Người dân cho rằng mức bồi thường bò sữa bị chết chưa thỏa đáng
Mang Yang - Gia Lai hội tụ nhiều yếu tố để trở thành 'thiên đường bò sữa' Lâm Đồng: 4 huyện, thành phố xuất hiện bò sữa mắc bệnh tiêu chảy Nguyên nhân đàn bò sữa chết bất thường ở Lâm Đồng |
Người dân bất lực nhìn bò sữa trong đàn chết hàng loạt (Ảnh người dân cung cấp) |
UBND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) vừa tổ chức buổi làm việc giữa các bên liên quan để thỏa thuận phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại trên đàn bò sữa phát bệnh do tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục (VDNC) của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Kim Lan, Tổng Giám đốc Công ty Navetco - đơn vị cung cấp vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục Navet-LpVac cho biết, bà đã trực tiếp đến 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng để gặp gỡ các hộ chăn nuôi bò sữa và lãnh đạo các huyện để trình bày phương án bồi thường đàn bò bị phát bệnh, chết sau khi tiêm vắc xin VDNC Navet- LpVac.
Vắc xin của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương cấp cho tỉnh Lâm Đồng (Ảnh CTV) |
Theo bà Lan, từ năm 2023, vắn xin phòng bệnh VDNC của công ty đã được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận lưu hành. Từ đó đến nay, công ty đã cung cấp hơn 300.000 liều vắc xin, được sử dụng tại 30 tỉnh, thành trong toàn quốc.
Do đó, mức bồi thường đối với bò chết có đầy đủ hồ sơ gồm: Bò hậu bị không mang thai (bao gồm bê) với mức 55.000 đồng/kg bò hơi; bò hậu bị mang thai 60.000 đồng/kg bò hơi; bò sinh sản không mang thai 65.000 đồng/kg bò hơi, bò sinh sản mang thai 70.000 đồng/kg bò hơi.
Đối với bò chết do hộ chăn nuôi tự xử lý và đã bán, có xác nhận của địa phương thì mức hỗ trợ là 7 triệu đồng/con và 10 triệu đồng/con. Với bò sữa bệnh có đầy đủ hồ sơ, chi phí điều trị bệnh mức hỗ trợ 1 triệu đồng/con, chi phí thiệt hại sản xuất 2,1 triệu đồng/con (áp dụng với bò sữa đang khai thác sữa); bò bệnh bị sảy thai 6,1 triệu đồng/con (không áp dụng đối với bò chết).
Gần 200 con bò sữa mắc bệnh đang được theo dõi, điều trị (Ảnh CTV) |
Thời điểm tính bồi thường hỗ trợ được xác định từ ngày phát sinh ca bệnh đầu tiên đến thời điểm 16h ngày 26/9/2024. Sau thời gian này, Công ty Navetco sẽ phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản Lâm Đồng và cơ quan thú y địa phương tiến hành lấy mẫu đối với bò chết, bò sảy thai để xác định nguyên nhân làm cơ sở thực hiện bồi thường, hỗ trợ.
Phía Công ty Navetco đưa ra thời gian chi trả thành 2 đợt và yêu cầu bên nhận bồi thường, hỗ trợ cam kết không khiếu nại hay có bất cứ tranh chấp gì liên quan đến số lượng bò và số tiền bồi thường, hỗ trợ sau khi đã được nhận tiền.
Cũng theo bà Lan, phương án khắc phục sự việc trên được đưa ra sau khi đã tìm hiểu, cân nhắc trên các thông tin và tư vấn thực tế từ các công ty chăn nuôi và các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Đồng thời xét khả năng tài chính và phương án khả thi cao nhất mà công ty có thể thực hiện.
Người nuôi bò sữa cho rằng mức bồi thường đưa ra là không thỏa đáng, quá thiệt thòi cho họ (Ảnh CTV) |
Sau khi nghe mức giá bồi thường, hỗ trợ, các hộ chăn nuôi có bò chết, bệnh sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco cho rằng, mức đền bù quá thấp so với những thiệt hại.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan (trú thôn Bồng Lai, huyện Đức Trọng) cho hay, thời điểm tính bồi thường, hỗ trợ được xác định từ ngày phát sinh ca bệnh đầu tiên (16h ngày 26/9) là không thỏa đáng.
Sau khi tiêm vắc xin, bò còn bị di chứng rất lâu, ảnh hưởng đến các thế hệ sau, chứ không phải chỉ đến ngày đó.
“Chúng tôi đề nghị công ty bồi thường, hỗ trợ thiệt hại một cách thỏa đáng để các hộ có điều kiện khôi phục chăn nuôi. Tại buổi làm việc, chúng tôi cũng đã thống nhất đề xuất mức bồi thường, hỗ trợ theo từng loại bò bị thiệt hại đến công ty”, bà Loan bày tỏ.
Vì theo tính toán của người dân, một con bò đang cho sữa có giá từ 40 - 60 triệu đồng/con, nay Công ty Navetco chỉ đền bù 7 - 10 triệu đồng/con là không thỏa đáng, quá thiệt thòi cho họ.
Bên cạnh đó, với những con đang phục hồi thì sản lượng sữa bị giảm rõ rệt, nhưng công ty chỉ hỗ trợ từ 1 - 2,1 triệu đồng là quá thấp so với chi phí các hộ bỏ ra mua thuốc điều trị cho bò.
Thực tế, nhiều nông hộ đang phải vay nợ ngân hàng, nợ trả chưa xong, giờ lại chồng chất khó khăn.
Người dân mong muốn được hỗ trợ thiệt hại một cách thỏa đáng để các hộ có điều kiện khôi phục chăn nuôi (Ảnh CTV) |
Kết luận buổi làm việc, ông Lê Nguyên Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng đề nghị Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco tiếp thu các ý kiến của các hộ dân đã nêu và sớm xem xét, bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng lưu ý, bà con rà soát, xem xét lại từng phương án mà công ty đã đưa ra. Đồng ý nội dung nào thì phản hồi trước, để các cơ quan có thẩm quyền biết và có ý kiến báo cáo với cấp trên.
Đồng thời, các cơ quan chính quyền địa phương cần tiếp tục hoàn chỉnh các hồ sơ theo yêu cầu, để đảm bảo các thủ tục chi trả cho các hộ dân theo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi của người dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, lũy kế đến ngày 28/9, toàn tỉnh có 7.375 con bò bệnh, 550 con bị chết và 6.641 con hồi phục (gồm Đơn Dương 3.965 con, Đức Trọng 2.584 con, Lâm Hà 46 con, Di Linh 33 con và Bảo Lộc 13 con). Hiện, còn 184 con mắc bệnh đang được theo dõi, điều trị. |