Chuyển đổi số giúp huyện Thường Tín chuyển mình
Tuổi trẻ huyện Thường Tín giúp dân chống lũ Chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô bằng những hoạt động thiết thực, ý nghĩa |
Tất cả thủ tục giải quyết bằng nhấp chuột
Chiều 11/10 vừa qua, ông Bùi Văn Mạnh đến bộ phận một cửa của UBND xã Vân Tảo để làm thủ tục cấp thẻ bảo hiểm cho đứa con mới 3 tuổi. Trước đây, những thủ tục như vậy thường khá nhiêu khê, làm mất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, với sự trợ giúp của cán bộ bộ phận một cửa, cùng với các ứng dụng công nghệ tại đây, thủ tục cấp thẻ bảo hiểm chỉ khiến anh Mạnh tốn chưa đến 10 phút. Ông Mạnh vui vẻ cho biết: "Thực sự, tôi quá bất ngờ. Không thể tin rằng bây giờ mọi thủ tục hành chính mà người dân cần đều được giải quyết nhanh gọn bằng một cái nhấp chuột".
Người dân huyện Thường Tín tra cứu và thực hiện dịch vụ công trực tuyến |
Thực tế, không chỉ tại xã Vân Tảo, cải cách hành chính (CCHC) còn được huyện Thường Tín quan tâm, triển khai có hiệu quả ở tất cả các đơn vị cấp xã.
"Trong những tháng đầu năm 2024, công tác CCHC và chuyển đổi số trên địa bàn huyện Thường Tín đã có những chuyển biến tích cực", đồng chí Lê Mạnh Cường, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Thường Tín, khẳng định.
Thời gian qua, trên cơ sở chỉ đạo của thành phố, Thường Tín đã tăng cường tuyên truyền về chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chuyển đổi số và Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10.
Người dân càng lúc càng thấu hiểu các giá trị, lợi ích của việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số… gắn với các tiện ích công nghệ số như dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng VNelD, ứng dụng bảo hiểm số VSSI, nộp phí và lệ phí qua Cổng dịch vụ quốc gia, ứng dụng Công dân thủ đô số Ihanoi, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, nộp thuế điện tử...
Tuyên truyền hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeid |
Để triển khai các hoạt động trên môi trường số được thuận lợi, Thường Tín chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin. Kết quả, 100% các cơ quan, đơn vị đã bố trí hệ thống mạng LAN, internet, hệ thống máy tính cho cán bộ, công chức, máy quét (scan).
Đáng chú ý, bộ phận một cửa cấp huyện được đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị phục vụ tổ chức và cá nhân thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính, trang bị máy tra cứu thông tin, hệ thống đánh giá sự hài lòng, máy vi tính, máy in, máy scan phục vụ công dân thực hiện dịch vụ công và Đề án 06.
Nhờ đó, tại Thường Tín, hoạt động tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC được đảm bảo tính chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, với gần 100% tổ chức, công dân được khảo sát đã đánh giá hài lòng cao.
Không những thế, từ ngày 1/6/2024, tại Bộ phận một cửa huyện Thường Tín và các xã, thị trấn đã triển khai thực hiện thanh toán phí, lệ phí thực hiện TTHC không dùng tiền mặt. Miễn phí thực hiện TTHC đối với một số dịch vụ công khi thực hiện qua ứng dụng VneID cho công dân Việt Nam thường trú trên địa bàn huyện, thành phố Hà Nội.
Đồng thời, Công an huyện Thường Tín phối hợp Công an các xã, thị trấn; các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền, tổ chức các đợt cao điểm cấp thẻ Căn cước công dân, thẻ Căn cước cho Nhân dân, học sinh dưới 14 tuổi. Đến nay đã kích hoạt thành công trên 90% tài khoản định danh điện tử mức 1 và mức 2.
Việc kích hoạt thành công đã góp phần đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VneID, tăng tỷ lệ người dân tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Nâng cao chất lượng, đời sống Nhân dân
Khảo sát tại các xã, thị trấn của Thường Tín, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô ghi nhận công tác chuyển đổi số đang tạo ra những đổi thay rõ rệt trong đời sống của người dân.
Thực tế, do đẩy mạnh phát triển xã hội số, hiện nay, 100% các xã, thị trấn trong toàn huyện Thường Tín đã được phủ sóng di động 3G/4G. Mạng truyền dẫn cáp quang tới trung tâm xã đạt 100%; Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng trên 80%; Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh trên 85,5%.
Phiên chợ điện tử giới thiệu sản phẩm xã Tiền Phong, huyện Thường Tín |
Cùng với đó, các đơn vị viễn thông trên địa bàn huyện Thường Tín đã triển khai hỗ trợ cho người dân chưa có điều kiện tiếp cận được các nền tảng số trong đời sống kinh tế, xã hội các thiết bị thông minh góp phần giúp cho việc chuyển đổi công dân truyền thống trở thành công dân số.
Một trong những hiệu quả rõ nét nhất trong xã hội số có thể kể tới là những phiên giao dịch trên không gian mạng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện Thường Tín thời gian vừa qua đã có nhiều đổi mới trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại.
Sản phẩm đạt Ocop 4 sao được gắn Qrcode truy xuất nguồn gốc |
Cụ thể, Thường Tín đã và đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ nông dân trên địa bàn huyện đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện lên sàn thương mại điện tử, gắn mã QR truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm OCOP. Tổ chức phiên chợ điện tử livestream bán hàng sản phẩm làng nghề truyền thống sản phẩm OCOP tại xã Tiền Phong, Hồng Vân…
Để công tác chuyển đổi số đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Thường Tín sẽ tiếp tục triển khai các kênh truyền thông để các cơ quan, đơn vị và tổ chức, doanh nghiệp, người dân tích cực hưởng ứng tham gia chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và cung cấp cho người dân nhiều tiện ích hơn.