Thúc đẩy thanh toán trực tuyến: Cần tạo niềm tin cho người tiêu dùng
Còn nhiều rào cản thúc đẩy thanh toán trực tuyến
Sau 4 năm triển khai Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, đến nay thanh toán điện tử và hệ sinh thái thanh toán điện tử có những bước phát triển tích cực.
Các diễn giả chia sẻ tại diễn đàn “Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg- Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp” |
Theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) năm 2019, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt. Ở góc độ doanh nghiệp, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam dù đã trở thành nhu cầu tất yếu, nhưng cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Trong khi tiền giấy và tiền polymer được các chuyên gia y tế cảnh báo là một trong những tác nhân gây bệnh và rủi ro cao đối với sức khỏe cộng đồng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Đầu năm 2020, Chính phủ đưa ra nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4, cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được áp dụng nhiều trong các dịch vụ công như: thu thuế điện tử, nộp viện phí, học phí, tiền điện, nước… Ở các kênh tiêu dùng, sàn thương mại điện tử, bán lẻ, dịch vụ khác mới ở bước đầu phát triển và đang có xu hướng tăng.
Số liệu của Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho thấy, thời gian gần đây, số người mua sắm trực tuyến tăng mạnh tăng từ 30,3 triệu người năm 2015 lên 44,8 triệu người năm 2019. Các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất là thời trang, IT và mỹ phẩm. Cụ thể, mua sắm quần áo 24%, hàng cá nhân 21%, hàng điện tử 18%, vé máy bay, xem phim 17%, nội dung online 19%…
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, dù hệ sinh thái thanh toán điện tử có bước phát triển đáng ghi nhận nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng, tỷ lệ sử dụng tiền mặt còn cao. Dù Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nhưng ở một góc độ khác đang khiến chúng ta thay đổi nhanh hơn trong chuyển đổi số, thay đổi chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, chiến lược kênh phân phối...
Chủ tịch VCCI khẳng định, cần có những nỗ lực mới cả ở tầm chính sách và tạo lập hạ tầng để thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp nói riêng.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, dù hệ sinh thái thanh toán điện tử có bước phát triển đáng ghi nhận nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng |
Việt Nam đang trong xu hướng kinh tế toàn cầu với dự đoán trong năm 2020, số người dùng internet sẽ chiếm gần 60% dân số và 33% người tiêu dùng Việt Nam sẽ thanh toán trực tuyến khi mua hàng online.
Mặc dù sàn giao dịch TMĐT có tốc độ tăng nhanh nhưng thanh toán không dùng tiền mặt hiện không tương xứng do người tiêu dùng chưa tin tưởng với giao dịch điện tử. Tại sàn TMĐT Tiki, 1 tháng có khoảng 4,5 - 5 triệu đơn hàng nhưng thanh toán online chỉ chiếm khoảng 40 - 60% số đơn hàng, còn lại được thanh toán bằng tiền mặt. Nguyên nhân là do người tiêu dùng vẫn còn lo ngại tình trạng hàng giả, hàng nhái tại các sàn TMĐT chưa được xử lý triệt để, đồng thời lo ngại lộ lọt dữ liệu khi người dùng thanh toán trực tuyến.
Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho hay, hiện có khoảng 7.000 khiếu nại nói chung của khách hàng, khoảng 2.000 khiếu nại liên quan đến thương mại điện tử. Tuy nhiên, những khiếu nại này hầu hết đã xảy ra đã lâu nên khi gửi đến cơ quan nhà nước thì rất thiếu cơ chế để xử lý.
Giảm thiểu rủi ro cho khách hàng
Theo ý kiến các doanh nghiệp, để người mua hàng sẵn sàng cho việc thanh toán online, không dùng tiền mặt, cần có các chính sách liên kết trong việc thanh toán, an toàn bảo mật thông tin dữ liệu của người dùng. Song song với việc siết chặt các quy định bảo vệ người tiêu dùng khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử hoặc bảo vệ các doanh nghiệp thương mại điện tử tuân thủ pháp luật hoặc làm tốt…
Để giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng, ông Lê Đức Anh cũng cho biết, hiện Bộ Công thương đang xây dựng bộ 5 tiêu chuẩn tín nhiệm thương mại điện tử Việt Nam. Cụ thể gồm: Thanh toán đảm bảo; Dịch vụ mua hàng Frime (vỏ hộp, tracking); Ứng dụng chứng từ điện tử; Bảo vệ quyền lợi khách hàng; Thống kê đánh giá quá trình giải quyết khiếu nại của khách hàng.
Đánh giá về bộ tiêu chuẩn, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, cho rằng, thương mại điện tử đang có nhiều điểm nghẽn cần được khơi thông. Nhìn vào bộ tiêu chuẩn có thể thấy hai câu chuyện. Một là sự tin cậy, phản ánh sự minh bạch thông tin trên thế giới số và giao dịch thực. Thứ hai, vì thiếu sự tin cậy nên ai cũng muốn mình được "nắm đằng chuôi". Bài toán đặt ra là, làm thế nào để cân bằng được lợi ích giữa các bên? Bộ tiêu chuẩn trên có thể thấy là rất tức thời, hy vọng sẽ có lời giải cho bài toán trên.
Ông Thành kiến nghị, thời gian tới, cơ quan chức năng cần kiên quyết kiểm tra, xử lý những sàn TMĐT bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc. Cùng với đó, chúng ta cần xây dựng chế tài bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng trên sàn TMĐT, bảo vệ các DN TMĐT tuân thủ pháp luật.
Ngoài ra, các ngân hàng, cổng thanh toán và nhà mạng cần tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân khi thanh toán online; đồng thời tạo dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng và bảo đảm tính tuân thủ pháp luật. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho các DN TMĐT tiếp cận nguồn vốn để tham gia chuỗi giá trị liên kết hàng Việt bán trên sàn TMĐT của người Việt.