Thừa Thiên - Huế đưa di sản, văn hóa vào chuyển đổi số nâng tầm giá trị
Đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo tỉnh TT-Huế và chuyên gia thảo luận về chuyển đổi số phát huy sức mạnh di sản - văn hoá (Ảnh Đoàn Minh) |
Chiều 18/8, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã tổ chức hội thảo chuyên đề “ Chuyển đổi số phát huy sức mạnh Di sản - Văn hoá tạo đà phát triển kinh tế số”.
Thừa Thiên - Huế đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 1000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh; 3 di sản phi vật thể cấp quốc gia; 10 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Đặc biệt, Thừa Thiên - Huế có 7 di sản được UNESCO công nhận. Với hệ thống di sản đồ sộ, Thừa Thiên - Huế kỳ vọng đẩy mạnh chuyển đổi số các di sản văn hóa nhằm phát huy sức mạnh của các di sản, văn hóa tạo ra nhiều những sản phẩm du lịch mới, mô hình du lịch mới để phát triển du lịch tại Huế, tạo đà phát triển đột phá kinh tế - xã hội cho địa phương.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT chia sẻ về chủ đề Dữ liệu - Nền tảng quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số Huế (Ảnh Đoàn Minh) |
Theo đó, các chuyên gia, diễn giả tham dự đã tập trung bàn thảo, chia sẻ kinh nghiệm và kế hoạch số hóa các di sản văn hóa. Những giải pháp VR, 3D đã, và đang được đẩy mạnh tại các địa phương, giúp công tác bảo tồn, lữu trữ và phổ biến các giá trị văn hóa được dễ dàng.
Việc hoàn thiện số hóa các di sản văn hóa là cơ sở, là dữ liệu cho bước phát triển tiếp theo. Các chuyên gia đề xuất Huế cần sớm hoàn thiện Hệ thống du lịch thông minh – Smart Tourism để tận dụng, khai thác hiệu quả các dữ liệu số này, tạo đột phá cho du lịch của Huế.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào hoạt động của văn hóa di sản là hết sức cần thiết, đây sẽ là cầu nối để đưa các giá trị văn hóa, di sản của tỉnh Thừa Thiên Huế đến gần hơn với người dân, du khách
Đồng thời, đóng góp tích cực vào trong quá trình gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, giá trị văn hóa Huế, đưa văn hóa, di sản trở thành những sản phẩm của du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
TS Phạm Thị Khánh Ngân, Phó Trưởng phòng Quản lý Bảo tàng và thông tin tư liệu Cục Văn hóa Di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ về bản đồ số văn hoá, di sản (Ảnh Đoàn Minh) |
Chia sẻ về “Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030”, TS Phạm Thị Khánh Ngân, Phó Trưởng phòng Quản lý Bảo tàng và thông tin tư liệu Cục Văn hóa Di sản, Bộ Văn hóa - TT&DL cho rằng, để thực hiện được mục tiêu số hóa di sản, văn hóa địa phương cần triển khai các giải pháp như: Hoàn thiện cơ chế chính sách, các quy định pháp luật, xây dựng nền tảng kỹ thuật số và các bộ tiêu chuẩn chung về lưu trữ, trang bị điều kiện về cơ sở vật.
Đồng thời, xây dựng, tạo lập dữ liệu số về di sản văn hoá, quản lý, vận hành và khai thác kho cơ sở dữ liệu số quốc gia về di sản văn hoá, bảo đảm an toàn an ninh mạng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Thừa Thiên - Huế sẽ triển khai thực hiện số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số các tư liệu, hiện vật tại các bảo tàng, di tích |
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, địa phương xác định tập trung triển khai thực hiện chuyển đổi trong lĩnh vực văn hóa, di sản trên cơ sở lựa chọn ưu tiên các lĩnh vực quan trọng, có điều kiện thuận lợi và khả năng kinh phí đáp ứng được để thực hiện chuyển đổi trước.
Trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án tổng kiểm kê di sản văn hoá, lễ hội… tạo cơ sở để cung cấp nguồn thông tin, dữ liệu đầu vào phục vụ cho mục đích chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hoá, thực hiện số hóa đồng bộ, toàn diện cho các đơn vị trong toàn ngành, đặc biệt là các đơn vị trong khối di sản, văn hoá (tập trung số hóa 35 Bảo vật Quốc gia) ứng dụng trên các nền tảng số các tư liệu, hiện vật tại các bảo tàng, di tích.
Đồng thời, tập trung xây dựng hệ thống bản đồ số về văn hóa, di sản (bao gồm các di tích, địa điểm tham quan, cơ sở dịch vụ văn hóa, ẩm thực), thực hiện số hóa nguồn tài liệu cổ, quý hiếm hiện đang được lưu trữ tại Thư viện Tổng hợp tỉnh, tăng cường ứng dụng công nghệ trình chiếu 3D - Mapping, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin.