Thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong trái tim thế hệ trẻ
Xây dựng thế hệ thanh niên giàu lòng yêu nước, tự lực, tự cường Khơi dậy lòng yêu nước của tuổi trẻ qua các câu chuyện lịch sử |
Sáng 6/1, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên (9/1/1950 - 9/1/2025), Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tổ chức chương trình nói chuyện truyền thống “Ngòi pháo Chín tháng Giêng”.
Qua chương trình, Ban tổ chức mong muốn các bạn học sinh hiểu sâu sắc về lịch sử của phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên từ thời kỳ kháng chiến cứu quốc và khơi dậy lòng tự hào, khát vọng cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn thể thế hệ học sinh, sinh viên.
Tiết mục văn nghệ của các bạn học sinh tại chương trình |
Chương trình được tổ chức tại Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, nơi khởi nguồn phong trào “Ba sẵn sàng”. Với khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hàng vạn sinh viên viên từ các trường đại học đã tình nguyện nộp đơn xin nhập ngũ, chiến đấu và hy sinh anh dũng, góp phần mở đầu phong trào cách mạng sôi nổi, hào hùng của lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên Việt Nam thế kỉ XX.
Khách mời giao lưu tại chương trình có, nhà báo Phùng Huy Thịnh - nguyên là trinh sát pháo binh thuộc Sư đoàn 325 bảo vệ Thành cổ Quảng Trị; Đại tá. TS. Đặng Đức Quy - Bí thư chi bộ TDP17, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, chiến sĩ tham gia phong trào Ba sẵn sàng, xung phong lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972; Nhạc sĩ Trương Quý Hải - chiến sĩ Sư đoàn 356 tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang giai đoạn 1979 - 1989.
Các vị khách mời giao lưu tại chương trình |
Nhớ lại khí thế ngày ấy, nhà báo Phùng Huy Thịnh - nguyên là trinh sát pháo binh thuộc Sư đoàn 325 bảo vệ Thành cổ Quảng Trị cho biết: “Tôi đã từng chết hụt hơn 20 lần trước những trận bắn của kẻ địch. Nhưng tôi không sợ. Trước đó, chúng tôi - sinh viên khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp cùng hàng trăm thầy trò của 33 trường đại học, cao đẳng tình nguyện viết thư bằng máu với tinh thần sẵn sàng gác bút nghiên lên đường đánh giặc”.
Với Đại tá. TS. Đặng Đức Quy, một người chiến sĩ từng tham gia phong trào Ba sẵn sàng, xung phong lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị. Năm 1972 khi trở về, sống ở thời bình, ông đã luôn trăn trở, làm sao để truyền tải giá trị văn hóa, truyền thống hào hùng của thế hệ trước tới thế hệ trẻ hôm nay.
Đại tá. TS. Đặng Đức Quy chia sẻ tại chương trình |
“Ngày ấy, hàng vạn sinh viên ưu tú, tinh hoa của đất nước phải đưa ra mặt trận, vì đất nước lâm nguy, không ai có thể ngồi nhà. Tình yêu Tổ quốc, tình yêu đất nước và lòng tự trọng là điều thôi thúc chúng tôi sẵn sàng. Vì vậy, trong những lúc khó khăn nhất, đối diện với cái chết, chúng tôi vẫn luôn có một niềm tin sẽ chiến thắng, sẽ sống. Hôm nay, tôi còn cơ hội ngồi đây, để chứng minh điều đó”, Đại tá. TS. Đặng Đức Quy chia sẻ.
Câu chuyện của các nhân chứng lịch sử không chỉ là những hồi ức xúc động mà còn là lời nhắn nhủ sâu sắc đến thế hệ trẻ hôm nay. Anh Nguyễn Đức Nguyên, Phó Trưởng ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn, chia sẻ: “Những câu chuyện từ các nhân chứng lịch sử đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong lòng mỗi bạn trẻ. Thế hệ hôm nay có nhiệm vụ viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc bằng tri thức, sự sáng tạo và lòng nhiệt huyết”.
Chương trình "Ngòi pháo Chín tháng Giêng" không chỉ là một dịp để ôn lại những ký ức lịch sử mà còn là lời nhắc nhở cho thế hệ trẻ về trách nhiệm với Tổ quốc. Khi chiến tranh đã qua đi, điều còn lại là những câu chuyện anh hùng mà chúng ta cần phải giữ gìn, phát huy, để không quên đi sự hy sinh của lớp người đi trước và biết ơn vì những gì chúng ta đang có hôm nay.
Ngày 9/1/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man. Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 9/1/1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn làm dấy lên trong học sinh, sinh viên, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai. Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh - sinh viên. Hình ảnh học sinh, sinh viên đã cầm bút và cầm súng, trở thành ngọn lửa thiêng liêng của phong trào cách mạng. |