Tăng cường quản lý chất lượng không khí ở các đô thị lớn
Thanh niên Hoàn Kiếm tìm giải pháp cải thiện chất lượng không khí Hành động sớm để cải thiện chất lượng không khí |
Ô nhiễm không khí gia tăng nhanh ở Hà Nội |
Ô nhiễm không khí gia tăng nhanh ở Hà Nội, TPHCM
Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, ô nhiễm không khí ở các đô thị đang có chiều hướng gia tăng, là một thách thức lớn đối với cộng đồng.
Vấn đề ô nhiễm không khí, nhất là ô nhiễm bụi lơ lửng tổng số (TSP), bụi mịn (PM10, PM2.5) đang trở thành thách thức lớn đối với công tác quản lý môi trường của các chính quyền đô thị. Ðây là xu thế chung của các nước đang phát triển và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế nêu trên.
Với sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế thời gian qua, nguồn phát sinh khí thải từ các hoạt động giao thông vận tải, các khu công nghiệp, các làng nghề… dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhất là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Kết quả quan trắc tại Hà Nội cho thấy, xu hướng biến động của PM10 và PM2.5 chịu tác động rất nhiều từ điều kiện thời tiết khí hậu (hiện tượng nghịch nhiệt) kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có và hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch, dẫn đến chỉ số chất lượng không khí (AQI) tăng cao.
Cụ thể, trong bốn tháng đầu năm 2020, Hà Nội có 47,3% số ngày có giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt giới hạn quy chuẩn cho phép. Có những ngày ô nhiễm ở mức khá cao, giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt từ 2 đến 3,4 lần giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Tại TP Hồ Chí Minh, kết quả quan trắc cũng cho thấy có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi PM2.5 trong không khí do hiện tượng nghịch nhiệt, sương mù quang hóa; tuy nhiên phần lớn thông số ô nhiễm vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Do vậy, có thể khẳng định vấn đề ÔNKK tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nói riêng và các đô thị khác trong toàn quốc nói chung chủ yếu vẫn tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5. Các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn có giá trị đạt QCVN 05:2013/BTNMT.
Đánh giá chất lượng không khí trong tháng 8/2020, Tổng cục Môi trường cho biết, nhìn chung chất lượng không tại hầu hết các đô thị vẫn duy trì ở mức tốt. Kết quả đo tại các trạm quan trắc không khí tự động liên tục ở các đô thị miền Bắc, Trung, Nam trong tháng 8/2020 cho thấy, hầu hết các đô thị đều có giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Tuy nhiên, theo dõi diễn biến trong nửa cuối tháng 8, chất lượng không khí đã có dấu hiệu kém hơn so với đầu tháng.
Tại Hà Nội, thông số PM2.5 trung bình 24 giờ vẫn cao hơn so với các đô thị khác, tuy nhiên giá trị PM2.5 trung bình các trạm tại Hà Nội vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN. Tại các thành phố khác, giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 thấp hơn khá nhiều giới hạn cho phép của QCVN.
Đánh giá chất lượng không khí theo chỉ số AQI ngày cho thấy, tại thủ đô Hà Nội, chất lượng không khí chủ yếu ở mức tốt và trung bình, các đô thị khác vẫn nằm ở mức tốt trong hầu hết các ngày trong tháng
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, ở Việt Nam, khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí. WHO khuyến cáo các quốc gia cắt giảm ô nhiễm không khí xuống tới mức trung bình hàng năm là 20 μg/m3 đối với PM10 và 10 μg/m3 đối với PM2.5.
Tăng cường kiểm soát nguồn khí thải như thế nào?
Thách thức về ô nhiễm không khí đang đặt ra vấn đề cần phải tăng cường quản lý và kiểm soát các nguồn khí thải để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí đang có chiều hướng gia tăng hiện nay.
Nhằm hạn chế sự gia tăng ô nhiễm không khí, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 985a phê duyệt Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, đề ra mục tiêu tổng quát hướng tới tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí, thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải; giám sát chất lượng không khí xung quanh nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Nghị định số 38/2015 ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 40/2019 ngày 13/5/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019, yêu cầu các chủ nguồn thải, khí thải công nghiệp có phát sinh khí thải lưu lượng lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm soát…
Theo Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức cho biết, bên cạnh mạng lưới trạm trạm quan trắc không khí quốc gia, trong khoảng 5 năm trở lại đây, một số địa phương trên cả nước đã tiến hành đầu tư xây dựng các trạm quan trắc không khí tự động để theo dõi hiện trạng chất lượng không khí của tỉnh/thành phố. Theo thống kê, hiện có trên 50 trạm trên địa bàn 19 tỉnh/thành phố đã được đầu tư xây dựng và vận hành. Bên cạnh đó, một số tỉnh đang tiếp tục đầu tư và vận hành thử nghiệm các trạm quan trắc không khí tự động. Tuy nhiên, việc đầu tư lắp đặt trạm có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương về số lượng. Các tiêu chí xác định loại hình trạm, vị trí đặt trạm cũng chưa có sự thống nhất do chưa có các hướng dẫn kỹ thuật về thiết kế mạng lưới quan trắc.
