Thời tiết chuyển mưa rét giúp chất lượng không khí Hà Nội tốt hơn
Theo số liệu từ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho thấy, AQI (24 giờ gần nhất) tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn được cập nhật vào lúc 14 giờ ngày 9/2/2021 đều ở mức kém, chỉ số AQI cao, dao động từ 34 - 70. Nơi đo được AQI cao nhất là khu vực Minh Khai (70), Thành Công (65), Phạm Văn Đồng (64)…; các khu vực nền đô như Tân Mai, Tây Mỗ, Kim Liên… có chỉ số AQI tốt.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiều khu vực có mưa vừa mưa to và dông, trời chuyển rét với nền nhiệt thấp nhất khoảng 12 - 15 độ C. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để các chất gây ô nhiễm trong không khí được khuếch tán, rửa trôi khiến chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô tốt hơn.
Thời tiết chuyển mưa rét giúp chất lượng không khí Hà Nội tốt hơn |
Đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, với chất lượng không khí như hôm nay không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên, khi tham gia giao thông mọi người cần tuân thủ triệt để luật giao thông để hạn chế ùn tắc, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, góp phần giảm lượng phát thải gây ô nhiễm không khí.
Cơ quan chức năng cần tăng cường điều tiết giao thông tại một số khu vực có mật độ giao thông cao nhất như: Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu… Các khu vực ngoại thành, người dân cần hạn chế đốt rác và phụ phẩm nông nghiệp.
Đồng thời, để có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố công khai của cơ quan nhà nước, để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra, mỗi năm thế giới có khoảng 7 triệu trẻ em tử vong vì ô nhiễm không khí. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, ô nhiễm không khí độc hại đối với sự phát triển não bộ, sức khỏe của trẻ em và cũng độc hại cho toàn xã hội.
Chính phủ các nước trên toàn thế giới khẩn trương có những giải pháp để giảm ô nhiễm không khí như đầu tư vào những nguồn năng lượng sạch hơn, có thể tái tạo được, thay thế cho việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch; cung cấp phương tiện giao thông công cộng sạch hơn với giá thành hợp lý; tăng không gian xanh ở các khu đô thị; thay đổi hoạt động nông nghiệp, đưa ra nhiều lựa chọn xử lý rác thải hiệu quả hơn để hạn chế việc phải đốt những chất hóa học độc hại…
Các bác sỹ khuyến cáo, vào những thời điểm không khí ô nhiễm, các bậc phụ huynh phải đeo khẩu trang cho trẻ, hạn chế cho trẻ ra đường khi không thật sự cần thiết, nhất là vào những giờ cao điểm xe đông, dùng nước muối sinh lý nhỏ mắt, mũi cho trẻ khi về nhà; cần chăm sóc, giữ vệ sinh, đảm bảo cho trẻ chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng, đầy đủ vitamin, khoáng chất thiết yếu.
Cùng với đó, người dân nên chạy máy lọc không khí trong nhà để loại bỏ các tạp chất cùng nhiều yếu tố độc hại ẩn nấp trong không khí; giữ nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, quét nhà, hút bụi thường xuyên, lưu ý đặc biệt đối với những người dễ bị cảm thụ, trong đó có người già, phụ nữ có thai, trẻ em. Những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch... không nên ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.