Nhiều ngân hàng giảm phí dịch vụ, đẩy mạnh thanh toán điện tử
Nhiều ngân hàng đã giảm phí dịch vụ để đẩy mạnh phương án thanh toán không dùng tiền mặt
Bài liên quan
Ngân hàng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới
Mùa dịch virus Corona, làm thế nào để giao dịch ngân hàng an toàn?
BIDV khuyến khích giao dịch online trong mùa dịch Covid-19
Tầm nhìn và dự đoán năm 2020 của Visa
BAC A BANK kí hợp đồng khung cho vay gián tiếp với Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Đây cũng là nội dung của văn bản số 727/NHNN-TT do Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành. Việc áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ, nhằm triển khai các giải pháp về phát triển thanh toán điện tử không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công.
Theo đó, miễn phí chuyển mạch đối với giao dịch thanh toán trực tuyến (online) các dịch vụ công (dự kiến áp dụng đến hết tháng 12/2020); giảm phí chuyển mạch đối với các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 đồng/giao dịch trở xuống) từ 1.800 đồng/giao dịch xuống 500 đồng/giao dịch (dự kiến áp dụng từ ngày 25/2/2020).
Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nghiên cứu, xây dựng kế hoạch áp dụng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ; Khuyến khích các tổ chức áp dụng mức phí giảm lớn hơn mức phí giảm của Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam - NAPAS (1.300 đồng/giao dịch) nhằm hỗ trợ thị trường.
Trước khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng đã giảm phí dịch vụ để đẩy mạnh phương án thanh toán không dùng tiền mặt. Đơn cử như Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) miễn phí hoàn toàn khi chuyển khoản trên các nền tảng điện tử.
Không chỉ dừng lại ở việc giảm phí chuyển khoản nội bộ ngân hàng mà ngay cả chuyển tiền liên ngân hàng và các loại phí giao dịch khác qua ứng dụng điện tử MBBank, kể cả phí duy trì tài khoản hằng tháng cũng đều được giảm về 0 đồng. Chính sách này sẽ được MB áp dụng trọn đời.
Ngoài Ngân hàng thương mại Cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng là một trong những đơn vị sớm khuyến khích khách hàng tăng cường giao dịch trên kênh ngân hàng điện tử với chính sách hoàn 100% phí giao dịch trên BIDV online, BIDV SmartBanking cho khách hàng cá nhân đăng ký mới dịch vụ.
Ngoài ra, các khách hàng gửi tiền online qua BIDV online, BIDV SmartBanking sẽ được cộng thêm 0,2%/năm lãi suất với tất cả các kỳ hạn so với lãi suất niêm yết tại quầy giao dịch. Chương trình áp dụng từ hôm nay 14/2 đến 30/4/2020 với ngân sách hoàn phí giao dịch lên đến 2,46 tỷ đồng. Đồng thời, BIDV tiếp tục duy trì chính sách không thu bất kỳ một khoản phí đăng ký hay duy trì dịch vụ nào trên hai kênh này.
Đối với Ngân hàng thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc cho biết, các giao dịch chuyển tiền có giá trị dưới 500.000 đồng tại Vietcombank hiện nay rất lớn, chiếm gần 30% số lượng giao dịch chuyển khoản. Mức phí hiện tại được Vietcombank áp dụng cho các giao dịch này lần lượt là 2.200 đồng và 7.700 đồng cho mỗi giao dịch chuyển khoản nội bộ và liên ngân hàng. Để chung tay đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, các loại phí giao dịch sẽ được điều chỉnh giảm khoảng 70% so với mức phí hiện tại, tương ứng với mức NAPAS giảm cho các ngân hàng.
Việc giảm mạnh tới 70% phí chuyển mạch có thể khiến doanh thu của NAPAS giảm khoảng 15%. Tuy vậy, NAPAS xác định đây là việc làm cần thiết để giảm dần các thanh toán tiếp xúc bằng tiền mặt, đặc biệt trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) đang diễn biến phức tạp, trong đó tiền mặt được khuyến cáo có thể là nguy cơ gây truyền nhiễm virus cao do qua tay nhiều người.