Thúc đẩy kinh tế tập thể, khắc phục tình trạng manh mún
Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012.
Từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13 và 10 năm thi hành Luật HTX, khu vực kinh tế tập thể và hợp tác xã là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường.
Năm 2021 cả nước có hơn 27.400 hợp tác xã, tăng 41% so với năm 2013, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1 triệu lao động. Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm (bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017), đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm và đạt 47,3% năm 2019.
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế; Chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Một số mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 13 đặt ra nhưng chưa đạt mục tiêu hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể còn thấp. Tỷ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục, không đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra. Đặc biệt, khung khổ pháp luật, chính sách về kinh tế tập thể, HTX còn nhiều rào cản, mâu thuẫn, chồng chéo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kinh tế tập thể, HTX |
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đã chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm như thống nhất về tư tưởng, lý luận là tiền đề quan trọng dẫn tới sự thống nhất trong hành động, tạo điều kiện tập trung nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế tập thể. Vai trò, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế tập thể.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh kinh tế, thương mại trên toàn cầu ngày càng gay gắt, tiêu chuẩn của người dân và chính sách của các nước trên thế giới ngày càng khắt khe... thì kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn rất khó có chỗ đứng, cạnh tranh, tồn tại và phát triển. Vì vậy, hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển. Khu vực kinh tế tập thể phải nắm lấy vai trò dẫn dắt các hộ sản xuất cá thể nhỏ, lẻ, các tổ hợp tác tạo thành chuỗi giá trị sản xuất lớn đủ sức cạnh tranh trên thương trường, đem lại lợi ích cho thành viên.
Xóa bỏ các rào cản, điểm nghẽn để phát triển
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển. Trong các giai đoạn lịch sử, kinh tế tập thể và kinh tế HTX giữ một nhiệm vụ, sứ mệnh to lớn để hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các phát biểu tại hội nghị cơ bản thống nhất, sau 20 năm, nhận thức của hệ thống chính trị và người dân về HTX kiểu mới được nâng lên, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; Đã xuất hiện thêm nhiều mô hình kinh tế tập thể, HTX hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo; Góp phần xây dựng Nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh các kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Đó là vẫn còn tâm lý thận trọng, e ngại khi tham gia HTX và kinh tế tập thể; Tốc độ tăng trưởng còn thấp, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu.
Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX còn nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ, đặc biệt là ở các cấp địa phương; Chính sách và nguồn lực hỗ trợ cho khu vực kinh tế này còn hạn chế, phân tán. Thủ tướng chỉ ra một số nguyên nhân, trong đó có việc tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị |
Thủ tướng nhấn mạnh, Cương lĩnh của Đảng đã khẳng định: Kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, HTX gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ ra 8 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp diễn biến mới và thực tiễn Việt Nam; Tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi và theo thế mạnh từng khu vực, vùng miền, quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý; Đồng thời, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và các chủ thể tham gia.
Thủ tướng nhấn mạnh, cơ hội, dư địa, không gian, tiềm năng sản xuất, phát triển của kinh tế tập thể, HTX còn rất lớn. Với tinh thần lấy nông dân làm trung tâm, nông thôn làm nền tảng, nông nghiệp làm động lực, chúng ta cần tiếp tục thành lập và phát triển các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp để khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, chia cắt, tự phát, hướng đi là theo con đường chính ngạch, vào thị trường khó tính.
Về định hướng sửa đổi Luật HTX, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu xóa bỏ các rào cản, điểm nghẽn; Tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi; Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ để khu vực này tương xứng với vị trí, vai trò nền tảng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.