Thông qua Nghị quyết giải thích thế nào là vi phạm bí mật kinh doanh
Đề xuất các phương án để TP Hồ Chí Minh phục hồi sản xuất kinh doanh |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận |
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng, ban hành Nghị quyết của UBTVQH giải thích một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 để thống nhất việc vận dụng các quy định của Bộ luật Hình sự trong xử lý hành vi vi phạm bí mật kinh doanh là cần thiết để Việt Nam thực hiện cam kết của mình theo yêu cầu của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP).
Theo quy định tại khoản 2 Điều 18.78 Hiệp định CPTPP, các quốc gia thành viên phải xử lý hình sự và áp dụng hình phạt đối với một hoặc các hành vì: Tiếp cận một cách cố ý và trái phép tới bí mật kinh doanh được lưu giữ trong một hệ thống máy tính; Chiếm đoạt một cách cố ý và trái phép bí mật kinh doanh, kể cả thông qua một hệ thống máy tính; Bộc lộ một cách gian lận, hoặc thay vào đó, bộc lộ một cách cố ý và trải phép bị mật kinh doanh, kể cả thông qua một hệ thống máy tinh. Như vậy, Hiệp định CPTPP yêu cầu các quốc gia thành viên phải xử lý hình sự và áp dụng hình phạt đối với ít nhất một trong ba hành vi nêu trên.
Từ các quy định nêu trên, dự thảo Nghị quyết đã lựa chọn lựa chọn hành vi “lấy cắp dữ liệu” quy định tại khoản 1 Điều 289 và hành vị “chiếm đoạt trái phép tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại khoản 1 Điều 342 BLHS năm 2015 để giải thích. Đồng thời, quy định về mục đích của người thực hiện hành vi vi phạm bí mật kinh doanh, đó là “nhằm đạt được lợi thế thương mại, thu lợi bất chính hoặc gây tổn hại cho chủ sở hữu”. Với cách giải thích như dự thảo Chính phủ trình thì Nghị quyết sẽ tương đối bao quát cả hành vi và mục đích thực hiện.
Trên cơ sở đó các ý kiến đóng góp của Ủy ban Tư pháp và các ngành liên quan, Chính phủ đã tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết gồm 3 điều với những nội dung chính giải thích khoản 1 Điều 289 của BLHS năm 2015 như sau: “Hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác lấy cắp dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều 289 của BLHS năm 2015 được hiểu là bao gồm cả hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm đoạt dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, kể cả nghe, đọc, ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh”.
Chính phủ cũng đề xuất Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 14/1/2022.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: Ngày 5/11/2021, Ủy ban Tư pháp đã họp phiên toàn thể để thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về giải thích một số điều của BLHS năm 2015. Phiên họp có đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Đối ngoại và một số cơ quan hữu quan tham dự.
Ủy ban Tư pháp nhận thấy, để bảo đảm thực hiện hiệu quả và đúng lộ trình các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định, bảo đảm sự phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch để áp dụng thống nhất các quy định của BLHS; Đồng thời để phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam thì việc UBTVQH ban hành Nghị quyết để giải thích một số điều của BLHS trong xử lý hành vi vi phạm bí mật kinh doanh là cần thiết, đúng thẩm quyền.
Về một số nội dung cụ thể quy định tạ khoản 2 Điều 18.78, Hiệp định yêu cầu “phải xử lý hình sự và áp dụng hình phạt đối với một hoặc các hành vi: Tiếp cận một cách cố ý và trái phép tới bí mật thương mại được lưu giữ trong một hệ thống máy tính; Chiếm đoạt một cách cố ý và trái phép bí mật thương mại, kể cả thông qua một hệ thống máy tính hoặc bộc lộ một cách gian lận hoặc thay vào đó, bộc lộ một cách cố ý và trái phép bí mật thương mại, kể cả thông qua một hệ thống máy tính”.
Ủy ban Tư pháp nhất trí với việc lựa chọn khoản 1 Điều 289 của BLHS để giải thích nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiệp định và nhất trí với những nội dung giải thích nêu trên. Bởi vì, nội dung giải thích bao gồm cả dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, vì vậy, đã đáp ứng được yêu cầu xử lý hình sự hành vi vi phạm bí mật kinh doanh của Hiệp định. Đồng thời, phương án giải thích như trên cũng đáp ứng yêu cầu về các hành vi tại khoản 2 Điều 18.78 của Hiệp định.
Trong cấu thành cơ bản của tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (khoản 1, Điều 289) bao gồm các hành vi kế tiếp nhau. Để có thể lấy cắp được dữ liệu của người khác thì trước hết, người phạm tội phải xâm nhập được (còn được cụ thể hóa bằng các hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác trong cấu thành cơ bản tại khoản 1 Điều này) vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của người khác, sau đó mới thực hiện các hành vi tiếp theo gồm chiếm quyền điều khiển, hoặc can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử hoặc lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu, hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ.
Do đó, việc lựa chọn “Hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác lấy cắp dữ liệu” để giải thích là phù hợp vì đây là một trong những hành vi đã được quy định khoản 1 Điều 289 BLHS và là hành vi phù hợp nhất với yêu cầu của Hiệp định. Ngoài ra, qua rà soát BLHS cho thấy, không có điều luật tương ứng nào khác phù hợp hơn để giải thích, đại diện Ủy ban Tư pháp cho biết.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Các đại biểu cho rằng, theo lộ trình, việc thực thi cam kết của Việt Nam tại CPTPP với vấn đề này là từ năm 2022. Do vậy, việc Chính phủ trình UBTVQH xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết tại thời điểm này là hợp lý. Các đại biểu cũng nhất trí cao với thời điểm có hiệu lực thi hành của nghị quyết là từ ngày 14/1/2022.
Với 100% đại biểu tán thành, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết.