Thơ xuân nối dài mùa Xuân
Những chiến sĩ mang mùa xuân bình yên đến muôn nơi... Cánh én báo mùa xuân Bộ đội Biên phòng Kon Tum giữ cho biên giới thắm mãi mùa xuân |
Vậy là, trên bàn tôi có hàng chục tờ báo xuân của cả Trung ương và một số địa phương. Việc đầu tiên vẫn là tìm đến các trang thơ để đọc và suy ngẫm, bởi thơ đối với tôi là món ăn tinh thần không thể thiếu, là sự nhân lên niềm vui ngày xuân, là tin yêu và hy vọng trước vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Việt Nam trong thời hội nhập và phát triển.
Có thể thấy, nét nổi bật là hầu hết các báo năm nay đều mở rộng “đất” để đăng thơ, có ấn phẩm dành hẳn 3 đến 4 trang thơ với sự đa dạng về nội dung và phong phú cách thể hiện. Ngoài tên tuổi các nhà thơ quen biết, xuất hiện nhiều tác giả mới, nhưng nội dung thơ có không ít bài gây ấn tượng.
Đồng nghiệp luận bàn báo Tết ngày Xuân |
Thật thú vị khi tôi nhận được qua email những cảm nghĩ của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh khi đọc một số bài mà anh tâm đắc. Tôi coi đây như một bài “điểm thơ” Tết dưới góc nhìn của Hồng Vinh với những phát hiện độc đáo, khi thì anh thể hiện sự thích thú với những câu thơ, lúc thì anh “luận bàn” nội dung của bài thơ với ý nghĩa tổng quát; Khi thì anh “nối dài” tứ thơ, lúc thì “bình phẩm” với giọng dí dỏm.
Đọc những trang viết của anh với cách khám phá các “vỉa chìm góc khuất” của nhiều tác giả thơ, tôi thật sự đồng cảm và tự thấy cần ghi lại đây những bài thơ, đoạn thơ mà Hồng Vinh đã đưa vào mục “điểm thơ” của mình.
Đọc bài "Hoa tương tư" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Hồng Vinh viết:
Anh nở “đóa vàng tương tư”
Thao thức em chờ đón nhận
Tỉnh ra mới biết mình mơ
TƯƠNG TƯ nối dài đời Thơ…
Đọc bài “CHỢ”, Hồng Vinh gửi nhà thơ Nguyễn Đức Mậu - người đã vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về thơ từ năm 2001:
“Chiều muộn, người mua thưa vắng CHỢ”
Quán bán thơ anh người vẫn đông
Mấy cô hớn hở xem báo Tết
CHỢ như họp mãi đến hoàng hôn!
Các chiến sĩ tại đảo Trường Sa vui thích đọc các ấn phẩm được gửi từ đất liền |
Với bài “Chải mượt mùa sưa” của Phan Tùng Sơn, Trưởng cơ quan thường trực báo Quân đội nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh - người năm ngoái nhận giải nhì của báo về loạt bài “Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, anh còn là “cây thơ” trữ tình mượt mà hoa lá, do vậy Hồng Vinh chia sẻ cảm xúc cùng anh:
Trong Anh thổn thức tiếng YÊU
Cho Nàng ở nơi xa lắm
Lòng em ngày đêm trống vắng
Anh nghe tiếng trái tim mình?!
