Thủ tướng: Kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019
Bài liên quan
Việt Nam sẵn sàng là cầu nối để Botswana mở rộng hợp tác với ASEAN
Thủ tướng thăm "địa chỉ đỏ" và tặng nhà "Đại đoàn kết" tới hộ nghèo
Sáng 4/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8, tập trung vào thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, nhất là các biện pháp “về đích” khi còn 1/3 chặng đường của năm “bứt phá” 2019”.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là phiên họp quan trọng nhằm đánh giá tình hình tháng 8, 8 tháng qua và nhận định tình hình cả năm, đồng thời trình Chính phủ kế hoạch Nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 để chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và trình ra Quốc hội kỳ họp vào tháng 10 tới.
Về bối cảnh trong nước và thế giới, Thủ tướng cho biết, các nghiên cứu chỉ ra rằng, dấu hiệu suy thoái của kinh tế thế giới bắt đầu rõ ràng, khó chống đỡ được trước chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, căng thẳng địa chính trị. Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn đồng loạt suy yếu đáng lo ngại. Các số liệu kinh tế vĩ mô mới nhất cho thấy, tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gặp những vấn đề, khó khăn khác nhau.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn như vậy, kinh tế Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định…
Nêu các dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam của các tổ chức uy tín quốc tế, Thủ tướng cho biết, Ngân hàng Phát triển châu Á đánh giá kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8%, Ngân hàng Hongkong và Thượng Hải (HSBC) đánh giá tăng 6,7% ; Trung tâm Dự báo Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tăng ít nhất 6,86%. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo tăng trưởng 6,96%.
Cùng với các đánh giá này, căn cứ vào thực tế tình hình nền kinh tế, Thủ tướng cho rằng, năm nay tăng trưởng kinh tế sẽ đạt cận cao của mục tiêu phấn đấu là tăng từ 6,6 đến 6,8%.
Thủ tướng cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã thực hiện nhiều công việc quan trọng được nhân dân hoan nghênh, như tuyển sinh đại học, cao đẳng; chỉ đạo sát sao khắc phục thiên tai cho người dân; thành công bước đầu trong hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần; tổ chức kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh trên phạm vi quốc gia.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong 4 tháng còn lại của năm 2019, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phấn đấu để hoàn thành toàn diện, vượt mức, có những điểm bứt phá trong thực hiện kế hoạch năm 2019; đồng thời nhắc nhở không thể chủ quan, thúc đẩy các cấp, các ngành làm tốt hơn công việc được giao như thu hút đầu tư phát triển, quan tâm đời sống người dân trong mùa mưa bão…
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắn tin ủng hộ người nghèo |
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các thành viên Chính phủ nhắn tin ủng hộ người nghèo. Ngày Vì người nghèo được tổ chức hằng năm vào 17/10, mang lại kết quả tốt cho người nghèo khi trong quá trình phát triển đất nước, còn một bộ phận người dân gặp khó khăn mà toàn xã hội cần quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400 sẽ mở cho đến hết ngày 31/12/2019, ngày nào chúng ta cũng có thể nhắn tin vì người nghèo. Năm nay, chương trình có khác biệt với các năm trước là mỗi một lần nhắn chỉ ủng hộ được 20.000 đồng thì lần này, có thể lựa chọn số tiền ủng hộ với mức thấp nhất là 20.000 đồng, cao nhất là 2 triệu đồng với mỗi lần nhắn”.
Tin nhắn ủng hộ, đóng góp vì người nghèo sẽ được thực hiện theo cú pháp: VNN hoặc VNNn hoặc VNN n gửi 1408 (trong đó, n là số lượng tin nhắn ủng hộ trong lần nhắn tin; số lượng tin nhắn trong một lần nhắn tin giới hạn từ 1-100). Số tiền từ tin nhắn sẽ được đưa vào chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo".