Thừa Thiên Huế: Di dời hơn 500 hộ dân ra khỏi Kinh thành trong năm nay
Hàng ngàn hộ dân sống tạm bợ trong kinh thành Huế
Bài liên quan
Hàng ngàn hộ dân “sống treo” trên di sản văn hóa thế giới
Tạo thuận lợi để di dời gần 3.000 hộ dân ở di tích Kinh thành Huế
Sẽ di dời hơn 4.000 hộ dân ra khỏi Kinh thành Huế
Theo đó, tỉnh phải hoàn thành di dời, giải phóng mặt bằng, tái định cư hơn 523 hộ dân thuộc khu vực Thượng thành trong năm 2019. Hoàn thành việc giải phóng mặt bằng diện tích 9,98 ha khu tái định cư trước ngày 30/3/2019.
Tỉnh sẽ đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư (khu vực 1 và khu vực 2): khởi công xây dựng trước ngày 1/4/2019; đầu tư hoàn thành khu tái định cư trước ngày 1/8/2019 để giao đất tái định cư cho các hộ xây dựng nhà ở; hoàn thành thủ tục về đầu tư, xây dựng và đất đai đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư giai đoạn 3 để kịp thời đầu tư trong tháng 9 năm 2019, chuẩn bị quỹ đất tái định cư phục vụ di dời dân cư giai đoạn 2020- 2021.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, để đạt mục tiêu trên, một số nhiệm vụ và giải pháp sẽ được tỉnh triển khai thực hiện như tăng cường công tác chỉ đạo, thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, công tác thu hồi đất; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện; huy động nguồn lực tài chính, tập trung nhân lực đảm bảo cho việc thực hiện đúng tiến độ.
Các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp để người dân chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân; tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng, chính quyền địa phương; công khai, minh bạch phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định...
Việc di dời sẽ nhằm đẩy nhanh công tác chỉnh trang đô thị di sản và ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho các hộ dân đang sinh sống tại khu vực Thượng thành, Eo Bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ thuộc di tích Kinh Thành Huế; tăng cường, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, bảo tồn kho tài nguyên văn hoá vật thể đặc sắc tiêu biểu của văn hoá dân tộc Việt Nam, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn phục vụ du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; cải tạo cảnh quan môi trường thiên nhiên vùng di tích, tôn tạo cảnh quan văn hóa, kiến trúc di sản đô thị Huế, góp phần thực hiện chủ trương giãn dân, giảm thiểu áp lực gia tăng mật độ tham gia giao thông và ùn tắc tại khu vực Kinh thành Huế…
Nhà cửa người dân xuống cấp, không sổ đỏ và mong muốn di dời sớm |
Được biết, hiện có hơn 4.200 hộ dân sống trong Kinh thành Huế phải sống những ngôi nhà chật hẹp, được che chắn tạm bợ chủ yếu bằng tôn. Mọi thứ ở đây chật chội, nhếch nhác và ô nhiễm. Hầu hết các hộ dân sống trong khu vực I di tích không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp lệ…
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có “Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I di tích Kinh thành Huế” với hơn 4.200 hộ dân phải di dời. Đề án sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, gồm giai đoạn 1 (từ 2019-2021) và giai đoạn 2 (từ 2022- 2025). Kinh phí di dời, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là khoảng hơn 2.800 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.