa vây” sông Nhuệ
Theo tìm hiểu của PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ngày 30/5/2011, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 2417/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp làng nghệ xã Văn Tự, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội.
Đến ngày 31/10/2016, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 5995/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, giao cho Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Hoàng Tín thực hiện đầu tư xây dựng dự án Cụm công nghiệp làng nghề xã Văn Tự tại thôn Nguyên Hanh rộng 73.683 m2.
Rất đông người dân tập trung tại khu vực cưỡng chế. |
Điều đáng nói, tại khu đất thực hiện dự án Cụm công nghiệp làng nghề xã Văn Tự có cả đất nông nghiệp của người dân và đất của nhiều hộ dân đang sử dụng có các công trình, nhà xưởng phục vụ kinh doanh tại một số vị trí ven đường QL 1A (cũ) và khu vực giáp ranh xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên).
Để phục vụ dự án, UBND huyện Thường Tín đã ban hành quyết định thu hồi đất tới các hộ gia đình đang sử dụng đất nằm trong quy hoạch thực hiện dự án cụm công nghiệp. Tuy nhiên, một số gia đình lại không đồng ý quyết định thu hồi đất nên buộc UBND huyện Thường Tín phải ra quyết định cưỡng chế, điển hình là trường hợp nhà bà Tạ Thị Bính và ông Phạm Văn Mạch tại thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự.
Sáng ngày 04/10/2018, Đoàn tổ chức cưỡng chế do UBND huyện Thường Tín chủ trì, phối hợp với UBND xã Văn Tự đã thực hiện việc cưỡng chế, giải phóng mặt bằng, phá dỡ nhà xưởng trên khu đất nhà bà Tạ Thị Bính đang sử dụng và cưỡng chế lấy mặt bằng thực hiện dự án phần đất nông nghiệp của gia đình ông Phạm Văn Mạch.
Khu vực cưỡng chế phần đất gia đình bà Tạ Thị Bính sử dụng. |
Theo ghi nhận của PV, mặc dù gia đình bà Tạ Thị Bính và ông Phạm Văn Mạch cùng nhiều hộ dân khác ra sức phản đối nhưng lực lượng chức năng huyện Thường Tín vẫn nhất quyết thực hiện việc cưỡng chế, phá dỡ các công trình, nhà xưởng trên đất. Khi người dân phản đối, quay lại hình ảnh cưỡng chế thì bị lực lượng công an ngăn cản, cấm không cho quay, chụp.
Chia sẻ với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Phạm Văn Úy (chồng bà Tạ Thị Bính) cho biết, nguyên nhân gia đình ông không đồng ý việc cưỡng chế thu hồi đất là vì chưa có sự thống nhất phương án thu hồi và bồi thường với cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo ông Úy, khu đất bị cưỡng chế của gia đình ông có số thửa là 250A là đất cá thể chứ không phải đất công lấn chiếm và được sử dụng ổn định từ năm 2004 đến nay. "Gia đình đã xây nhà xưởng, công trình phục vụ kinh doanh chưa hề bị xử phạt nhưng nay bất ngờ bị thu hồi khiến gia đình chúng tôi thiệt hại về kinh tế rất nghiệm trọng", ông Úy cho biết.
Cũng theo ông Úy, khi có quyết định thu hồi đất, gia đình ông không hề được thỏa thuận về phương án bồi thường. "Gia đình chúng tôi đã xây nhiều nhà xưởng làm kinh doanh thì khi thu hồi đất thì cũng phải thỏa thuận về với chúng tôi về phương án thu hồi, bồi thường, khi chúng tôi đồng ý thì mới được giải phóng mặt bằng. Mặc dù vậy, trong khi gia đình chúng tôi không đồng ý và đã có đơn khởi kiện ra tòa nhưng vẫn thực hiện cưỡng chế là không đúng quy định của pháp luật", ông Úy nói thêm.
Lực lượng chức năng huyện Thường Tín tổ chức cưỡng chế giải phóng mặt bằng phần đất nông nghiệp của một số hộ dân. |
Cũng trong sáng 04/10/2018, một trường hợp khác cũng bị cưỡng chế giải phóng mặt bằng là khu đất thuộc phần đất nông nghiệp của gia đình ông Phạm Văn Mạch.
Chia sẻ với PV, ông Phạm Văn Toản (con trai ông Phạm Văn Mạch) cho biết, gia đình ông có đang sử dụng 432 m2 diện tích đất nông nghiệp tại khu vực rộng Mả Xa, thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự bị cưỡng chế do vẫn chưa thống nhất được phương án bồi thường.
"Đất của gia đình chúng tôi được UBND TP. Hà Nội giao theo phương án dồn điền đổi thửa, đến nay vẫn chưa thông nhất được phương án bồi thường nhưng cơ quan quản lý Nhà nước đã thực hiện việc cưỡng chế giải phóng mặt bằng. Gia đình cũng chỉ muốn được bồi thường theo giá đúng quy định Nhà nước'', ông Toản nói.
Trong khi đó, liên quan đến công tác thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, ông Tính - Bí thư Đảng ủy xã Văn Tự cho biết đã thực hiện theo đúng quy trình, quy định của Nhà nước. Về các hồ sơ liên quan đến việc thu hồi đất thì vị này đề nghị liên hệ làm việc với UBND huyện Thường Tín.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.