Nữ nhà thơ Trần Kim Hoa, người con đất Nguyễn Du, hiện là Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Hội Nhà báo Việt Nam, thường xuyên có những bài với tứ thơ độc đáo. Tết này, chị viết bài “TẦM XUÂN”, mượn cây nói chiều sâu con người, tình yêu thiên nhiên rộng lớn. Hồng Vinh gửi chị:
“Tầm Xuân đã trổ lối hường”
Hút bao du khách về miền sông Lam
Mùa này con nước đã trong
Hai bờ cây trái mượt xanh đất trời
Xôn xao gợi lại một thời
Ngày anh hò hẹn niềm vui dâng tràn
Cơ man ký ức thời gian
Nén trong tâm trí - BẢO TÀNG TRÁI TIM…
Nhà thơ Hải Đường, hay viết về mảng thơ trữ tình - thế sự, nhưng thể hiện sự kín đáo, tinh tế qua bài “Dấu thời gian”. Hồng Vinh đồng điệu và nối dài điều anh chưa tiện nói bằng lời:
Đo núi rộng, đo sông dài
Nhưng sao đo được lòng người thẳng - cong
Cây đa ấy vẫn cứ xanh
Vẫn tường tỏ những gian manh, lọc lừa
Thơ anh thấm chuyện nay - xưa
Gửi lời cảnh tỉnh kẻ chưa biết điều
Dấu thời gian - cuộc bể dâu
Thiện - Tâm sáng rõ, tình sâu, nghĩa nồng…
Trung tướng Đặng Quân Thuỵ, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội xem báo Người đại biểu Nhân dân số Tết
Nhà thơ nữ - người lính biên phòng Phạm Vân Anh xinh đẹp, cây bút sung sức, từng xuất bản nhiều truyện ngắn, tùy bút, tiểu thuyết, thơ ca về dải biên cương trùng điệp với “mùa xuân hoa chuối đỏ tươi”, với tình quân - dân nghĩa tình đằm thắm, với bản sắc văn hóa đa sắc của các dân tộc đã trường tồn hàng ngàn năm, là điểm tựa của lòng yêu nước và sức mạnh bảo vệ bình yên biên giới. Song, có lẽ vì quá yêu dải đất biên cương, con người xuất thân từ đồng bằng sông Hồng này hình như quên “tiếng sóng tình yêu” nơi trái tim mình:
Đường có một phương
Sông thì trăm ngả
Em như cù lao xanh
Ngày đêm thuyền vây bủa…
Đặng Huy Giang - cây bút tài hoa về thơ ca và tiểu luận phê bình, thường viết những bài thơ ngắn với câu, từ chọn lọc, hàm chứa ý tứ rất sâu. Đọc bài “KHOẢNH KHẮC”, Hồng Vinh viết gửi anh:
Tìm anh ở vườn Đào
Anh lại ra chợ Cúc
Bao năm thầm yêu anh
Phấp phỏng Xuân sẽ gặp
…
Nhớ dáng anh đêm ấy
Một hơi ấm bàn tay
Đang tỏa lan cơ thể
Tích tắc bỗng vụt bay!...
Các chiến sĩ ở đảo Trường Sa lớn vui đón những ấn phẩm văn học từ đất liền gửi ra trong ngày Xuân Quý Mão |
“Thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa năm nay xuất hiện ở khá nhiều báo những bài thơ ngắn mà hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa. Khi thì anh trả lởi phỏng vấn, lúc bàn luận chuyện đạo, chuyện đời. Hồng Vinh vốn từng có thời gian học ở Nga nên tâm đắc bài “Đêm Nga” với 4 câu dễ thương; gợi Vinh ứng tác cũng 4 câu:
“Đóa trăng quê” nở trong em
Từ ngày bên Nga giá lạnh
Nay Trăng chạm ngọn thông vi vút gió
Bạch dương xưa, chắc thấu lòng ta?!
Còn Võ Ngũ Phong hơn nửa thế kỷ gắn bó với báo Nhân Dân, cùng những vui buồn thời cuộc, nhưng hầu như gặp anh, mọi người cảm thấy anh không bao giờ buồn chán, lúc nào cũng cười vui với nhiều câu chuyện tiếu lâm. Năm nay, nhân anh viết mấy dòng thơ về tuổi 80, Hồng Vinh dí dỏm cùng anh:
80 tuổi vẫn chưa già
Vẫn vui rả rích, la đà đó đây
Ghi bao thế sự đong đầy
Nhiều em tranh đọc, men say dâng tràn…
Lê Thành Nghị - nhà thơ nhiều năm say với thơ Thiền, cùng với mạch ấy, năm nay, trang thơ Tết trên nhiều báo, anh có nhiều bài thơ trữ tình truyền thống với những luận đề sâu sắc của một nhà thơ từng trải về vốn sống và chữ nghĩa. Đọc “Mùa hoa xoan”, thấy anh rất kiệm từ khi nhắc chữ “em”, Hồng Vinh viết:
Con đường đầu tiên dẫn đến bao la
Là đoạn đường này, là mùa hoa ấy
Con đường hôm nay vươn dài, trải rộng
Mùa hoa xoan vẫn tím ngày nào
Anh ngậm ngùi… em đang ở nơi đâu?!
Nguyễn Việt Chiến, nhà thơ rất thành công khi viết trường ca biển, Tết này, anh cũng viết khá nhiều bài về đất và người đã nuôi hồn thơ anh năm tháng:
“Ta học mùa xuân cách tặng hoa”
Hoa em e ấp ẩn tứ thơ
Tiếng YÊU dồn nén qua sương lạnh
Đến Ba Vì, mới vút dòng xuân!
Với cách diễn đạt phân đoạn của Lê Huy Quang trong bài “Ghi chép trước thềm xuân”, Hồng Vinh cũng ứng tác theo một chiều cạnh sát thực hơn:
- Hà Nội hôm nay
Hoa sữa vô tư thay áo mới
- Những cây sưa đi đâu?
Vỉa hè đơn côi, ghềnh gập
Có bao nguyên cớ không lời!
- Em hững hờ trang sách đọc vội vỉa hè
Day dứt chưa về thăm quê, thăm mẹ
Đàn cò nháo nhác tìm nhau
Bóng dáng em trên đồng lúa còn đâu?
Những câu hỏi dập dồn cảm xúc của Nguyễn Đình Sin trong “Có phải em là mùa xuân” được Hồng Vinh nối mạch thơ, tô đậm sự chuyển vần đáng yêu của thành phố hoa phượng đỏ:
Có phải là em mùa xuân Cát Hải
Rất thân quen nhưng cũng thật ngỡ ngàng
Có phải em là hoa lan Thủy Nguyên
Nhuộm tím trang thơ anh viết?
Có phải em trên con tàu sông Cấm
Đang chuyển hàng vượt đại dương xa?
Bùi Đăng Sinh nói về tình yêu của cặp bạn trẻ buổi đầu còn e ấp, thiếu tự tin, Hồng Vinh sẻ chia với tứ thơ bài “Mùa xuân”:
Yêu nhau và giận dỗi
Hôn rồi còn phân vân
Đêm nằm nghe trong mộng:
Em ở xa hay gần?
Mặt trời vừa nhô lên
Cánh lan sương còn đọng
Anh hớt hải đi tìm
Náo nức niềm hy vọng!
Các ấn phẩm của Báo Tuổi trẻ Thủ đô luôn được chiến sĩ tại biển đảo mong chờ, đón đọc |
Đông qua là xuân tới; hết mưa nắng sẽ bừng, đó là quy luật đất trời, nhưng với chặng đường đời của nhiều người trong cuộc, có bao nhiêu băn khoăn, nghi vấn, Hồng Vinh góp thêm tiếng nói tự tin vào những rung động chân thành của đôi lứa, sẽ nắm tay đi tới đích cuộc đời trong “Tản mạn mùa đông” của Nguyễn Thị Kim Quy:
Đi lại đi
Ta đi tiếp mình ơi
Còn bao nữa cũng không biết nữa
Chỉ biết đông qua, xuân tới
Tích dồn nỗi nhớ em thương
Hết gió, quang mây
Ngừng mưa bừng nắng
Ta nắm chặt tay trong xuân đến sáng nay!
Với “Gặp em ở Kỳ Cùng”, Lê Triển đã dùng hình tượng dòng sông Kỳ Cùng để diễn đạt sự đợi chờ, Hồng Vinh khắc họa thêm những chiều cạnh của cảm xúc, khẳng định lứa đôi sẽ “se duyên kết tóc” dù thiên nhiên nghịch cảnh đến thế nào:
Đã là sông thì chảy mãi không cùng
Vậy đã mấy xuân
Anh đứng bên nhịp cầu Kỳ Cùng
Chờ em hết ngọ qua đêm?!
…
Mẫu Sơn quanh năm mây phủ
Mùa đông ngày giá đêm băng
Em ở nơi nao không rõ
Vẫn chờ em đến tận cùng!...
Một số tờ báo Tết trên bàn nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh |
Cựu binh, nhà thơ Trần Thế Tuyển, Tổng biên tập báo Linh khí quốc gia, dù bền bỉ cùng đồng đội đi quy tập hài cốt liệt sĩ, lo vận động tài trợ cho các thương binh nặng, dòng thơ tình bay bổng trong anh không hề vơi cạn, khiến Hồng Vinh không thể không nối thêm tứ thơ lãng mạn, lạc quan trong bài “Ban mai”:
Tâm hồn anh vẫn bay
Mặc chiều tà đang tới
Tình ta vẫn cứ say
Ngắm bông HỒNG năm mới
Mắt ta nhòa gió núi
Đời có phút cô đơn
Cả những lúc giận hờn
Ban mai thương đến sớm!...
Vậy đó, những bài thơ xuân mà Hồng Vinh “điểm xuyết”, “luận bình” càng khẳng định sức sống trường tồn của mùa xuân đất nước, truyền niềm tin vượt qua mọi thách đố, chông gai, nuôi dưỡng niềm tin, khát vọng xây đất nước phồn vinh với tình xuân chan chứa. Cảm ơn Nguyễn Hồng Vinh với bút lực xuân và sự góp sức thẩm thấu xuân qua những vần thơ Tết, đã thật sự nối dài mùa xuân đất nước!
Hà Nội, mồng 4 Tết Quý Mão
*Những chữ in nghiêng là tên bài hoặc là câu thơ của các tác giả mà Hồng Vinh trích dẫn.