Thủ tướng khen CDC, Sở Y tế TP Đà Nẵng có thành tích phòng, chống dịch Covid-19
Các cán bộ CDC Đà Nẵng nỗ lực làm việc |
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng đã khẳng định được vai trò, năng lực trong công tác phòng, chống dịch. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thành công việc xét nghiệm mẫu gộp 5, trở thành kinh nghiệm cho các địa phương khác.
Theo báo cáo của UBND thành phố Đà Nẵng, trong đợt dịch thứ hai vào năm 2020, phương pháp lấy mẫu gộp 5 đã cho thấy lợi ích thiết thực, tiết kiệm về chi phí xét nghiệm (giảm xuống còn gần 12 tỷ đồng thay vì hơn 55,4 tỷ đồng nếu xét nghiệm mẫu đơn). Theo số liệu thống kê từ ngày 8-23/8/2020, trong vòng 16 ngày, số người được lấy mẫu xét nghiệm tại thành phố Đà Nẵng là 97.103 người.
Năm 2021, bước vào đợt dịch thứ ba, trước diễn biến dịch hết sức phức tạp, phải đối mặt với áp lực xét nghiệm số lượng mẫu ngày càng tăng trong điều kiện khó khăn về nhân lực, vật lực, từ hiệu quả đã đạt được trong công tác xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 vào các đợt dịch năm 2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng tiếp tục cải tiến phương pháp mẫu gộp nhóm 5 thành mẫu gộp nhóm 10 trong đợt dịch năm 2021.
Chỉ tính riêng số mẫu gộp que thu thập được từ ngày 8-13/5/2021 là 7.386 mẫu gộp từ 69.544 lượt người với số lượng mẫu lẻ trong mỗi nhóm từ 5 đến 10 mẫu, phần lớn là 10 mẫu lẻ/1 mẫu gộp. Như vậy, trong vòng 6 ngày, đã có 69.544 người được lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện được 8 ca dương tính trong tổng số 69.544 người.
Số lượng mẫu bệnh phẩm được gộp tối đa hiện nay đang thực hiện là 10 mẫu bệnh phẩm/ống (mẫu gộp que). Sau đó, tiến hành gộp 2 mẫu gộp que/1 mẫu gộp dung dịch. Như vậy, sau 2 lần gộp tại thời điểm lấy mẫu và sau đó gộp tại phòng xét nghiệm từ 2 mẫu đã gộp lần 1, lượng mẫu tối đa có thể xét nghiệm là 20 mẫu/phản ứng.
Với phương pháp này, ngoài việc tiết kiệm tối đa lên đến 20 lần chi phí xét nghiệm so với xét nghiệm mẫu đơn và quan trọng hơn cả là có thể đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm trong điều kiện hạn chế về trang thiết bị, nhân lực, vật lực, phát hiện nhanh các ca bệnh trong cộng đồng.
Phương pháp gộp mẫu xét nghiệm từ mẫu gộp que mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng thực hiện đã cho thấy hiệu quả cao về phòng, chống dịch và lợi ích kinh tế (thay vì chi phí hơn 39,7 tỷ đồng nếu xét nghiệm mẫu đơn thì với mẫu gộp 20, chi phí chỉ còn hơn 2,7 đồng). Ngoài tiết kiệm chi phí xét nghiệm, qua thực tiễn đã cho thấy phương pháp mẫu gộp 20 so với gộp 5 giảm ½ chi phí trang thiết bị và nhân lực.
Qua các đợt dịch từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng đã luôn nỗ lực không ngừng trong việc phát hiện sớm, khoanh vùng nhanh, hạn chế nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng; thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Kết quả của công tác xét nghiệm và giám sát, xử lý dịch Covid-19 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng đã được ghi nhận, đánh giá cao.