Thức tỉnh trách nhiệm, tôn vinh văn hóa giao thông qua tiếng cười sâu sắc và thấm thía
Nâng cao văn hóa giao thông tại Thủ đô |
“Đặc sản” của Nhà hát Tuổi trẻ
Chùm hài kịch “Tốc độ” nằm trong dự án đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 4 nhà hát ở Hà Nội gồm Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát múa rối Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cùng xây dựng tác phẩm về chủ đề an toàn giao thông.
Những cuộc nhậu la đà, hội "bạn thân" thúc ép nhau uống đến say khướt |
Chọn hình thức hài kịch để thể hiện chủ đề này một cách mềm mại và thấm thía, Nhà hát Tuổi trẻ đã chứng minh thế mạnh và “đặc sản” của mình nhiều năm qua ghi dấu ấn trong lòng công chúng. Dưới ngòi bút của “Giáo sư Cù Trọng Xoay” Đinh Tiến Dũng và bàn tay tài tình của đạo diễn Sĩ Tiến cùng sự thể hiện của các nghệ sĩ hài tên tuổi như Đức Khuê, Vân Dung, Thanh Tú, Quang Ánh, Bá Anh, Quỳnh Dương, Như Quỳnh, Mạnh Đạt... khán giả cười đấy mà lại rưng rưng nước mắt.
Chùm hài kịch mang tên “Tốc độ” gồm 4 tiểu phẩm: “Đường tắc mắc duyên”, “Bạn thân”, “Quán ân nhân” và “Sương mù”. Bốn câu chuyện riêng biệt nhưng mang đến gương mặt của giao thông của Việt Nam. Những câu chuyện này ta có thể bắt gặp đó đây trong cuộc sống bởi nó là hiện trạng nhức nhối, quen thuộc của tình trạng giao thông quen thuộc hàng ngày.
Chỉ ít phút sau, một trong số họ đã vào bệnh viện cấp cứu |
“Đường tắc mắc duyên” kể về anh chàng cảnh sát giao thông lần đầu tiên ra mắt bố mẹ người yêu. Anh chàng “dở khóc dở cười” khi bị bố mẹ vợ tương lai “sát hạch” với những tình huống rất oái oăm như đã từng nhận tiền “mãi lộ” bao giờ chưa, khi bố mẹ vợ bị cảnh sát giao thông thì “xin xỏ” đồng đội như thế nào? Vấn đề được mọi người quan tâm này được giải quyết hết sức tế nhị, anh chàng Trung úy Phan Thanh Nam khẳng định dù có một vài trường hợp không tránh được cám dỗ nhưng bản thân anh, anh chưa hề nhận lần nào.
Bởi theo anh, cầm đồng tiền đó rất nhục. Hơn nữa “đời cha ăn mặn đời con khát nước”, không nên đánh đổi tương lai bằng những đồng tiền không trong sạch. Tiểu phẩm cũng khéo léo cài cắm tinh thần, trách nhiệm của người chiến sĩ cảnh sát giao thông với sự hi sinh, vất vả thầm lặng của họ. Bữa cơm ra mắt vừa dọn ra, Phan Thanh Nam phải vội vàng đi thực hiện nhiệm vụ vì một tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn. Điều đó khiến người vợ tương lai xác định “đợi cơm cả đời”.
“Bạn thân” là câu chuyện phổ biến trong đời sống hiện tại. Những người bạn bù khú đàn đúm, mang tiếng là thân nhau nhưng chỉ thân trên bàn nhậu. Biết bạn mình không uống được nhưng vẫn nài ép uống cho bằng được. Lúc bạn bị tai nạn còn kéo nhau đến bệnh viện quậy phá hò hét nhau nhậu tiếp. Với triết lý của những kẻ say, tiểu phẩm này khiến khán giả cười nghiêng ngả như đang chứng kiến những trận nhậu “long trời lở đất”.
Hội "bạn thân" đuổi theo vào tận bệnh viện, nhận nhầm một "bạn nhậu" khác là bạn của mình |
“Quán ân nhân” cũng nói lên tình trạng phổ biến của các đô thị hiện đại, điển hình là Hà Nội. Đó là tình trạng người bán hàng trà đá nước vối lấn chiếm vỉa hè khiến người đi bộ phải lao xuống lòng đường, đi qua dải phân cách gây nên biết bao tai nạn. Những người thiếu văn hóa khi tham gia giao thông còn thể hiện ở chỗ khi gây tai nạn mọi người đều đổ lỗi cho nhau, tranh cãi “mồm năm miệng mười” để đẩy lỗi sang cho người khác chứ không ai chịu nhận trách nhiệm về mình.
“Sương mù” lại mang đến câu chuyện về chàng thanh niên vì muốn chứng tỏ sự nhiệt tình của mình với đối tác, với lãnh đạo mà uống rượu say quá rồi gây tai nạn nhưng lại hèn nhát bỏ trốn. Chín năm anh ở trong tù là 9 năm dằn vặt của bản thân, đêm nằm không thể ngủ được khi hình ảnh người phụ nữ chết dưới bánh xe của mình hiện về. Chín năm đó cũng là 9 năm đầy khó khăn của cả gia đình khi đối mặt với dư luận, với lương tâm. Hành trình trở về hòa nhập với xã hội của anh càng khó khăn hơn khi vấp phải sự trách móc, đổ lỗi của chính người thân. Sự đấu tranh đến cao điểm khi màn sương mù tan đi, mọi người đều nhận ra sự cần phải thay đổi của mình.
Để mỗi chuyến đi đều trọn vẹn niềm vui
Là những câu chuyện đã hết sức quen thuộc trong cuộc sống nhưng với việc viết kịch bản, dàn dựng, biểu diễn công phu, Nhà hát Tuổi trẻ đã một lần nữa khắc họa những vấn nạn nhức nhối về bức tranh giao thông trong cuộc sống. Tiếng cười đả kích càng khiến cho người xem nhớ lâu hơn, thấm thía hơn, không thể làm ngơ trước thực trạng khiến cả xã hội đau đầu.
Bức tranh giao thông hỗn loạn qua cách thể hiện mới mẻ, sinh động |
Trong khi đó, hình thức thể hiện là những bức vách trong suốt khi thì là màn hình trình chiếu những tai nạn kinh hoàng, khi là vách ngăn tiến gần sát khán giả để diễn viên bên trong nhảy múa cho ánh đèn phản chiếu sự hỗn loạn của giao thông, khi thì là dải phân cách, trở thành một “nhân vật” trong tiểu phẩm, lúc lại thể hiện mái nhà lô xô của đô thị cho thấy sự sáng tạo của Nhà hát Tuổi trẻ.
Bên cạnh đó, âm thanh chát chúa, hình ảnh trình chiếu phản ánh những vụ tai nạn thảm khốc đem đến cảm giác sợ hãi, kinh hoàng cho khán giả, để họ thấy như đang đối mặt với sự thật của cuộc sống, để mỗi người từ đó biết kinh sợ và thay đổi.
Nỗi ám ảnh của người gây ra tai nạn giao thông rồi bỏ trốn tác động mạnh mẽ đến cảm xúc người xem |
Điều quan trọng nhất, những tiểu phẩm dù mang đến tiếng cười nhưng đều là những bài học sâu sắc thông qua những tình huống có thật trong cuộc sống được tổng hợp, nén gọn lại trong từng câu chuyện. Chính vì thế, không ít lần khán giả phải lặng đi, thậm chí trào nước mắt.
Những ai đã từng ngồi trên bàn nhậu mà cà khịa, thách thức bạn bè “mày khinh tao nên không chịu uống hết mình”, những ai đã từng uống, uống bất chấp để khi một người trong số họ vừa rời cuộc vui thì vào thẳng bệnh viện. Một trong số đó có thể trở thành tàn phế. Có người thì mãi mãi không còn có mặt trên cõi đời này, bỏ lại người vợ trẻ với đứa con thơ còn ẵm ngửa.
Những lúc ấy, tình bạn thân ở đâu, trách nhiệm với bạn bè ở đâu, niềm vui ở đâu? Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc này? Có còn cơ hội lần hai để cho họ chịu trách nhiệm hay không? Khi mà vào dịp cuối năm này, những cuộc tổng kết, liên hoan sẽ tăng lên, kéo theo đó những trận say sưa và cả những nguy cơ tai nạn giao thông còn đe dọa sự bình yên của mỗi mái nhà, mỗi mạng người.
Hoạt động kinh doanh lấn chiếm vỉa hè góp phần gây nên những vụ tai nạn giao thông mà sau đó người nọ đổ lỗi cho người kia |
Tiểu phẩm “Quán ân nhân” thì còn mang đến triết lý về nhân-quả khi người bán hàng lấn chiếm vỉa hè rồi sau khi “cứu giúp” rất nhiều người bị tai nạn do chính hoạt động kinh doanh trái phép của mình, bà đi xuống lòng đường và phải trả giá bằng tính mạng.
Trong khi đó, mang đến nốt trầm và sự day dứt hơn cả chính là câu chuyện về người gây tai nạn và bỏ trốn. Chính bản thân anh ta phải trả giá nhưng cuộc đời anh và những người thân cũng vì thế mà u ám, nặng nề theo.
Lực lượng chức năng đã làm hết mình với tinh thần, trách nhiệm “phải làm gì chứ không thể cứ đi giải quyết hậu quả thế này”? Câu hỏi đặt ra càng khắc sâu vào tâm khảm khán giả. Dù các chiến sĩ cảnh sát giao thông có cố gắng đến đâu, cải thiện hình ảnh, đem lại niềm tin cho Nhân dân thì cũng không thể mang đến những hành trình an toàn khi mà người dân còn thiếu ý thức, thiếu văn hóa giao thông.
Lực lượng chức năng đã hết sức cố gắng nhưng người dân cũng phải có ý thức, có văn hóa khi tham gia giao thông, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc |
Ba trong 4 tiểu phẩm này đều đề cập đến rượu như một thủ phạm dai dẳng, “trùm cuối” của tất cả các vụ tai nạn đáng tiếc. Vì thế, thông điệp của chùm hài kịch càng trở nên tha thiết hơn, có sức nặng hơn: “Cả thế giới dưới bánh xe của bạn. Hãy ra đường với tâm thế mới để mỗi chuyến đi đều là niềm vui”.
Tin rằng, với sự thể hiện hết sức tâm huyết, tính nghệ thuật và lay động cao Nhà hát Tuổi trẻ sẽ khiến khán giả thức tỉnh trách nhiệm và tự chấn chỉnh lương tâm, không lái xe sau khi uống rượu bia, nâng cao văn hóa khi tham gia giao thông trong suốt các chuyến đi, vì “Nhu cầu di chuyển là vô hạn, đừng để phải dừng lại một cách vô nghĩa”.
Tọa đàm “Cùng học sinh tiểu học bàn về văn hóa giao thông” |
Trường Tiểu học Văn Yên tổ chức tọa đàm "Văn hóa giao thông dưới góc nhìn trẻ thơ" |
Tọa đàm “Văn hóa giao thông dưới góc nhìn trẻ thơ” |