Hoạt động quan trắc tự động ở Việt Nam đã bước đầu được chú ý những năm gần đây, góp phần xác định các thay đổi hoặc diễn biến chất lượng môi trường liên tục theo thời gian và không gian. Hệ thống còn giúp xác định nhanh/phát hiện sớm các vấn đề về chất lượng môi trường, từ đó, kịp thời, đề xuất các biện pháp phù hợp để quản lý, bảo vệ môi trường, hỗ trợ cho công tác hoạch định chính sách.
Tuy vậy, số lượng, quy mô và mật độ các trạm còn thưa và phân bố không đồng đều nên chưa phản ánh được đầy đủ, kịp thời bức tranh hiện trạng môi trường không khí. Việc ứng dụng các công nghệ quan trắc hiện đại đã triển khai nhưng còn chậm. Công tác duy trì vận hành các trạm tự động gặp nhiều khó khăn. Nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu dữ liệu phục vụ công bố thông tin, dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường.
Do đó, việc tăng cường, mở rộng, đưa vào vận hành mạng lưới các trạm tự động một cách hợp lý, duy trì hoạt động ổn định, lâu dài nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời, chính xác và có hệ thống các dữ liệu về chất lượng môi trường không khí, thông tin kịp thời cho các cấp, các ngành phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước là một nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách hiện nay. Qua đó, tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường không khí các khu vực. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quan trắc môi trường không khí nói riêng và quan trắc môi trường nói chung ở nước ta sớm hội nhập với hệ thống quan trắc môi trường trong khu vực và toàn cầu.
PGS.TS Trần Ngọc Quang - Bộ môn Vi khí hậu - Môi trường Xây dựng - trường Đại học Xây Dựng cho biết: “Để hạn chế và thay đổi được thực trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn chúng ta cần phải xây dựng, thực hiện đồng bộ một chiến lược quản lý tổng hợp chất lượng không khí như: Kiểm kê tổng thể các nguồn rác thải tại địa bàn; Xây dựng tiến hành quan trắc chất lượng không khí một cách đồng bộ; Sử dụng các công cụ mô hình hóa, phân tích ảnh vệ tinh để có được số lượng chất lượng không khí đầy đủ và đại diện hơn; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về lĩnh vực không khí và ô nhiễm không khí; Sử dụng số liệu quan trắc và kết quả nghiên cứu khoa học để xây dựng các chính sách quản lý và nâng cao nhận thức của cộng đồng về ô nhiễm không khí cũng như tác động của chúng đến sức khỏe con người; Thực hiện đồng bộ các kế hoạch để triển khai hiệu quả các chính sách quản lý chất lượng không khí”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp để cải thiện chất lượng không khí đô thị hiện nay như :
Trước tiên là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và hướng dẫn thực hiện các quy định bảo vệ môi trường. Huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, mọi người dân, mọi cơ sở sản xuất, mọi tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ môi trường không khí nói riêng và bảo vệ môi trường đô thị nói chung; Kiểm soát chặt chẽ các nguồn ô nhiễm do giao thông vận tải.
Giải pháp trước mắt là cần kiểm soát, kiểm tra nguồn thải từ các phương tiện giao thông cơ giới; Tiến hành định kỳ kiểm tra theo quy định của quy chuẩn môi trường về khí thải đối với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới (các loại xe ôtô, đặc biệt là các loại xe buýt, xe tải, xe ôtô chạy dầu, và các loại mô tô, xe máy); Cấm lưu hành đối với tất cả các xe không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường (bao gồm cả về rò rỉ hơi xăng dầu). Tiến hành phun nước rửa đường vào các ngày trời nắng hanh khô.
Giải pháp lâu dài là hoàn thiện quy hoạch chung đô thị hợp lý, đặc biệt là quy hoạch giao thông đô thị thông minh; phát triển hệ thống giao thông đô thị công cộng, như là các dạng xe buýt, metro, đường xe điện trên cao...; khuyến khích hình thành các khu phố đi bộ, xe đạp; các loại xe cơ giới chạy bằng khí gas, khí hóa lỏng và xe chạy điện.
Để thực hiện chiến lược trên, chắc chắn cần nhiều nguồn lực, thời gian. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của Nhà Nước trong nâng cao chất lượng quan trắc môi trường không khí thì sự chung tay của các nhà quản lý, doanh nghiệp, các nhà khoa học và cộng đồng là vô cùng cần thiết để nâng cao chất lượng không khí tại các đô thị lớn, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường bền vững.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |