Thị trường vé máy bay Tết "nóng" dần, đề phòng xuất hiện vé giả
Đáng lưu ý, khi nhu cầu đặt vé Tết của người dân tăng cao cũng là lúc xuất hiện một số website nhái, giả các hãng để bán vé dởm, vé giả, vé bị nâng giá khiến hành khách có nguy cơ bị lừa. Các hãng hàng không khuyến cáo, hành khách nên mua vé trên website, đại lý, phòng vé chính thức của các hãng và yêu cầu xuất hóa đơn theo quy định, tránh thiệt hại về kinh tế.
"Nóng" vé máy bay Tết Tân Sửu 2021
Đặt vé cho bố mẹ về quê ở Thanh Hóa ăn Tết, chị Thanh Mai đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh giật mình khi giá vé máy bay Tết rất cao. “Tôi sợ sát ngày vé Tết sẽ đắt nên đã đặt từ cuối tháng 11. Nếu đặt đúng đợt cao điểm từ 25 tháng chạp thì giá vé từ TP Hồ Chí Minh - Thanh Hóa cả 3 hãng ở mức rất cao: 7 - 8 triệu đồng/vé khứ hồi mỗi người, tương đương năm ngoái. Năm nay, do Covid-19 nên kinh tế cũng eo hẹp hơn, gia đình bàn bạc và thống nhất đặt vé sớm cách tết hơn 20 ngày để các cụ về quê trước, còn vợ chồng con cái về sau để giảm bớt chi phí”, chị Mai chia sẻ.
Theo khảo sát trên hệ thống bán vé của Vietnam Airlines, giá vé tết chiều TP HCM - Hà Nội trong đợt cao điểm trùng với lịch nghỉ tết, mức vé thấp nhất hạng phổ thông từ 3,58 triệu/chiều/người; Mức vé hạng thương gia lên tới 7,96 triệu đồng/chiều/người. Ngay cả một số đường bay lẻ như TP HCM - Thanh Hóa, mức giá cũng rất cao, từ 3,58 triệu đồng/chiều/người trong giai đoạn trước Tết.
Thị trường vé máy bay bắt đầu "nóng", giá tương đối cao |
Với Vietjet Air, chiều đi ngày 6 – 10/2 từ TP HCM - Hà Nội, giá vé sau thuế phí thấp nhất trên 3 - 3,5 triệu đồng/chiều/người. Giá vé chiều TP HCM - Vinh (Nghệ An), một trong những đường bay địa phương khá nóng giai đoạn trước tết từ 6 – 10/2 ở mức cao, giá vé gồm thuế phí thấp nhất từ 3,5 triệu đồng/chiều/người.
Mức giá của Bamboo Airways cũng tương tự. Trong ngày 7/2/2021, Bamboo Airways có 9 chuyến bay từ TP HCM - Hà Nội. Chỉ sau vài ngày mở bán hãng đã báo hết vé hạng tiết kiệm, chỉ còn vé plus (hạng phổ thông linh hoạt) giá 3,426 triệu đồng/chiều, các chuyến bay cũng chỉ còn từ 1 - 5 ghế tùy khung giờ, và 5,752 triệu đồng hạng thương gia. Số ghế còn lại cũng rất ít. Chiều ngược lại, bay từ Hà Nội – TP HCM ngày mùng 5 Tết giá còn cao hơn: 3,64 triệu đồng/vé hạng plus, gần chạm trần.
Chia sẻ với báo chí, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines, cho biết không chỉ Vietnam Airlines mà các hãng khác cũng đều xây dựng phương án mở bán lượng vé Tết tương đương hoặc nhiều hơn năm ngoái, do dự báo nhu cầu cao từ thị trường. Từ cuối tháng 11, nhiều đường bay của hãng hàng không quốc gia dịp cao điểm Tết đã đầy từ 50% đến trên 90% số ghế.
Xuất hiện nhiều website bán vé máy bay giả
Khi nhu cầu đặt vé Tết của người dân tăng cao cũng là lúc xuất hiện một số website nhái, giả các hãng để bán vé giả. Mới đây, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) đã có khuyến cáo đối với hành khách khi mua vé trên kênh chính thức. Đơn vị này khuyến cáo, hiện nay, xuất hiện một số website không phải kênh bán vé chính thức của Vietnam Airlines nhưng được thiết kế gần giống website chính thức của hãng.
Cụ thể, các website này được đặt tên địa chỉ gần giống, chỉ khác một số chữ cái như: www.vietnamairslines.com; www.vietnamaairlines.com... Giao diện, màu sắc, logo những trang web này cũng được thiết kế tương tự website chính thức của các hãng hàng không lớn, để lợi dụng sự sơ hở của khách hàng truy cập và mua vé. Tình trạng này diễn ra ngày càng nhiều trong dịp cao điểm Tết khi nhu cầu đi lại tăng cao.
Giao diện website www.vietnamaairlines.com gần giống website chính thức của hãng Vietnam Airlines |
Mới đây, một nữ hành khách có nhu cầu bay Hà Nội - Đà Lạt vào cuối tháng 11 nên đã lên mạng tìm kiếm website đặt vé của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, do không kiểm tra kỹ lưỡng nên khách hàng đã nhấp vào website nhái của hãng này.
Nữ khách hàng tiến hành chuyển khoản 4 triệu đồng tiền vé và vẫn nhận được thông tin kèm mã vé máy bay qua email. Sau đó, khi nhận ra điểm bất thường trên website đặt vé, khách hàng kiểm tra lại mã đặt chỗ trên website chính thức của hãng nhưng không thấy. Liên hệ với các số điện thoại trên trang web đã mua vé, vị khách này đều không thể liên lạc được, lúc này mới phát hiện mình đã đặt vé nhầm qua website lừa đảo.
So với website chính thức của Vietnam Airlines, tên miền của website này có thêm chữ "s", được chèn vào giữa từ "Airlines" khiến khách hàng khó phân biệt. Website này có giao diện, màu sắc và các thao tác đặt vé tương tự với website chính thức Vietnam Airlines.
Không chỉ xuất hiện nhiều website bán vé máy bay giả mạo, trên mạng xã hội cũng xuất hiện đường link dẫn đến trang web có nội dung hứa hẹn tặng 2 vé máy bay Vietnam Airlines cho khách hàng tham gia điều tra trực tuyến và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, những tên miền website trên đều không phải những trang web hoạt động do Vietnam Airlines quản lý, hành khách có thể bị kẻ xấu lợi dụng lấy cắp thông tin cá nhân hoặc vô tình tiếp tay cho hành vi lừa đảo những người dùng khác trên không gian mạng.
Theo các hãng hàng không, do những website này không phải kênh bán hay đối tác chính thức của hãng, hành khách mua vé từ đây sẽ không được bảo đảm quyền lợi, có thể mua phải vé giả, vé bị nâng giá... Do đó, hành khách nên mua vé trên website, đại lý, phòng vé chính thức của các hãng và yêu cầu xuất hóa đơn theo quy định.
Nếu mua vé ở các điểm bán không phải đại lý chính thức, khách hàng cần xem kỹ thông tin, kiểm tra mã vé bằng cách gọi trực tiếp về hãng hàng không. Ðối với khách mua vé điện tử trên website, cần đặc biệt lưu ý truy cập đúng địa chỉ chính thức của hãng hàng không hoặc tải ứng dụng về điện thoại di động để mua vé. Ngoài ra, hành khách có thể liên hệ trực tiếp nhân viên qua số điện thoại tổng đài hoặc trang Facebook nếu cần được giải đáp, hỗ trợ trực tiếp liên quan đặt chỗ, mua vé, tránh bị kẻ gian lừa đảo mua vé giả.